- ĐBQH: "Khi có tin Quốc hội thảo luận về đường vành đai 4, giá đất đã tăng nhiều lần"
- Cần quyết liệt trong bồi thường, giải phóng mặt bằng với dự án đường vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, quy mô, phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, nguồn vốn, khả năng hấp thụ vốn, báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc tăng công suất là khai thác các vật liệu thi công… Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu và tiếp tục làm rõ trong báo cáo khả thi và trong quá trình tổ chức triển khai.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm |
- Về tính cấp thiết, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của cả hai dự án đối với hai vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, giải quyết được điểm nghẽn về quy hoạch không gian của đô thị, về hạ tầng giao thông của Hà Nội và TP.HCM. Mặt khác, chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội đã coi hạ tầng là một trong 3 chiến lược đột phá để phát triển. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác chuẩn bị và lần này được Quốc hội ủng hộ, tạo điều kiện cho các cơ chế, chính sách đặc thù để Chính phủ, các Bộ, các ngành, địa phương có thể thực hiện được đồng bộ nhiều dự án giao thông quan trọng.
- Về mục đích, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thêm các dự án lần này có sự thay đổi về cách tiếp cận. Theo đó phải đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng, giảm ùn tắc, ô nhiễm; phải mở rộng được không gian phát triển cho hai thành phố và cho cả vùng; phải nâng cao được sức cạnh tranh và phải biến nó thành một động lực cho phát triển. Mục tiêu không chỉ để hình thành một tuyến hành lang giao thông mà phải biến nó thành một hành lang kinh tế, phải phát triển theo quy hoạch và thu hồi lại các giá trị địa tô tăng lên, đảm bảo giá trị địa tô được chia ra cho Nhà nước - nhà đầu tư - người dân đảm bảo hài hòa lợi ích.
- Về giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần này cần phải tập trung đẩy nhanh tiến độ và có những giải pháp bảo đảm hiệu quả cao để không phải điều chỉnh dự án, không tăng tổng mức, không làm xáo trộn vào sự ổn định và đối với người dân. Đồng thời lưu ý chính sách đền bù ở vùng giáp ranh thì cần phải có một hướng dẫn để đảm bảo không có khiếu kiện, phải quản lý chặt chẽ để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm như các đại biểu Quốc hội đã nêu.
- Về quy mô dự án, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ, đối với Vành đai 4 - Vùng Thủ đô quy mô quy hoạch là 6 làn xe và Vành đai 3 - TP.HCM quy mô 8 làn xe. Thiết kế như vậy là căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối vốn của giai đoạn 1.
- Về việc chưa làm làn dừng khẩn cấp, Bộ trưởng làm rõ, nếu làm thêm làn dừng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến cân đối nguồn vốn. Do đó, trong quá trình lập dự án, thiết kế dự án cũng đã tính toán các điểm dừng phù hợp đảm bảo không bị ách tắc giao thông và vẫn đảm bảo trong điều hành, đồng thời sẽ tăng cường điều hành giao thông thông minh để đảm bảo được hiệu quả và an toàn giao thông.
- Về hình thức đầu tư, chủ trương đầu tư là xã hội hóa, kêu gọi các nguồn lực của xã hội để tham gia cùng Nhà nước để đầu tư hạ tầng. Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã thu hút được các nhà đầu tư có tiềm năng. Vành đai 3 - TP.HCM mặc dù có nghiên cứu đầu tư PPP nhưng chưa thu hút được nhà đầu tư trong khi đây là dự án có tính cấp bách, quan trọng, trông chờ vào đầu tư tư nhân là rất khó do đó đã chuyển sang đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng làm rõ sự khác nhau về đầu tư giữa hai dự án; về nguồn vốn và khả năng hấp thụ vốn; về các cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện dự án để đảm bảo tiến độ; việc nâng công suất lên 50% đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thi công; về chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn di dời các công trình hạ tầng hay xây dựng, tái định cư; việc quản lý chặt chẽ quỹ đất ở hai bên đường từ quy hoạch cho đến quản lý, khai thác, đấu thầu, thu tiền về cho Nhà nước, phát triển cho bài bản, đúng quy hoạch, việc này vai trò của địa phương rất quan trọng.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp): Thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia
“Đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào Vành đai 3 - TP.HCM là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2025. Chính phủ đã chuẩn bị kỹ hồ sơ đề án để trình Quốc hội. Hai dự án quan trọng này đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của cử tri toàn vùng và cả nước, có vai trò liên kết thúc đẩy phát triển đô thị hóa, phù hợp quy hoạch mạng lưới giao thông quốc gia, kéo giãn mật độ dân cư, ách tắc giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu, kết nối với nhiều hạ tầng giao thông khác như cảng hàng không, cảng biển trong cả nước.
