Quay video clip "tố" bức xúc và đăng lên MXH: Có xâm phạm đời tư không?

ANTD.VN - Ở sự việc người nhà bệnh nhi quay video clip “tố” bức xúc với thái độ của nữ bác sĩ ở Bệnh viện Mắt Trung ương và đăng tải lên mạng xã hội (MXH), một luồng quan điểm trái chiều cho rằng hành động này “xâm phạm đời tư”. Tuy nhiên, ở rất nhiều sự việc tương tự, hành động như vậy lại giúp bộc lộ những vấn đề vi phạm để xã hội lên án. Vậy quay clip, đăng lên MXH, có thể coi là vi phạm đời tư hay không?

Sau khi quay video clip và đăng lên MXH để “tố” nữ bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương có thái độ khó chịu, người nhà bệnh nhi đã phải nhận những cảnh báo cho rằng hành động của chị “xâm phạm đời tư” khi chưa có sự đồng ý chia sẻ hình ảnh của người trong cuộc. PV Báo ANTĐ đã trao đổi với Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long để làm rõ hơn vấn đề này, cũng như các khía cạnh liên quan khác.

Ở sự việc vừa qua, cũng như nhiều vụ việc gây bức xúc khác, người dân đã quay clip và đưa lên MXH. Anh có cho rằng như vậy là “xâm phạm đời tư" không? Vì sao?

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long: Tôi chưa nghiên cứu thật kỹ về vấn đề đời tư, nhưng theo hiểu biết hiện tại thì tôi thấy, có những người của công chúng, khi họ bị quay clip, chụp trộm… thì báo chí vẫn làm và không hẳn bị coi là xâm phạm đời tư.

Có những sự việc, khi trong cùng một hoàn cảnh như vậy, với người không nổi tiếng thì có thể lại bị coi là xâm phạm đời tư. Vậy thì phải xem xét rất nhiều yếu tố để đi tới kết luận cuối cùng, như về công việc lúc đó, không gian…

Ở sự việc cụ thể vừa qua, tôi cho rằng không gian phòng khám không bị xem là riêng tư, nhất là khi bác sĩ đang khám cho một em bé, và có camera từ ngoài chĩa vào. Tất nhiên vẫn phải xem thêm quy định của bệnh viện. Tôi nhớ rằng đã có trường hợp bác sĩ khám phụ khoa cho phụ nữ và bất ngờ xâm hại người bệnh… Như vậy, rõ ràng không thể coi đó là không gian riêng tư của bác sĩ và bệnh nhân.

Quay video tố cáo bức xúc và xâm phạm đời tư có ranh giới phân biệt khá mong manh (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Nhiều người cho rằng smartphone và mạng xã hội đang là "thứ vũ khí" lợi hại để giải quyết bức xúc trong cuộc sống hằng ngày. Anh có đồng ý với quan điểm đó không?

- Tôi rất đồng ý với quan điểm đó, nhưng ở góc độ tổng quát hơn, tôi cho rằng “thứ vũ khí” lợi hại đằng sau smartphone và MXH là sự minh bạch và cơ chế giám sát để tạo ra sự minh bạch.

Trước đó, tôi đã đề cập tới sự minh bạch trong việc làm từ thiện khi trả lời PV Báo ANTĐ. Nó là yếu tố tốt giúp điều chỉnh hành vi của chúng ta, và là yếu tố quan trọng trong tiến trình phát triển của xã hội. Trách nhiệm giải trình và minh bạch là rất quan trọng.

Smartphone và MXH trở thành 'vũ khí lợi hại' trong việc tạo ra sự minh bạch và trách nhiệm giải trình

Chẳng hạn như, nếu chúng ta ngồi trong phòng và tự hứa với bản thân là hôm nay mình sẽ tập trung làm việc từ 8 giờ sáng tới 12 giờ trưa. Nhưng nếu không có người ngồi giám sát, hoặc camera giám sát, thì tự nhiên sẽ có lúc chúng ta lơ là lời hứa của bản thân mình.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng điện thoại thông minh hay MXH… chỉ là công cụ. Smartphone ghi lại sự việc để làm chứng cứ thể hiện có minh bạch hay không. Còn MXH gây áp lực để đối tượng bị smartphone quay lại phải giải trình.

