Quốc hội sẽ lựa chọn giám sát tối cao về ô nhiễm môi trường hoặc nhân lực chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua thảo luận tại Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội nên giám sát tối cao về vấn đề bảo vệ môi trường trong năm 2025, song cũng có nhiều ý kiến đề nghị giám sát về nội dung nhân lực chất lượng cao…
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo 2 chuyên đề giám sát dự kiến

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo 2 chuyên đề giám sát dự kiến

Sáng 30-5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025.

Trước khi thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường thông tin, năm 2025 cũng là năm cuối nhiệm kỳ, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Đối với giám sát chuyên đề, sau khi cân nhắc nhiều mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 10 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại Phiên họp tháng 8-2025.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 2 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 1 chuyên đề để giám sát tối cao.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành.

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương)

Qua thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH đánh giá, 2 chuyên đề được trình ra đều đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng.

Trong đó, nhiều ý kiến ủng hộ chọn Chuyên đề 1 với lý do ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng, được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. “Nếu đưa chuyên đề này vào nội dung giám sát tối cao năm 2025, theo tôi là đúng thời điểm và trúng vấn đề nóng” – ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu quan điểm.

Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến chọn Chuyên đề 2, với lập luận rằng nguồn nhân lực, cán bộ là gốc rễ của vấn đề; vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao đang đặt ra một cách bức xúc…

ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau)

“Tôi đã từng đề nghị Quốc hội tiến hành tổng rà soát công tác bổ nhiệm, tuyển dụng cán bộ. Trước hết là cán bộ ở cấp Trung ương và rường cột của tỉnh, của huyện. Tôi cho rằng nếu làm được việc này thì sẽ tạo chuyển biến rất cân bằng cho cả hệ thống chính trị nước ta” – ĐB Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nêu quan điểm ủng hộ Chuyên đề 2.

Vì thế, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu tối đa ý kiến xác đáng của các ĐBQH để trình Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao cũng như thành lập đoàn giám sát.