Về phương án thiết kế sơ bộ, phân kỳ đầu tư, theo đề xuất của Chính phủ đầu tư 2 dự án theo quy mô phân kỳ mặt đường là 17m và 19,75m, sẽ không có làn xe dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp. Điều này khó đảm bảo an toàn giao thông và dễ xảy ra tình trạng tắc nghẽn, làm giảm hiệu quả đầu tư. Do đó, đề nghị cân nhắc vấn đề này. Về phạm vi đầu tư, thống nhất như Tờ trình là có đường song hành và có quỹ đất dự trữ cho tuyến đường sắt vành đai. Về phương án thu hồi vốn đầu tư đường Vành đai 3, thống nhất đầu tư công nhưng sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng được chuyển giao thu phí để thu hồi vốn tái đầu tư cho các công trình khác nhằm giảm tải cho ngân sách Nhà nước là hợp lý, cũng là chủ trương xã hội hóa đường giao thông.
Đây là dự án liên vùng, đi qua nhiều tỉnh mà mỗi tỉnh, thành phố có chính sách đền bù tái định cư khác nhau, đề xuất Chính phủ giao cho TP.HCM và Hà Nội là đầu mối tổ chức thực hiện nhưng cũng cần làm rõ vai trò, đầu mối, nhiệm vụ, quyền hạn để khi thực hiện được thuận lợi. Chính phủ cần có chỉ đạo thống nhất chính sách đền bù, nhất là địa phương có đất liền kề nhau mà địa giới hành chính lại khác nhau”.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Cần có cơ chế đặc thù khai thác nguồn lực hai tuyến đường vành đai
“Việc hình thành đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đường Vành đai 3 - TP.HCM không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng. Vì vậy, không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.
Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 - TP.HCM đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai. Cho nên khi tuyến đường này hình thành thì lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng. Thời gian qua khi mới chỉ nghe dư luận là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về tuyến đường này thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. Nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này nó sẽ bị lãng phí.
Do đó, cùng với việc phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến đường này, đề nghị Chính phủ nên đề xuất với Quốc hội có một cơ chế đặc thù để khai thác nguồn lực này. Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, trung tâm thương mại, trung tâm phân phối, trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực. Khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát…”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia
“Triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm hàng ngàn hécta đất trở thành đất vàng, đất bạc, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học… Vậy việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này là hết sức cần thiết, cấp bách, chắc chắn, hữu hiệu. Rất mong Quốc hội thông qua để hai dự án sớm được triển khai.
Trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia. Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên thân thể con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước. Vì vậy phải làm cho thật tốt, thật chất lượng.
Trong Tờ trình của Chính phủ đề nghị thời gian thu phí là 21 năm, xem xét việc thu phí hoàn vốn là 30 năm, như vậy nhẹ bớt cho nhà đầu tư và làm giảm giá thu phí đường cho nhân dân. Một tuyến đường được xây dựng với chất lượng, độ bền là 100 năm, nếu thu phí hoàn vốn 35 thì vẫn còn 65 nữa, hàng năm chỉ cần tu sửa mà dùng vẫn rất có hiệu quả. Mong Chính phủ và các tỉnh có liên quan làm thật tốt công tác quy hoạch đồng bộ khu vực vành đai của các tuyến đường để tăng thêm tính hiệu quả của hai dự án quan trọng này”.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ tái cấu trúc lại hình thái đô thị của Hà Nội
“Cử tri và nhân dân rất quan tâm, kỳ vọng và mong đợi các dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội thông qua và sớm được triển khai thực hiện. Cả hai dự án đều đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và đã được phân tích rất kỹ.
