Phụ tùng, xe máy, xe điện giả: Doanh nghiệp chưa nhập, thị trường đã bán

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lực lượng chức năng cùng các doanh nghiệp đã phát hiện hàng trăm trường hợp bán hàng giả, hàng nhái là phụ tùng xe máy, xe điện… trong những tháng qua.
Tổng cục Quản lý thị trường trưng bày hàng thật- hàng giả để người tiêu dùng phân biệt

Tổng cục Quản lý thị trường trưng bày hàng thật- hàng giả để người tiêu dùng phân biệt

Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia 389 vừa tổ chức hội thảo với chủ đề “Phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là xe điện, xe máy, phụ tùng xe máy - Thực trạng và giải pháp”.

Theo bà Đại Khả Quỳnh - Trưởng ban Sở hữu trí tuệ, VAMM, tính đến tháng 10-2022, VAMM đã phát hiện và phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý thành công 292 trường hợp bán hàng giả, hàng nhái. Loại sản phẩm hay bị làm giả là: nan hoa, dây phanh, lọc gió, tem đề can, bi văng, dây công tơ mét…

Không chỉ bức xúc với vấn nạn hàng giả nêu trên, các thành viên của VAMM còn gặp khó khăn trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ tại Việt Nam.

Cụ thể, trong các mẫu xe máy điện, xe máy 50cc đang được bày bán trên thị trường với đủ các mẫu mã, chủng loại, có không ít các sản phẩm mang yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và/hoặc kiểu dáng công nghiệp của các nhà sản xuất thuộc VAMM như: xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu và/hoặc kiểu dáng công nghiệp xe “Cub” của Honda, xe “Vespa” của Piaggio…

Tinh vi hơn, các đơn vị sản xuất xe máy điện nhái kiểu dáng công nghiệp của các dòng xe có thương hiệu chỉ thay đổi một số chi tiết nhỏ trong kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ để áp dụng cho sản phẩm của mình, khiến việc xử lý càng gặp vướng mắc.

Đáng chú ý, mặc dù hiện tại, các thành viên VAMM chưa sản xuất/nhập khẩu xe điện để bán tại thị trường Việt Nam nhưng xe điện, xe máy 50cc mượn danh các nhãn hiệu này đang được bày bán công khai tại nhiều cửa hàng và cả trên nền tảng thương mại điện tử như: xe máy điện Dibao Pansy, xe máy điện Vespa Sunshine, xe máy điện Honda EV-cub.

Thậm chí, các dòng xe phổ biến đã được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam như: SH của Honda… cũng bị nhái kiểu dáng.

Đại diện cho một trong những đơn vị có nhiệm vụ quản lý thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho hay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng phụ tùng, phụ kiện xe máy nói riêng, hàng hóa nói chung xuất hiện không những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, an toàn tính mạng của người sử dụng mà dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn đang làm phương hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp này.

Theo ông Nguyễn Đức Lê, tình trạng này diễn ra do lợi nhuận buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ rất lớn.

Đặc biệt, trong bối cảnh thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão hiện nay, các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Do đó, ông Nguyễn Đức Lê cho rằng, để ngăn chặn vấn nạn trên, cần sự tham gia quyết liệt của các hiệp hội chung tay cùng doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận nhằm hỗ trợ lực lượng quản lý thị trường thực thi nhiệm vụ.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn – Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, cần nâng cao hiệu quả công tác phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đã xây dựng cổng giải quyết tranh chấp trực tuyến online.gov.vn tiếp nhận thông tin, gửi khiếu nại, phản hồi thông tin phối hợp xử lý… Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Y tế, các cơ quan liên quan gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm trên môi trường thương mại điện tử để ngăn chặn sự phổ biến các mặt hàng này.