Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh (2): “Virus tha hóa” biểu hiện tinh vi, “kẻ thù tham nhũng” ngày càng xảo quyệt

ANTD.VN - Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Nhà nước ta đã, đang đẩy mạnh thời gian qua dù đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn thẳng, trực diện, không né tránh để thấy, tham nhũng, tiêu cực vẫn tiếp tục diễn biến tinh vi, phức tạp, ngày càng xảo quyệt, và đó cũng chính là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Bởi một trong những căn nguyên quan trọng là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 12-1-2023)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 12-1-2023)

Tiếp nối lời đề dẫn ở Kỳ 1 loạt bài viết này, vẫn cần phải nhắc lại rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những cảnh báo nghiêm khắc: “Ích kỷ, tham nhũng, hủ hóa là một chứng bệnh phổ biến nguy hiểm. Cán bộ nếu mắc phải sẽ nhanh chóng thoái hóa biến chất, đồng thời làm suy thoái Đảng và Nhà nước, làm cho nhân dân mất lòng tin và bất bình. Tình trạng khủng hoảng về kinh tế và xã hội có hàng loạt nguyên nhân, có nguyên nhân từ những khuyết điểm nói trên của một bộ phận đảng viên có chức quyền”. Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn đang là những lời dạy bảo ân cần và nghiêm khắc trong tình hình đất nước hiện nay.

Trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những nội dung được nhấn mạnh thông qua “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” (ngày 17-10-1945); “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ và Thư gửi các đồng chí Trung bộ” (tháng 3-1947) là vấn đề ngăn ngừa, giúp đỡ người có chức quyền không bị hủ hóa (hủ hóa theo nghĩa rộng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng đồng nghĩa với tha hóa, tức là đánh mất bản chất tốt đẹp, biến (hóa) thành xấu xa). Hủ hóa có nhiều dạng, trong đó có việc bản thân người cán bộ “quên cả thanh liêm, đạo đức”, chiếm công vi tư, quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, ăn hối lộ, tranh giành địa vị, tư túng, phe cánh, cục bộ…

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng” và biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “Làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng trăm, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”.

Đó chính là cái cần thiết cấp bách nhất hiện nay!

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn diễn biến phức tạp…”.

Thực tế hiện nay, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn, xảy ra trong khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp”; tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng; nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán…, xảy ra ở cả khu vực Nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước; một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn như: thông đồng, nâng khống giá trị thiết bị, vật tư y tế trong đấu thầu; lợi dụng chủ trương xã hội hóa tại các cơ sở y tế công để trục lợi…; tình trạng móc nối, tiếp tay của cán bộ Nhà nước đối với doanh nghiệp để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước còn diễn ra nhiều ở một số lĩnh vực như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quản lý thuế, hải quan…; tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chậm được khắc phục; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng tiếp tục có những diễn biến phức tạp…

Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (giai đoạn 2021-2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những kẻ thù hung ác, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Bởi vậy, bên cạnh việc kiên trì chống thì cần tạo ra và chích ngừa “vaccine phòng tham nhũng, tiêu cực” trước khi “virus tha hóa” kịp lớn mạnh.

Đó cũng là đòi hỏi khách quan mang tính quy luật của lịch sử!

Trần Quân - Tuấn Dũng

Tham nhũng, tiêu cực diễn biến tinh vi, phức tạp

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người đứng đầu Đảng ta cũng chỉ rõ, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.

Có thể thấy, tham nhũng là một hiện tượng xã hội tiêu cực có tính lịch sử, xuất hiện gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu và các thiết chế quyền lực xã hội. Trong các dạng quyền lực xã hội thì quyền lực Nhà nước là một dạng quyền lực dễ bị lợi dụng để tham nhũng. Nói cách khác, tham nhũng, tiêu cực tồn tại ở mọi chế độ xã hội, với những biểu hiện và mức độ khác nhau, tùy thuộc bối cảnh chính trị, kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia, mỗi vùng lãnh thổ trong từng giai đoạn phát triển.

Cùng với sự phát triển của kinh tế, nhất là nền kinh tế thị trường, tham nhũng, tiêu cực dần trở lên nghiêm trọng tại nước ta. Tham nhũng, tiêu cực gây xói mòn, mất niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, Đảng ta khẳng định, tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm” và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt vấn đề phòng, chống tham nhũng, nhất là sau các Nghị quyết Trung ương lần thứ 4 khóa XI và XII. Chúng ta đã đẩy mạnh đấu tranh, kiên quyết xử lý các cán bộ, đảng viên vi phạm với nguyên tắc “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kỳ ai vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Ngày 10-5-2022, Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sau 1 năm thành lập, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã triển khai tương đối toàn diện các mặt công tác theo chức năng, nhiệm vụ được giao, và đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, góp phần tạo chuyển biến ngày càng rõ nét hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục được hạn chế mà lâu nay ta vẫn nói là “trên nóng, dưới lạnh”. Kết quả, qua kiểm tra, giám sát, thanh tra chỉ ra hàng loạt những con số “biết nói”: Chuyển 286 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật (tăng gấp 3 lần so với thời điểm 1 năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh); tiến hành 147 cuộc kiểm tra, giám sát các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc; đưa 444 vụ án, 156 vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp vào diện theo dõi, chỉ đạo; khởi tố mới 530 vụ án với 1.858 bị can về tội tham nhũng (tăng 1,5 lần về số vụ án, tăng hơn 800 bị can so với năm 2021); số cán bộ, đảng viên bị khởi tố do hành vi tham nhũng, tiêu cực là 1.132 bị can…