Một trong những sứ mệnh quan trọng mang tầm chiến lược của dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là tái cấu trúc hình thái đô thị của Hà Nội và định hình sự phát triển của Vùng Thủ đô với 10 tỉnh, thành phố. Đây không phải là bài toán riêng của vùng Thủ đô hay vùng TP.HCM gặp phải. Đây là vấn đề của rất nhiều siêu đô thị trên thế giới đều phải hình thành nên vùng Thủ đô phát triển ra đô thị vệ tinh, đưa sản xuất, tạo việc làm, hút dân cư ra ngoài…
Liên quan đến phát triển không gian mới xung quanh các vành đai cao tốc, lưu ý cần tính toán quy hoạch không chỉ đô thị mà còn công nghiệp và đặc biệt là logistic, cảng cạn để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế. Khi triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cần rút kinh nghiệm từ dự án cầu Thanh Trì, đường Vành đai 3. Đồng thời đề nghị cân nhắc thêm về chỉ định thầu để đảm bảo tiến độ thì cho chỉ định thầu với các gói thầu tư vấn di dời hạ tầng kỹ thuật, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đề nghị Quốc hội cho theo phương án như Chính phủ trình là cho được áp dụng trong thời gian thực hiện dự án”.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên): Kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành
“Chủ trương đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM nhằm mở rộng không gian đô thị, tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đặc biệt là hai đại đô thị hiện nay. Trong thiết kế dự án cần chú ý tới tính kết nối với các đô thị vệ tinh, các trung tâm công nghiệp đã hình thành, tuyến giao thông đang có. Đề nghị cần phải có đường song hành, hầm chui dân sinh đủ để đảm bảo việc đi lại, làm ăn của người dân, đồng thời trong thi công cần phải có biện pháp bảo đảm việc đi lại, sinh sống và hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp.
Hai tuyến đường sẽ mở ra nhiều quỹ đất dọc theo tuyến, nhất là tại các nút giao cắt với hệ thống giao thông hiện hữu, đại biểu đề nghị cần thực hiện chặt chẽ việc quản lý bán đấu giá quyền sử dụng đất, quản lý quy hoạch đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, trong vấn đề giải phóng mặt bằng, đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn, chỉ đạo chung cho các địa phương thực hiện thống nhất phương án áp dụng mức giá đền bù phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng”.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của Hà Nội và TP.HCM với các dự án xây dựng
“Việc Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường Vành đai 3 - TP.HCM và dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào thời điểm hiện nay là phù hợp, tranh thủ được thời cơ, thế và lực của đất nước, giảm chi phí, cơ hội và tạo sự bứt phá, sức lan tỏa của đầu tàu kinh tế và trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, các trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế của cả nước.
Để hai dự án trên có thể triển khai nhanh và sớm phát huy hiệu quả, cần rút kinh nghiệm từ các công trình đường bộ trước đây về công tác quy hoạch. Bên cạnh việc quy hoạch, hướng tuyến hành lang công trình thì cần đặc biệt coi trọng và đồng bộ hóa công tác quy hoạch đối với các khu đô thị dân cư, khu tái định cư, quy hoạch cảnh quan, môi trường, công trình thoát nước, tránh tình trạng ô nhiễm, mất cảnh quan và ngập lụt thường xuyên xảy ra như hiện nay.
Về công tác giải phóng mặt bằng, việc cả hai dự án nêu trên đều tách riêng dự án xây dựng công trình và dự án giải phóng mặt bằng, phân chia thành các dự án thành phần, giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí. Việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án sẽ có nguy cơ gây ra tình trạng so bì, giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần lưu ý vấn đề này, cần cụ thể hóa trách nhiệm đầu mối của TP Hà Nội và TP.HCM tại dự thảo Nghị quyết của các dự án khi quy định pháp luật hiện hành chưa có quy định về khái niệm cũng như trách nhiệm, quyền hạn cụ thể, vai trò để tổ chức thực hiện và quản lý dự án được thông suốt và hiệu quả”.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên): Nghiên cứu phương án giải phóng mặt bằng, lộ trình đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
“Triển khai thực hiện dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh không chỉ của TP Hà Nội mà còn của các tỉnh, thành phố liên quan trong vùng Thủ đô và cả nước nói chung; có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, tạo ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và vùng Thủ đô, kết nối các đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, kết nối liên vùng, tạo sự phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong khu vực.
Việc đầu tư hoàn thành dự án đường Vành đai 4 hết sức cần thiết và cấp bách, là động lực để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội. Tuyến đường sẽ góp phần kết nối nhiều khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các tỉnh, thành phố trong vùng giao thương trong nội bộ vùng Thủ đô trở lên. Bên cạnh đó, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được chia thành 7 dự án thành phần do các địa phương quyết định đầu tư, đã xác định rõ nguồn vốn để thực hiện và tổ chức triển khai. Các địa phương trong vùng dự án đã cam kết bố trí đủ nguồn lực theo phân cấp để đầu tư dự án, bảo đảm hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra. Việc chia nhỏ các dự án thành phần, kêu gọi hợp tác công tư, giao cho các địa phương thực hiện theo hình thức cuốn chiếu là giải pháp cơ bản để bảo đảm nguồn vốn, rút ngắn tiến độ dự án.
Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương cần tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư, nhà thầu; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cho công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, làm tốt việc thực hiện chỉ định thầu đối với gói thầu được phép thực hiện, lựa chọn được nhà thầu có năng lực, uy tín để tham gia thực hiện dự án. Thực hiện tốt việc quản lý đất đai dọc tuyến đường ngay từ khi quyết định chủ trương đầu tư dự án, nhằm ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đòi bồi thường hoặc xây dựng trên hành lang giao thông.
Đồng thời cần có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương của dự án đi qua trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án để địa phương chủ động trong việc bố trí vốn, bố trí địa điểm tái định cư ngay từ ban đầu khi dự án được phê duyệt. Ngoài ra, đề nghị nghiên cứu làm rõ phương án giải phóng mặt bằng, làm rõ lộ trình đầu tư, rà soát để thiết kế và bố trí hệ thống thu phí trạm dừng nghỉ, cầu vượt, hầm chui, đặc biệt là các nút giao trên toàn tuyến, bảo đảm phù hợp, có tính kết nối với hệ thống giao thông trong vùng, từ đó phát huy hiệu quả theo đúng mục tiêu của dự án”.
Đại biểu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Tăng thêm quyền chủ trì, điều phối cho Hà Nội trong triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
“Dư luận xã hội và các chuyên gia đều cho rằng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội không chỉ thúc đẩy Thủ đô Hà Nội phát triển mà còn cả các tỉnh trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng trung du Bắc Bộ và thời điểm thích hợp để triển khai việc phân chia giai đoạn các dự án thành phần, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, cấu trúc không gian đã đề xuất trong báo cáo cơ bản hợp lý. Vì vậy, rất mong Quốc hội rà soát để sớm phê duyệt cho triển khai. Trong quá trình chuẩn bị triển khai dự án trên cần lưu ý một số vấn đề:
- Thứ nhất, dự án liên quan đến một số tỉnh trong vùng Thủ đô Hà Nội nên giải phóng mặt bằng, xây dựng đường song hành được triển khai độc lập theo địa giới hành chính. Vì vậy, cần có sự phân công hợp lý cho Hội đồng điều phối vùng và tăng thêm quyền chủ trì, điều phối cho Hà Nội trong triển khai dự án.
- Thứ hai, việc xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ tác động đến liên kết giao thông vùng mà còn góp phần thu hút đầu tư, hình thành chuỗi đô thị mới phía Tây các đô thị vệ tinh Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức và một số khu đô thị mới, khu công nghiệp dọc tuyến trên địa phận Hưng Yên, Bắc Ninh. Vì vậy, để phát huy hiệu quả của Vành đai 4 không chỉ cần các tỉnh quanh Hà Nội đẩy mạnh nghiên cứu lập quy hoạch, tổ chức kêu gọi đầu tư mà còn cần Chính phủ có sự chỉ đạo quyết liệt để ngoài đường giao thông còn có không gian đô thị hiện đại, bền vững như quan điểm, mục tiêu đã đề ra”.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Cần những con đường cao tốc khơi thông điểm nghẽn cho sự phát triển kinh tế đất nước
“Lĩnh vực phát triển đường cao tốc và thể chế đặc thù hứa hẹn sẽ tạo ra những đột phá trong cơ sở hạ tầng và trong cơ chế của nền kinh tế. Chúng ta cần những con đường cao tốc trong giao thông vận tải, chúng ta cũng rất cần những con đường cao tốc trong tư duy chính sách và thủ tục hành chính để có thể khơi thông những điểm nghẽn không chỉ cơ sở hạ tầng mà còn về thể chế, chính sách, về thủ tục hành chính cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Việc quyết định xây dựng hai tuyến đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội và TP.HCM là một quyết sách chiến lược, đáp ứng cùng một lúc, đa mục tiêu. Thứ nhất, đó là biện pháp đột phá để thúc đẩy đầu tư công, là giải pháp kinh điển trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế nước nào cũng phải áp dụng. Thứ hai, sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như hiện nay.
