Quan trọng là gỡ rối

ANTD.VN - Trong những năm gần đây, có một vấn đề luôn được dư luận xã hội bàn luận nhiều, khi thì rộ lên “sôi sục”, lúc lại lắng xuống, nhưng vẫn là chuyện “nóng hổi”, thời sự chưa biết bao giờ kết thúc. Đó chính là vấn đề dạy thêm, học thêm đã và đang tồn tại ở mọi cấp học trong tất cả các trường lớp trên khắp cả nước. Rất cần có thêm những ý kiến từ nhiều phía nhằm sáng tỏ thực chất vấn đề này chứ không phải càng bàn càng rối.

Chuyện bỏ dạy thêm, học thêm, thực ra không hề đơn giản, vì thế Bộ GD-ĐT không máy móc đưa ra một lệnh cấm cứng nhắc áp dụng cho toàn bộ các cơ sở giáo dục ở các địa phương. Thế nên, có nơi thì cấm tuyệt đối việc dạy thêm, học thêm dưới mọi hình thức, nhưng có nơi lại cho phép với những quy định chặt chẽ. Từng có nơi, có lúc, giáo viên đang dạy thêm bị đoàn kiểm tra lập biên bản như hoạt động gian lận, vi phạm pháp luật.

Thực tế cho thấy, có tình trạng ép phụ huynh cho con em đi học thêm dưới hình thức tinh vi như tự tay viết đơn “tự nguyện”, thậm chí vận động ban phụ huynh ký đơn xin học thêm để tránh bị xử lý. Đó là chưa kể, không ít thầy cô giáo bằng nhiều cách “tế nhị” gieo rắc trong tâm lý học trò của mình nếu không “tự nguyện” học thêm thì sẽ được “quan tâm” đặc biệt, kết quả học tập tất nhiên là giảm sút so với những bạn “chịu khó” đi học thêm.

Tâm lý này khá phổ biến và lây lan trong đầu óc trẻ như một nỗi ám ảnh. Không ít học sinh khi tâm sự với cha mẹ đều nói thẳng rằng không muốn học thêm. Tuy nhiên có một thực tế không thể phủ nhận, hiện có một bộ phận không nhỏ phụ huynh cũng “đồng tình” với giáo viên cho con mình học thêm mà không hiểu năng lực cũng như nhu cầu thực chất của trẻ. Vô hình trung, học sinh ở giữa chịu sức ép từ hai phía cả giáo viên lẫn cha mẹ.

Dẫu vậy, nói đi thì phải nói lại, sở dĩ tình trạng dạy thêm, học thêm dù bàn nhiều, “mổ xẻ” nhiều, song chưa thể ngã ngũ chính bởi đây là một nhu cầu có thực, không thể dẹp đi bằng mệnh lệnh hành chính. Cách đây mấy chục năm, từng có hình thức “phụ đạo” những học sinh yếu kém trong các trường học để trẻ theo kịp trình độ cả lớp. Đương nhiên, hồi đó chưa nảy sinh chuyện đóng tiền, góp phần tăng thu nhập của thầy cô, cũng chưa diễn ra tình trạng chạy theo thành tích như bây giờ.

Bàn sâu về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, không nên kỳ vọng tìm ra một giải pháp tối ưu áp đặt khiên cưỡng cho tất cả tỉnh, thành phố cũng như cho mọi trường học. Đây là một thực tế khách quan phải chấp nhận, chỉ có điều bản thân thầy cô giáo không nên coi học sinh là nguồn  tăng thu nhập. Công tâm, tâm huyết vì sự nghiệp “trồng người” cao quý luôn được chính học sinh ghi nhận, kính trọng, xã hội tôn vinh.