Từ sau Phiên họp thứ 23 của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tháng 1-2023) đến nay, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 1.099 vụ án/2.411 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; khởi tố mới 242 vụ án/864 bị can về tội tham nhũng (tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022); khởi tố mới 4 vụ án/24 bị can, khởi tố thêm 11 vụ án/78 bị can thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo…

Những con số gây choáng váng

Có thể nói, chưa bao giờ có một số lượng lớn cán bộ, đảng viên sa sút về phẩm chất, vi phạm về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật bị xử lý nhiều như vậy trong cùng giai đoạn. Và tính đến thời điểm này, khi tác phẩm “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh” đến tay bạn đọc, cũng là lúc phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” đang được xét xử sơ thẩm. Vụ “đại án” gây chấn động dư luận, không chỉ bởi quy mô, tính chất sai phạm, mà còn ở bối cảnh xảy ra tiêu cực - khi cả nước đang gồng mình chống đỡ lại đại dịch Covid-19. Cùng với kit test Việt Á, đây là hai “đại án” thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Có lẽ, nhìn vào gần 450 ngày điều tra, 54 bị cáo bị truy tố về 5 tội danh, phiên tòa xét xử dự kiến 30 ngày. Trong đó, 21 người nhận hối lộ, 23 người đưa hối lộ, 4 người môi giới hối lộ, 4 người lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, 2 người lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là một trong những vụ án liên quan đến nhiều bộ, ngành nhất từ trước tới nay. Cụ thể, 5 bộ, ngành có cán bộ sai phạm, gồm: Văn phòng Chính phủ (4 người); Bộ Y tế (2 người); Bộ Ngoại giao (5 người); Bộ Giao thông - Vận tải (2 người); Bộ Công an (4 người); riêng Bộ Quốc phòng đã tách hồ sơ để xử lý theo thẩm quyền.

Ngoài ra, hàng loạt lãnh đạo, cán bộ thuộc các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài (Nhật Bản, Malaysia, Angola, Nga) và 2 địa phương Hà Nội, Quảng Nam cũng vướng lao lý. Số bị cáo còn lại là đại diện các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến việc tổ chức chuyến bay. Trong số những người bị đưa ra xét xử, nhóm bị cáo có chức vụ cao nhất tại thời điểm bị bắt giữ có thể kể đến như: Tô Anh Dũng (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao); Vũ Hồng Nam (Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản); Nguyễn Quang Linh (Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực); Chử Xuân Dũng (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội); Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam); Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao)…

“Kỷ lục” tiêu cực được xác lập khi 21 bị cáo có tới hơn 500 lần nhận tiền từ doanh nghiệp, với tổng cộng gần 165 tỷ đồng. Điển hình như bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) nhận hối lộ 37 lần với tổng số 21,5 tỷ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự) nhận 32 lần với tổng số hơn 25 tỷ đồng; Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) nhận 5 lần với tổng số hơn 4,2 tỷ đồng; Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) nhận 7 lần với tổng số hơn 2 tỷ đồng; Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) nhận 9 lần với tổng số 5 tỷ đồng; Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) nhận 2 lần với tổng số hơn 1,8 tỷ đồng… Đặc biệt, dù không phải người có chức vụ cao nhất, nhưng bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) lại có tới 253 lần nhận hối lộ, với tổng số hơn 42,6 tỷ đồng; hay như bị cáo Vũ Tuấn Anh (cựu Phó trưởng phòng thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) nhận 49 lần, với tổng số hơn 27,3 tỷ đồng. Số lần và số tiền nhận hối lộ rất lớn, đồng nghĩa số lần và số tiền đưa hối lộ cũng phải tương ứng. Cơ quan tố tụng cáo buộc 23 bị cáo, là đại diện các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến công tác tố chức chuyến bay, phạm tội đưa hối lộ. Nhóm này đã có hơn 400 lần đưa hối lộ, với tổng số hơn 226 tỷ đồng, cho các quan chức...