Thời gian qua, Hà Nội và TP.HCM đã có sự chuẩn bị tích cực cho dự án. Qua thảo luận, nhiều đại biểu đồng ý với chủ trương phát triển hai tuyến đường, hy vọng Quốc hội sẽ thông qua chủ trương này. Các tuyến đường như là mẫu hình của tư duy mới, của sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị; tư duy mới của sự đột phá phát triển, của tầm nhìn tổng thể và tư duy mới của sự minh bạch; tư duy mới của một chính sách bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm. Trong quá trình triển khai dự án, chúng ta không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của các địa phương, tinh thần đổi mới sáng tạo của họ, mà còn phải bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm. Bên cạnh các quyết sách trong việc đưa ra thể chế đặc thù, cần có những chính sách đặc thù bảo vệ cán bộ trong giai đoạn mới”.
Đại biểu Khuất Việt Dũng (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện 2 dự án đường vành đai
“Cả hai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 - TP.HMC đều đầy đủ cơ sở về chính trị, pháp lý, thực tiễn, rất cấp bách về nhu cầu, sẽ tạo đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông, tạo cơ hội, dư địa để thực hiện đột phá về thể chế, về phát triển nguồn nhân lực.
Về ngắn hạn, các dự án này tạo cơ hội phục hồi, phát triển kinh tế sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, tạo doanh thu, tạo việc làm cho người lao động. Về dài hạn, hai dự án này sau khi hoàn thành sẽ tạo cơ sở để các bộ, ngành, các địa phương bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội thông qua các nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời cần có các cơ chế đặc biệt, bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, nếu cần thì cho phát hành trái phiếu để thu hút nguồn lực. Nhất trí với phương án giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch, quy mô hoàn chỉnh để tiết kiệm chi phí, sớm đảm bảo đời sống của nhân dân”.
Đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội): Đường vành đai và xuyên tâm là cấu trúc của đô thị hiện đại, văn minh
“Cấu trúc đô thị với hệ thống đường vành đai và xuyên tâm là mô hình phổ biến trên thế giới đang áp dụng. Các cấu trúc vành đai và xuyên tâm kết hợp với vùng lõi là ô bàn cờ với các tuyến xuyên tâm vành đai kết hợp các tuyến giao thông công cộng, vận chuyển hành khách lớn như Metro, BRT… Các trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh được bố trí theo các hệ đường vành đai và xuyên tâm kết hợp với các trung tâm lõi mạnh là tầm nhìn của các cấu trúc của đô thị hiện đại, văn minh của các đô thị trên thế giới. Trong vùng thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội và TP.HCM, Vành đai 3, Vành đai 4 có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết phải đầu tư ngay. Vành đai 4 - Vùng Thủ đô kết nối với các tỉnh phát triển năng động nhất trong vùng kinh tế trọng điểm như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Nam và trực tiếp chạy qua Hưng Yên, Bắc Ninh và kết nối một số vùng đậm nét văn hóa, nhất là văn hóa Kinh Bắc với quỹ đất và không gian phát triển vô cùng tiềm năng cho phát triển du lịch, văn hóa, công nghiệp, dịch vụ và đô thị.
Với hệ thống đại đô thị thì việc hoàn thiện các hệ thống đường vành đai và xuyên tâm vô cùng quan trọng, do đó làm càng sớm càng tốt. Yếu tố quan trọng để làm nên thành công của dự án là các công trình trọng điểm, đặc biệt là các công trình qua nhiều tỉnh, vì vậy cần có một cơ chế thống nhất về đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư trên toàn tuyến. Đặc biệt, phải có Ban chỉ đạo trực tiếp quyết định các vấn đề quan trọng và đủ thẩm quyền. Theo kinh nghiệm, trong quá trình triển khai dự án sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Do đó, kiến nghị Quốc hội trao thêm quyền cho Ban chỉ đạo này, với các vấn đề phát sinh mới chỉ cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thì có thể giải quyết”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH TP.HCM): Nghiên cứu về việc khai thác quỹ đất hai bên đường cao tốc
“Việc khai thác quy đất hai bên đường cao tốc không đúng sẽ gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều quốc gia phải xây bức tường trên đường cao tốc để ngăn cách với các khu dân cư. Do đó, đề nghị việc khai thác quỹ đất xung quanh hai bên đường cao tốc cần phải nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, học tập các nước. Thông thường các nước làm những đường thoát vào trong đó mấy trăm mét thì mới có một khu siêu thị, khu dân cư, còn các đường cao tốc thì chỉ cho phép các trạm xăng, các điểm dừng chân, ăn uống nhẹ, chứ không cho phép các khu dân cư mở để cắm vào con đường cao tốc như cách chúng ta làm hiện tại”.