Dù vậy, cũng phải nhấn mạnh một điều, yếu tố đạo đức của người thực hiện hành vi giám sát rất quan trọng, nó giúp tạo ra ranh giới (dù mỏng manh) giữa việc ghi lại hành vi sai trái với sự xâm phạm riêng tư. Vì cùng một video clip, nếu đặt trong đúng hoàn cảnh thì không vấn đề gì, nhưng khi tách ra khỏi hoàn cảnh đó, nó trở nên rất bức xúc.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long

Trở lại sự việc vừa qua ở Bệnh viện Mắt Trung ương, anh có cho rằng việc đào tạo ứng xử lịch sự trong giao tiếp của bác sĩ với bệnh nhân và người nhà của họ là cần thiết? Anh từng có trải nghiệm nào đáng nhớ khi tiếp xúc với bác sĩ?

- Tôi cho rằng vô cùng cần thiết. Bởi vì ông bà ta có câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch ngon cơm”. Khi tới bệnh viện, chúng ta cảm thấy lo sợ, mức độ đau đớn dường như tăng lên vì bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài như không gian bệnh viện, hay thái độ của bác sĩ.

Cho nên việc điều chỉnh từ không gian cho tới thái độ của bác sĩ sao cho tạo ra ấn tượng thoải mái là rất quan trọng, để người bệnh cảm thấy nhẹ nhõm, giảm đau đớn, lo lắng.

Vậy thì việc bác sĩ ứng xử lịch thiệp thì sẽ rất tốt cho bệnh nhân, cho cả bác sĩ, và từ đó cho bệnh viện, và mọi người đều hưởng lợi. Nếu bác sĩ không thay đổi phong cách, thì khi có sự cạnh tranh, chính bác sĩ và bệnh viện phải nhận hậu quả từ thái độ, cách cư xử, giao tiếp với bệnh nhân.

Cá nhân tôi có cả trải nghiệm tích cực và tiêu cực với bác sĩ. Tuy nhiên, là một người có suy nghĩ khá “cổ điển” là “thầy cô và y bác sĩ như cha mẹ mình”, nên tôi luôn lễ phép và cảm thấy chưa có vấn đề gì. Nên có những trường hợp đối với mặt bằng chung là bức xúc thì với tôi là bình thường.

Tôi nhớ có lần, khi đi làm răng, nha sĩ đã vỗ về mình như mẹ với con, họ động viên, khích lệ khiến mình cảm thấy mọi thứ thoải mái và nỗi sợ, cảm giác đau đớn giảm đi rất nhiều.

Cũng có lần, tôi đi mua thuốc cho bố ở bệnh viên công, có rất nhiều người xếp hàng. Tôi quan sát thấy nhân viên bán thuốc là một cô gái trẻ, chỉ ngang tuổi con cháu của người tới mua, song thái độ của cô ấy thì rất dễ gây bức xúc, như quăng thuốc, giật tiền, có lời nói trống không… Tới lượt tôi thì cách phục vụ cũng như vậy. Song sau khi cô ấy lấy thuốc, tôi nghĩ không gian quá đông khiến cô ấy phải gào thét và bị áp lực. Tôi nói “Cảm ơn chị! Đông thế này mà phải nói thì đau cổ lắm!”, cô ấy ngước lên nhìn và cười, cảm ơn tôi. Sau đó, tôi để ý thấy với những người đến sau, cô ấy trở nên nhẹ nhàng hơn…

Vậy nên khi tới cơ sở y tế, tôi nghĩ mình phải có thái độ tích cực hơn với họ, và họ sẽ đáp lại như thế. Cần phải thông cảm với người làm dịch vụ nói chung. Nếu hai bên cùng làm được như vậy thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Xin cảm ơn anh!