Quốc tế bày tỏ lo ngại về đụng độ ở biên giới Thái Lan - Campuchia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dư luận quốc tế bày tỏ quan ngại về tình hình biên giới Thái Lan - Campuchia và hy vọng cả hai bên sẽ giảm leo thang căng thẳng, tiến tới đối thoại.

“Trung Quốc rất quan ngại về tình hình leo thang hiện nay và hy vọng cả hai bên sẽ giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tham vấn”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Côn cho biết tại một cuộc họp báo ngày 24-7 trước câu hỏi liên quan đến vụ đụng độ biên giới Thái Lan-Campuchia.

“Campuchia và Thái Lan đều là những nước láng giềng hữu nghị và là thành viên quan trọng của ASEAN. Việc duy trì quan hệ láng giềng tốt đẹp và xử lý đúng đắn các bất đồng sẽ phục vụ cho lợi ích cơ bản và lâu dài của cả hai bên”, Người phát ngôn Quách Gia Côn nói.

Cảnh sát Thái Lan thuyết phục người dân biên giới đi sơ tán

Cảnh sát Thái Lan thuyết phục người dân biên giới đi sơ tán

Ông Quách Gia Côn nhấn mạnh rằng Trung Quốc, với lập trường công bằng và vô tư, đã và sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc thúc đẩy đối thoại và giảm leo thang căng thẳng theo cách riêng của mình.

Trung Quốc là quốc gia thứ ba đầu tiên lên tiếng về cuộc đụng độ bùng phát vào ngày 24-7 giữa lực lượng Campuchia và Thái Lan tại khu vực biên giới.

Trung Quốc cũng đã khuyến cáo công dân tại Campuchia tránh xa các khu vực gần biên giới với Thái Lan, trong bối cảnh giao tranh leo thang dọc theo biên giới tranh chấp.

“Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia khuyến cáo công dân Trung Quốc… theo dõi chặt chẽ tình hình an ninh địa phương, luôn cảnh giác, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và đảm bảo an toàn cá nhân”, Đại sứ quán viết trong một bài đăng trực tuyến.

Cùng ngày, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, hiện là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó cả Thái Lan và Campuchia đều là thành viên chủ chốt, bày tỏ rằng tình hình “đáng lo ngại”.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim

“Tôi đã gửi điện cho cả hai Thủ tướng và mong muốn được nói chuyện với họ vào cuối ngày hôm nay hoặc tối nay”, ông nói với các phóng viên.

“Điều tối thiểu chúng ta có thể mong đợi là họ sẽ từ bỏ và hy vọng họ sẽ cố gắng tham gia đàm phán”, ông Ibrahim nói.

Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã gửi thư cho Đại sứ Asim Iftikhar Ahmad, Đại diện Thường trực của Pakistan tại Liên hợp quốc kiêm Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 7-2025, đề nghị Hội đồng Bảo an họp khẩn cấp để ngăn chặn hành vi của Thái Lan đối với chủ quyền của Campuchia.

Thủ tướng Campuchia đề nghị Hội đồng Bảo an họp khẩn về tình hình biên giới với Thái Lan

Thủ tướng Campuchia đề nghị Hội đồng Bảo an họp khẩn về tình hình biên giới với Thái Lan

Trong diễn biến có liên quan, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc xung đột “kiềm chế tối đa” trước những thương vong dân sự đã được báo cáo.

UNICEF trong một tuyên bố ngày 24-7 cho biết: “UNICEF vô cùng quan ngại trước tình hình bạo lực leo thang dọc biên giới Thái Lan - Campuchia, được cho là đã gây ra thương vong cho dân thường, bao gồm cả trẻ em thiệt mạng và hàng trăm trường học ở các khu vực bị ảnh hưởng phải tạm thời đóng cửa.

Phụ nữ và trẻ em tỉnh Surin, Thái Lan đi sơ tán khi căng thẳng quân sự leo thang

Phụ nữ và trẻ em tỉnh Surin, Thái Lan đi sơ tán khi căng thẳng quân sự leo thang

UNICEF kêu gọi tất cả các bên kiềm chế tối đa và bảo vệ trẻ em cũng như các dịch vụ thiết yếu mà các em cần, phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về Quyền Trẻ em. Trẻ em phải được bảo vệ mọi lúc, đồng thời sự an toàn và phúc lợi của các em phải được ưu tiên hàng đầu, trong khi trường học phải là nơi an toàn để học tập”.