Phòng xử án “thân thiện” dành cho người dưới 18 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền của trẻ em, người chưa thành niên (đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên), đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990, Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung đang từng bước cụ thể hóa hoạt động tố tụng hình sự đối với người chưa đủ 18 tuổi. Trong đó, xây dựng, triển khai phòng xử án thân thiện và tiến hành “xét xử thân thiện” là trọng tâm.

Tại một cuộc hội thảo về xây dựng, triển khai phòng xử án thân thiện dành cho người chưa thành niên, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn khẳng định: “Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) 2015 có các quy định về nguyên tắc áp dụng, trình tự thủ tục tố tụng, áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, ngăn chặn, cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi có nhiều thay đổi mang tính căn bản so với BLTTHS năm 2003. Theo đó, việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi.

Mô hình phòng xử thân thiện không có vành móng ngựa, bị cáo được bố trí ngồi gần vị trí của luật sư bào chữa, người giám hộ

Mô hình phòng xử thân thiện không có vành móng ngựa, bị cáo được bố trí ngồi gần vị trí của luật sư bào chữa, người giám hộ

Chặt chẽ tố tụng để bảo vệ người dưới 18 tuổi

Ngày 21-9-2018, TAND Tối cao ban hành Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết về việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Thông tư này quy định, việc xét xử vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi hoặc vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên.

Đối với các Tòa án chưa tổ chức Tòa gia đình và người chưa thành niên thì việc xét xử các vụ án có bị báo hoặc bị hại dưới 18 tuổi phải do thẩm phán chuyên trách thực hiện. Khi giải quyết vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, chánh án tòa án phân công thẩm phán, hội thẩm phải bảo đảm các điều kiện: Thẩm phán là người có kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng giải quyết các vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người chưa thành niên hoặc đã được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi. Tiếp đến là phải có một hội thẩm là giáo viên, cán bộ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh hoặc người có kinh nghiệm, hiểu biết tâm lý người dưới 18 tuổi.

Quá trình giải quyết, xét xử các vụ án có người chưa thành niên tham gia tố tụng, thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của tòa án nhân dân (không mặc áo choàng). Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán thì tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người chưa thành niên thì tòa án cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai và đặc biệt là không xét xử lưu động đối với vụ án có người tham gia tố tụng dưới 18 tuổi.

Khi mở tòa, người đại diện của người dưới 18 tuổi, đại diện nhà trường, đại diện của cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt phải có mặt tham gia tố tụng. Trường hợp những người này vắng mặt lần thứ nhất hoặc vắng mặt lần thứ hai vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa. Nếu những người đại diện của người dưới 18 tuổi vắng mặt lần thứ hai không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên thì tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa.

Tòa án phải thông báo cho người bị hại hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ về quyền nhờ những người nêu trên để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi. Trường hợp bị hại, đại diện bị hại không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì đề nghị và tòa án yêu cầu cử luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý... bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại dưới 18 tuổi.

Hội nhập với xu hướng quốc tế, Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC cũng quy định, trong quá trình giải quyết vụ án, HĐXX phải cách ly bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo trong các hợp: bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán; bị hại dưới 10 tuổi và những vụ án khác có yêu cầu và HĐXX xét thấy cần phải cách ly để bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên. Trong quá trình xét xử, người bị hại tham gia phiên tòa ở phòng cách ly. Thông tin về diễn biến phiên tòa cũng như việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bị hại được truyền qua hệ thống truyền hình trực tuyến có âm thanh hoặc được thực hiện bằng phương thức khác nhưng phải bảo đảm cho họ theo dõi đầy đủ diễn biến phiên tòa và thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình. Người đại diện, người giám hộ, chuyên gia hoặc cán bộ tâm lý - xã hội, người làm công tác bảo vệ trẻ em phải có mặt ở phòng cách ly để hỗ trợ người bị hại tham gia phiên tòa.

Phòng xử “thân thiện” giảm thiểu tác động xấu

Cùng với các quy định chặt chẽ về hoạt động tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án có người dưới 18 tuổi là bị hại hoặc bị cáo, trước đó, ngày 28-7-2017, TAND Tối cao cũng đã ban hành Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định phòng xét xử, trong đó có phòng xử án dành cho cho người chưa thành niên. Theo đó, “vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa, phiên họp trong phòng xử án được bố trí trên cùng một mặt phẳng, sắp xếp theo hình thức bàn tròn; tường trong phòng xử án có màu xanh. Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng tại phiên tòa được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Bàn, ghế trong phòng xử án được thiết kế theo kiểu dáng bàn, ghế văn phòng”. Cùng với quy định bắt buộc nêu trên về phòng xử án dành cho người chưa đủ 18 tuổi, tại Công văn số 13/TANDTC-PC ngày 24-2-2020 gửi các tòa án nhân dân các cấp, TAND Tối cao còn định hướng thêm, phòng xử án “thân thiện” phải được trang bị rèm che hoặc màn che có thể gấp gọn để chắn không cho nạn nhân là trẻ em, người chưa thành niên nhìn thấy bị can, bị cáo. Các trang thiết bị để thu phát việc lấy lời khai của trẻ em, người chưa thành niên trong quá trình xét hỏi tại phiên tòa gồm: Màn hình tivi, máy tính hoặc thiết bị phát video được kết nối với màn hình tivi, loa có thể điều khiển từ xa để điều chỉnh âm lượng, thiết bị ghi âm, ghi hình, mạng Internet, mạng truyền hình trực tuyến và các trang thiết bị khác phục vụ cho công tác xét xử và có máy điều hòa không khí. Phòng hòa giải thì phải thiết kế với nền tường màu xanh treo tranh ảnh về thiên nhiên, con người và được bố trí màn hình tròn hoặc hình bầu dục.

