Quảng cáo trên website vi phạm pháp luật có thể bị phạt tới 20 triệu đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa công bố 48 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nhiều người đặt câu hỏi việc các tổ chức cá nhân “chạy” quảng cáo trên các trang tin này có phạm pháp?

48 trang thông tin điện tử (website) có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cung cấp nội dung quảng cáo cá độ, cung cấp trò chơi điện tử trái phép có tính chất cờ bạc, đổi thưởng… như xoilac3.com, xoilac8.tv, Gam88.club, win79.vip…

Việc công bố này nhằm lưu ý với những người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo không phát hành sản phẩm quảng cáo trên các trang thông tin đó.

Về khái niệm trang thông tin điện tử, Khoản 17 Điều 4 Luật Công nghệ thông tin 2006 quy định, đó là trang thông tin hoặc một tập hợp trang thông tin trên môi trường mạng phục vụ cho việc cung cấp, trao đổi thông tin.

Trả lời câu hỏi “quảng cáo trên trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật có trái luật” - Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Nghị định 70/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Quảng cáo với nhiều quy định mới liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật vừa được công bố đều sử dụng tên miền quốc tế

Các website có dấu hiệu vi phạm pháp luật vừa được công bố đều sử dụng tên miền quốc tế

Theo Nghị định này, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, không hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo với trang thông tin điện tử đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền thông báo vi phạm pháp luật công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Do vậy, việc những người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người quảng cáo đã được cơ quan chức năng thông báo về việc các trang thông tin điện tử có vi phạm pháp luật mà vẫn tiến hành hợp tác phát hành sản phẩm quảng cáo là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Về mức xử phạt đối với hành vi phát hành sản phẩm quảng cáo trên trang thông tin điện tử vi phạm pháp luật, Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP nêu rõ, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

Không thông báo hoặc thông báo không đúng thông tin liên hệ đến Bộ Thông tin và Truyền thông về những nội dung theo quy định của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam; Không báo cáo theo quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mức phạt tiền sẽ tăng lên từ 10-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định;Thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định vượt quá 1,5 giây; Thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin, bài.

Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, tổ chức cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo gỡ quảng cáo đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 38/2021/NĐ-CP .

Căn cứ các quy định trên có thể thấy, tổ chức có hành vi vi phạm về quảng cáo trên trang thông tin điện tử (đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật) có thể sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng, đồng thời bị buộc gỡ quảng cáo như một biện pháp khắc phục hậu quả. Với cùng hành vi này, cá nhân vi phạm bị áp dụng mức phạt bằng ½ tổ chức - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.