Quốc hội chính thức thông qua Hiến pháp sửa đổi

ANTĐ - Lúc 9h50 sáng nay (ngày 28/11), với tỷ lệ 97,59% phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi). Ngay sau đó, toàn thể 488 vị đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường Bộ Quốc phòng đã đứng lên vỗ tay, biểu thị sự vui mừng trong thời khắc lịch sử.

Phiên họp toàn thể tại hội trường Bộ Quốc phòng được truyền hình trực tiếp. Đầu giờ sáng Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi).

Bản Hiến pháp sửa đổi đã chính thức được Quốc hội khóa XIII biểu quyết,
thông qua tại kỳ họp thứ 6

Các vị ĐBQH cho rằng, dự thảo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, chắt lọc, tiếp thu được nhiều ý kiến xác đáng của nhân dân, của các ĐBQH, các chuyên gia, nhà khoa học, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bố cục của dự thảo Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992).

Tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại điều 4 của dự thảo, khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Mặt khác, tiếp thu ý kiến của nhân dân và ĐBQH, dự thảo Hiến pháp đã bổ sung vào điều 4 quy định về trách nhiệm của Đảng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.

Dự thảo đã bổ sung và thể hiện rõ hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Các vị ĐBQH đánh giá cao việc ghi nhận các quyền con người trong dự thảo đã bao quát hầu hết các quyền cơ bản về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa của con người theo các điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên.

Kết quả biểu quyết thông qua toàn văn dự thảo Hiến pháp

Điều 51 dự thảo viết: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế; kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đa số ý kiến tán thành với quy định này.

Các ĐBQH đều tán thành với quy định về Chủ tịch nước tại điều 88 của dự thảo. Theo đó, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Dự thảo đã làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam…; cùng với đó là bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Ngoài ra báo cáo tiếp thu, giải trình còn đề cập đến những vấn đề về TAND, Viện KSND; Chính quyền địa phương; Hội đồng bầu cử quốc gia và kiểm toán nhà nước; Thu  hồi đất... Tiếp theo, trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi).

Vào lúc 9h50, với 486 ĐBQH bấm nút tán thành (97,59% tổng số phiếu), Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi) đã chính thức được thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. 

Toàn văn Hiến pháp Nước CHXHCN Việt Nam (sửa đổi)