Ngoài ra, đối với tòa án gia đình hoặc khu vực xét xử vụ án có bị hại hoặc bị cáo dưới 18 tuổi còn có phòng chờ. Phòng này có thể được sử dụng nhằm một số mục đích tạo không gian riêng tư, thân thiện để trẻ em và người chưa thành niên cùng cha mẹ, người giám hộ, người lớn đi kèm ngồi chờ khi ở tòa án; để trẻ em, người chưa thành niên tạm nghỉ khi thấy căng thẳng, không khỏe hay cần nghỉ ngơi trong quá trình xét xử; cung cấp lời khai trước tòa để được cha mẹ, chuyên gia tâm lý hoặc cán bộ xã hội an ủi, khích lệ... Trường hợp sử dụng thiết bị cầu truyền hình trẻ em, người chưa thành niên có thể ngồi tại phòng chờ để khai báo và việc lấy lời khai được ghi hình và truyền trực tiếp đến phòng xử án. Phòng chờ cho trẻ em được sơn màu sáng thân thiện và trang trí không gian ấm áp, yên tĩnh. Theo khuyến cáo, phòng chờ nên có đồ chơi, trò chơi và sách cho trẻ em và người chưa thành niên bao gồm sách tô màu, bút màu, búp bê, máy tính, máy tính bảng có các trò chơi video.

Về vật dụng, thiết bị tại phòng chờ, TAND Tối cao định hướng, có thể có một số trang bị như: Ghế sofa, bàn tròn nhỏ theo kích cỡ của trẻ em và ghế. Hình và áp phích nhiều màu được vẽ, dán trên tường thu hút trẻ em ở các độ tuổi khác nhau; rèm cửa sổ, thảm sàn nhà nhiều màu sắc; tủ kệ hoặc hộp đựng đồ chơi trò chơi và sách; máy tính bảng có các trò chơi và phim dành cho trẻ em người chưa thành niên ở nhiều độ tuổi khác nhau...

Phiên tòa “thân thiện” bước đầu được triển khai

Đầu tháng 5-2022, Viện KSND huyện Tây Sơn (Bình Định) phối hợp với TAND cùng cấp đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự về tội “Cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”, theo quy định tại khoản 2, Điều 144 BLHS năm 2015. Phiên tòa được tổ chức theo mô hình phòng xử án "thân thiện”. Đây cũng là vụ án được liên ngành tố tụng huyện xét chọn án rút kinh nghiệm để tăng cường phối hợp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục theo Thông tư liên tịch số 01/2022 ngày 18-2-2022 của liên ngành tố tụng Trung ương.

Nội dung vụ án cho thấy, Đặng Văn N là cha ruột cháu Đ.T.M. Tháng 11-2020, N. đã có hành vi giao cấu với cháu M. khi cháu gái này chưa đủ 16 tuổi. Tiến hành phiên xét xử kín này, TAND huyện Tây Sơn đã sắp xếp vị trí của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trên cùng một mặt phẳng, gần nhau. Thành viên HĐXX mặc trang phục làm việc hành chính bình thường. Những người tiến hành tố tụng là những người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm sinh lý của người chưa thành niên. Vị trí ngồi của bị hại là người dưới 18 tuổi bố trí phù hợp, được ngồi cạnh người giám hộ… nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Trước phiên tòa, Kiểm sát viên chuẩn bị kỹ dự thảo luận tội, dự thảo đề cương xét hỏi, đề cương tranh luận và dự lượng những tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa. Thông qua việc xét hỏi công khai tại phiên tòa, với những câu hỏi lập luận chặt chẽ, sắc bén của kiểm sát viên, bị cáo đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Trên cơ sở diễn biến tại phiên tòa, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Đặng Văn N 8 năm tù, theo đúng tội danh bị truy tố. Sau phiên tòa, nhiều ý kiến ghi nhận việc tổ chức các phiên tòa có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng bằng hình thức phòng xử án “thân thiện” là việc làm rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cũng như sự phát triển bình thường của người chưa trưởng thành.

Tương tự, tháng 6-2022, TAND huyện Tủa Chùa (Điện Biên) đã tiến hành phiên xét xử sơ thẩm hình sự đầu tiên tại địa phương này áp dụng mô hình phòng xử án thân thiện đối với người chưa thành niên. Trong vụ án này, bị cáo duy nhất của vụ án bị truy tố về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. Phiên tòa có nhiều điểm khác biệt so với những phiên tòa thông thường từ trước tới nay. Cụ thể là vị trí của người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng được sắp xếp ngang hàng, gần nhau; bị hại ngồi cạnh người đại diện và trợ giúp viên pháp lý nhằm đảm bảo các lợi ích tốt nhất. Các thành viên trong HĐXX đều không mặc đồng phục quy định (áo choàng) mà tất cả đều sử dụng trang phục công sở. Qua đó, tạo không khí gần gũi như một phiên họp, giảm bớt khoảng cách giữa người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng.

Phiên tòa này được xét xử kín. Việc cách ly giữa bị cáo và bị hại được áp dụng trong suốt quá trình xét hỏi, khai báo. HĐXX và kiểm sát viên không yêu cầu bị hại tường thuật lại chi tiết diễn biến vụ án. Câu hỏi đối với bị hại phù hợp với lứa tuổi, không gây xấu hổ, xúc phạm, ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phục vụ làm rõ tình tiết vụ án và không có câu hỏi để tranh luận... Ngay sau phiên tòa áp dụng mô hình, phong cách mới mẻ này, đại diện TAND huyện Tủa Chùa cho biết, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn tinh thần, bị hạn chế về kinh nghiệm và kỹ năng sống. Do vậy, tổ chức phòng xử án “thân thiện” là việc làm rất cần thiết nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cũng như sự phát triển bình thường của nạn nhân. Mặt khác, yêu cầu về răn đe, giáo dục bị cáo cũng như phòng ngừa tội phạm chung cho xã hội vẫn được bảo đảm.

Bà Ung Thị Xuân Hương (nguyên Chánh án TAND TP.HCM, Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu và đào tạo Hội Luật gia TP HCM): Chứng tỏ cam kết mạnh mẽ trong bảo đảm quyền trẻ em

Ngày 4-4-2016, Tòa án nhân dân TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Tòa chuyên trách “Tòa gia đình và người chưa thành niên”. Việc ra đời của “Tòa gia đình và người chưa thành niên” trong tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân là dấu ấn quan trọng và là một trong những thành công của tiến trình cải cách tư pháp; là bước đi cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, phát triển gia đình Việt Nam; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng; chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp, thông qua việc xây dựng một hệ thống tư pháp trẻ em toàn diện mà “Tòa gia đình và người chưa thành niên” là trung tâm, với sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Qua thực tiễn xét xử của tòa án cho thấy, việc xử lý người chưa thành niên, bên cạnh yêu cầu phải tuân thủ các quy định của pháp luật, cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý, tình cảm, đạo đức, truyền thống của dân tộc; trong đó yếu tố pháp lý và yếu tố tình cảm đan xen vào nhau giữa các bên trước, trong và cả sau quá trình giải quyết vụ việc. Chế tài xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, ưu tiên cải tạo tại cộng đồng để họ trở thành công dân có ích cho xã hội. Tòa án luôn bảo đảm quyền có người bào chữa; bảo đảm nguyên tắc bí mật thông tin liên quan đến người chưa thành niên trong quá trình giải quyết vụ án. Phiên tòa “thân thiện”, phòng xử án “thân thiện” gần gũi sẽ giúp bị cáo có tâm lý ổn định, an tâm trong quá trình tố tụng. Bên cạnh đó, việc xây dựng được hệ thống bảo vệ trẻ em ở địa phương, thúc đẩy tư pháp thân thiện với trẻ em và hỗ trợ dựa vào cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật sẽ tạo được sự bền vững trong việc bảo vệ trẻ em.

Thẩm phán Vũ Quang Huy (Phó chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TP Hà Nội): Dễ dàng có được lời khai, tình tiết chân thực hơn, khách quan hơn

Hiện nay, TAND TP Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện phòng xử án “thân thiện” dành cho người chưa thành niên. Việc áp dụng mô hình phòng xử án “thân thiện” nhằm giúp các bị cáo, bị hại là người chưa thành niên không rơi vào trạng thái sợ hãi, lo lắng thái quá và để họ không gặp phải cú “sốc” tâm lý ảnh hưởng đến tương lai sau này. Quá trình tố tụng tại tòa, các bị hại và cả bị cáo sẽ luôn cảm thấy có được sự tin cậy, gần gũi, thân thiện, giúp đỡ của những người tiến hành tố tụng... Từ đó, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng dễ dàng thu lượm được những lời khai, tình tiết, chứng cứ chân thực hơn, khách quan hơn, góp phần nhanh chóng làm sáng tỏ bản chất vụ án.

Có thể khẳng định rằng đặc điểm nổi bật của phòng xử án “thân thiện” chính là tạo ra một không gian, không khí thoải mái, gần gũi nhất cho bị cáo và những người tham gia tố tụng. Còn đối với bị hại, họ sẽ tránh được tâm lý lo lắng, căng thẳng quá mức; tránh được sự e dè, ngần ngại không đáng có và đồng thời họ sẽ cởi mở, khách quan, thẳng thắn hơn trong quá trình khai báo cũng như đề đạt yêu cầu, nguyện vọng. Và nhờ có được những điều đó nên chất lượng xét xử, tính hiệu quả trong giải quyết vụ án sẽ tốt hơn rất nhiều.