Phục hồi và phát triển thị trường lao động để kinh tế tăng trưởng bền vững

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chăm lo, bảo đảm quyền lợi và lợi ích của người lao động là mối quan tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị. Điều này càng có vai trò quan trọng đối với mục tiêu nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm 2022 nhờ sản xuất được phục hồi

Thị trường lao động có dấu hiệu khởi sắc từ đầu năm 2022 nhờ sản xuất được phục hồi

Nhiều tín hiệu lạc quan về thị trường lao động

Theo con số thống kê, trong quý I-2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng khoảng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị đều tăng khoảng 0,2 triệu người.

Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng 962,6 nghìn người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong tổng số 50 triệu lao động có việc làm, lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 38,7%, tương đương 19,4 triệu người, tiếp đến là lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 33,5%, tương đương 16,8 triệu người. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng thấp nhất, 27,8%, tương đương 13,9 triệu người.

Kể từ đầu năm tới nay, tình hình kinh tế-xã hội nói chung và tình hình lao động việc làm nói riêng có nhiều chuyển biến tích cực. Thị trường lao động đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ. Nếu như quý III năm 2021, thị trường lao động đã trải qua những khó khăn chưa từng có với mức thu nhập bình quân của người lao động là 5,2 triệu đồng, là mức sụt giảm nghiêm trọng, thì thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý I-2022 là 6,4 triệu đồng, tăng 1 triệu đồng so với quý trước.

Đi vào từng ngành, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có mức thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng; lao động làm việc trong ngành bán buôn bán lẻ có thu nhập bình quân là 7,5 triệu đồng; ngành tài chính ngân hàng và bảo hiểm có thu nhập là 10,8 triệu đồng/người/tháng; ngành kinh doanh bất động sản có thu nhập bình quân là 10,7 triệu đồng; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt có thu nhập bình quân là 9,5 triệu đồng.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19, dự báo từ các tổ chức quốc tế đều tỏ ra lạc quan. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%, sau đó sẽ ổn định trở lại quanh mức 6,5%.

Triển vọng tích cực của kinh tế Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 4 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 5,92 tỷ USD, là giá trị cao nhất trong cùng thời điểm từ năm 2018-2022 đến nay, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2022. Số doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt 49.591 doanh nghiệp, là mức cao nhất trong giai đoạn 4 tháng đầu năm từ trước đến nay tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan về thị trường lao động trong thời gian tới. Theo Nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos, tình hình tuyển dụng trong năm 2022 có những tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử vẫn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Các tỉnh như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Đà Nẵng tiếp tục trở thành các địa phương nhận được các đầu tư rất lớn từ các dự án FDI.

Với các doanh nghiệp trong nước, nhóm lao động giản đơn sẽ có tốc độ phục hồi nhanh chóng. Đây là nhóm lao động bị mất thu nhập, khó khăn nhất trong đại dịch. Vì thế, khi việc sản xuất kinh doanh bình thường trở lại, nguồn nhân lực này rất dồi dào và có nhu cầu làm việc để khôi phục lại công việc và thu nhập trước đây.

Nhiều chính sách hỗ trợ, bảo đảm cho người lao động

Để nền kinh tế có thể phát triển ổn định, điều quan trọng là phải quan tâm đến thị trường lao động. Các chương trình, giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội muốn thành công thì phải bảo đảm cho người lao động được làm việc trong môi trường an toàn và không ngừng được cải thiện; tinh thần sức khỏe của con người là trên hết và trước hết phải được quán triệt sâu sắc. Có như vậy, người lao động mới yên tâm làm việc tích cực, thi đua lao động sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trên thực tế, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, coi đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định nhiệm vụ xây dựng xã hội an toàn, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và một trong những nội dung trọng tâm là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân lao động.

Đại dịch Covid-19 là phép thử khắc nghiệt nhưng cũng là lúc những định hướng trên được khẳng định rõ nét. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh tới cuộc sống của người lao động, Đảng và Nhà nước đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ. Người sử dụng lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; được vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; nhận hỗ trợ tiền mặt. Với người lao động ngừng việc, họ được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, được hỗ trợ bằng tiền từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Các viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch được nhận hỗ trợ…

Cùng với đó, việc đảm bảo an ninh trật tự đối với các khu công nghiệp có vai trò rất quan trọng; góp phần đảm bảo tính mạng, sức khỏe nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển. Với sự vào cuộc tích cực, chủ động của lực lượng Công an, tình hình an ninh trật tự tại các khu công nghiệp một số địa phương cơ bản được giữ vững; các khu công nghiệp đã chấp hành nghiêm các quy định, yêu cầu về bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và người lao động thêm yên tâm làm việc.

Ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong thực thi các quy định về an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy, nổ được nâng lên, giảm thiểu tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, góp phần phòng ngừa các sự cố về cháy, nổ. Các quy định về chính sách đặc thù đối với lao động nữ cơ bản được tuân thủ. Việc khám sức khỏe định kỳ, chế độ ốm đau, thai sản… đã được thực hiện tương đối tốt. Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, được đông đảo người lao động hưởng ứng tham gia, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần cho người lao động sau giờ làm việc.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ban quản lý các khu công nghiệp đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đúng quy định nhiều vụ việc khiếu kiện của quần chúng nhân dân liên quan đến việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện các dự án tại các khu công nghiệp. Giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc công nhân nghỉ việc tập thể đòi tăng lương, thưởng, phụ cấp tăng ca, cải thiện chế độ làm việc... không để kéo dài, diễn biến phức tạp trở thành “điểm nóng” về an ninh trật tự.

Nhận thức, tinh thần, trách nhiệm, ý thức tự giác của quần chúng nhân dân, cán bộ, công nhân, người lao động trong và ngoài khu công nghiệp về công tác đảm bảo an ninh trật tự được nâng lên. Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tại các khu công nghiệp được đẩy mạnh thông qua việc mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Cùng với đó, nhiều khu công nghiệp đã triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Khu công nghiệp an toàn về phòng cháy chữa cháy”.

Để góp phần phục hồi nền kinh tế, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 1405 về Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển lao động, trong đó có nhấn mạnh một số nhiệm vụ chính: Nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút người lao động quay trở lại làm việc. Hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng lao động, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển lao động. Hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động, trên cơ sở nắm chắc diễn biến của cung - cầu lao động, cả về số lượng, ngành nghề, trình độ. Phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, lành mạnh và ổn định nhằm quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực…

Việc triển khai những nhiệm vụ trên sẽ góp phần thực hiện mục tiêu duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%. Cùng với đó là hỗ trợ người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao để họ yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là hỗ trợ để thu hút người lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc.