Phòng ngừa nguy cơ cháy nổ tại chợ Đồng Xuân: Cần ý thức, trách nhiệm và biện pháp mạnh

ANTD.VN - Chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, hiện có trên 2.000 sạp hàng kinh doanh chủ yếu là vải vóc, len sợi đều là mặt hàng dễ cháy, bén lửa. Cùng với đó, mỗi ngày có hàng nghìn lượt người qua lại trao đổi, mua bán càng tăng nguy cơ hỏa hoạn.

Các tiểu thương vi phạm PCCC tại chợ Đồng Xuân

Nỗi lo hỏa hoạn

Ngay sau khi Báo ANTĐ phản ánh những tồn tại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại chợ Đồng Xuân, Ban Quản lý chợ đã chấn chỉnh lại hoạt động kinh doanh của các tiểu thương tại đây. Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân thừa nhận một số tồn tại do ý thức chưa cao của người lao động và khách hàng ra vào chợ khi họ chưa bỏ được thói quen hút thuốc lá nơi công cộng; một nguyên do khác là thị trường năm nay ế ẩm, hàng hóa tập kết nhiều từ giữa năm nên tồn đọng lớn. 

Trước những nguy cơ có thể xảy ra hỏa hoạn, Ban Quản lý chợ Đồng Xuân kiên quyết xử lý nếu phát hiện vi phạm, có thể đình chỉ kinh doanh đối với những sạp hàng tái phạm sau khi đã nhắc nhở. Trước mắt, để tạo điều kiện cho bà con kinh doanh hàng hóa dịp Tết, đơn vị đã cử tổ bảo vệ thường xuyên nhắc nhở, phát hiện sai phạm để kịp thời xử lý.

“Đối với trường hợp hút thuốc lá tại chợ, chúng tôi sẽ mời ra ngoài, nếu người vi phạm là nhân viên hoặc thuộc tổ bảo vệ, bốc xếp sẽ cho nghỉ việc ngay lập tức”- ông Đỗ Xuân Thủy khẳng định. 

Về vấn đề tiểu thương vi phạm hành lang sắp xếp hàng hóa và một số họng nước tiểu thương xếp hàng che khuất, Ban quản lý chợ cũng hết sức quan tâm. Cũng theo ông Đỗ Xuân Thủy, trước đó Ban Quản lý chợ đã đình chỉ kinh doanh một số trường hợp vi phạm che khuất họng nước cứu hỏa. 

Vấn đề vi phạm an toàn PCCC tại chợ Đồng Xuân vốn tồn tại đã lâu. Mặc dù chợ được cải tạo nhiều lần nhưng hệ thống chữa cháy và thiết kế gian hàng vẫn lỗi thời, nên các tiểu thương và Ban quản lý chợ gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ an toàn PCCC.

Nhiều gian hàng bố trí ngay cạnh họng nước cứu hỏa, trong khi đó không gian chật hẹp, diện tích mỗi sạp hàng chỉ khoảng 1,5 - 1,8m2, dẫn đến việc hàng hóa che khuất họng nước, lối đi bị thu hẹp…

Trung úy Lê Tuấn Linh, cán bộ theo dõi địa bàn, Phòng Cảnh sát PCCC số 1, quận Hoàn Kiếm, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội cho biết: “Mỗi hộ kinh doanh vi phạm an toàn PCCC bị xử phạt 400 nghìn đồng. Cùng với việc tuyên truyền nhắc nhở của lực lượng chức năng, phần lớn bà con đều nhận thức được tầm quan trọng của việc PCCC, một phần nhằm bảo vệ tài sản của họ. Tuy nhiên ở thời điểm cuối năm, số lượng hàng hóa tập kết về nhiều hơn, do đó một số bà con tiểu thương lơ là công tác PCCC”.

Ông Trần Ngọc Thịnh, Đội trưởng Đội chữa cháy chợ Đồng Xuân cho biết: “Chúng tôi đã rút kinh nghiệm về những tồn tại có thể gây nguy cơ hỏa hoạn, đồng thời liên tục kiểm tra thực tế cũng như việc thông qua hệ thống camera an ninh để giám sát an ninh, PCCC. Tuy nhiên, đôi lúc còn cả nể nên một số bà con tiểu thương còn chưa nêu cao ý thức chấp hành PCCC”. 

Nâng cao ý thức PCCC

Hiện tổ bảo vệ và ứng trực hỏa hoạn của chợ Đồng Xuân có 144 người. Trong đó, một tổ thường trực có nhiệm vụ theo dõi, quan sát thông qua 416 camera và 16 màn hình trung tâm báo cháy.

Đại tá Trần Văn Vụ, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 1, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Phòng ngừa hỏa hoạn phải xuất phát từ ý thức, chứ nếu kiểm tra, xử phạt sau đó đâu lại vào đấy thì sẽ khó tránh xảy ra cháy, nổ. Nhìn chung, công tác an toàn PCCC và các hệ thống báo cháy, chữa cháy tại chợ Đồng Xuân hoạt động tương đối tốt. Tuy nhiên, một số tiểu thương chưa nêu cao được ý thức về trách nhiệm của mình đối với an toàn PCCC, nên xảy ra vi phạm. Những trường hợp bị xử phạt hành chính thường là lỗi về xếp hàng hóa dễ cháy gần ổ điện, che lấp họng cứu hỏa, lấn chiếm lối an toàn PCCC”.

“Nhằm nâng cao ý thức và kỹ năng xử lý khi không may xảy ra hỏa hoạn, Phòng Cảnh sát PCCC số 1, quận Hoàn Kiếm đã thường xuyên phối hợp với Công ty Cổ phần Đồng Xuân tuyên truyền, thực tập PCCC cho bà con tiểu thương tại chợ. Tuy nhiên, việc này còn hạn chế, bởi một phần do bà con bận làm ăn, hơn nữa do chủ quan nên họ thường ít tham gia tập huấn, nâng cao kỹ năng”- Đại tá Trần Văn Vụ cho biết. 

“Nước xa không cứu được lửa gần”, người xưa đã đúc kết rằng trong công tác chữa cháy, người chữa cháy hiệu quả nhất phải là người phát hiện đám lửa đầu tiên. Như vậy, đối với các tiểu thương, cách bảo vệ tài sản của họ tốt nhất là luôn có ý thức và trách nhiệm về an toàn PCCC, song song với đó là nâng cao trách nhiệm của cơ quan chủ quản như Ban quản lý chợ Đồng Xuân, Cảnh sát PCCC số 1, quận Hoàn Kiếm. Với cơ quan quản lý, cần phải có biện pháp mạnh, chứ không thể nhắc nhở, xử lý rồi lại cho tồn tại được.