Một vụ “đại án” với hàng loạt những con số không chỉ “biết nói” mà thật sự gây choáng váng. Tiêu cực đã đến đỉnh điểm, nguy hiểm hơn, lòng tham gây ra hành vi tiêu cực lại đi ra từ chính một chủ trương hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước trong nỗ lực chung cả hệ thống chính trị chăm lo, bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do dịch bệnh. Phải chăng, sẽ chẳng quá lời mà nói rằng “virus tha hóa” ở số lượng lớn cán bộ, đảng viên vi phạm không chỉ lớn mạnh mà còn “độc ác” với chính đồng bào giữa đại dịch (?!) Phải chăng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đến mức coi thường pháp luật và bất chấp đạo lý chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản (?!)…

Đề ra giải pháp tổng thể hữu hiệu

Những hành vi, những vụ việc, vụ án, “đại án” bị phát hiện, xử lý thời gian qua cho thấy, tham nhũng, tiêu cực không chỉ len lỏi vào nhiều lĩnh vực, không chỉ trong các lĩnh vực nhiều “cám dỗ” như kinh tế, đất đai… mà còn bị phát hiện ở bất cứ bộ, ngành nào, ngay cả trong công tác cán bộ, cũng như ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật; cơ quan thanh tra, kiểm tra; cơ quan điều tra; cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng, tiêu cực từ đảng viên, cán bộ cấp rất cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tới cấp cơ sở thấp nhất trong hệ thống hành chính là xã, phường…

Nhìn lại những “đại án” tham nhũng, tiêu cực lớn liên quan tới cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bộ trưởng, Thứ trưởng, Cục trưởng, Tướng lĩnh lực lượng vũ trang… cho thấy những cán bộ, đảng viên cấp cao, trải qua quá trình dài phấn đấu, trưởng thành nhưng nếu không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng mà để suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cũng đều có thể biến chất, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Những vi phạm nghiêm trọng của họ gây thiệt hại khôn lường cả về vật chất, tài sản của Nhà nước, đồng thời làm xói mòn, mất niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Điều đó càng thấy rõ hơn trong các vụ án, vụ việc tiêu cực gây phẫn nộ, bức xúc ghê gớm khi những cán bộ, đảng viên biến chất, suy thoái tới mức gây thất thoát, tiêu cực trong lĩnh vực y tế, phòng chống dịch bệnh. Trước vụ án “chuyến bay giải cứu”, chúng ta có thể điểm lại vụ án thuốc ung thư giả, vụ án “hút máu” bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai…, hay vụ án nâng khống giá thiết bị liên quan tới công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 xảy ra tại Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Sở Y tế các tỉnh, thành phố... (“đại án Việt Á); vụ thao túng thị trường chứng khoán (Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC); vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Tân Hoàng Minh; vụ án liên quan đến Vạn Thịnh Phát; vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ… xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan; vụ án vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM); vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, giả mạo trong công tác xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm…

Từ tham nhũng to, đến tiêu cực nhỏ, đủ cả, mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã từng nhiều lần đề cập tới mối nguy hại của “tham nhũng vặt”. “Tham nhũng vặt” dù giá trị tham nhũng hay thiệt hại không lớn song diễn ra phổ biến ở ngay cấp cơ sở, đơn vị và liên quan trực tiếp tới người dân nên gây bức xúc, bất bình và đặc biệt là gây xói mòn niềm tin, “đốm lửa nhỏ” này vì thế có thể dẫn tới những hậu họa khôn lường. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nêu rõ, cần tập trung xử lý tình trạng “tham nhũng vặt” bởi nói như “ghẻ ruồi” rất khó chịu, làm cho người ta mất lòng tin, làm hư hỏng cán bộ.

Trong phát biểu tại Hội nghị Trung ương lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đã đặt vấn đề cần chỉ rõ có gì cần bổ sung, điều chỉnh; nên chăng phải gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... từ cá nhân có nguy cơ, biểu hiện “xâm lấn” vào cả tổ chức Đảng. Chính vì thế, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện, trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 lần này tiến hành thảo luận, đề ra các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” - đó những giải pháp tổng thể hữu hiệu để diệt trừ tận gốc thứ “virus” nguy hiểm tham nhũng, tiêu cực - một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Đặc biệt, đó chính là việc xây dựng thiết chế pháp lý hữu hiệu kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được phân tích, làm rõ trong phần sau của loạt bài viết này.

TTXVN

TTXVN

Tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, phát hiện vi phạm

Với chức năng là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường đã có cuộc trao đổi với An ninh Thủ đô về những giải pháp nhằm góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tham nhũng và những hành vi tiêu cực.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường

“Tham nhũng vặt” là vấn nạn gây nhiều bức xúc trong dư luận

- Phóng viên: Hiện nay, công tác phối hợp giải quyết tố giác tin báo về tội phạm, hành vi tham nhũng, tiêu cực và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng còn những bất cập, hạn chế nào, thưa Viện trưởng?

- Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường: Sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có vai trò rất quan trọng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng, tiêu cực nói riêng. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng luôn nhận thức rõ để đấu tranh, phát hiện, xử lý có hiệu quả đối với các loại tội phạm đặc biệt là những vụ án về tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án trong tất cả các giai đoạn tố tụng từ khi tiếp nhận xử lý tố giác, tin báo về tội phạm đến điều tra, truy tố, xét xử… Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc đối với hoạt động tư pháp, cũng như tăng cường hiệu quả công tác kiểm sát của Viện Kiểm sát, nhiều đơn vị Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện thuộc Viện Kiểm sát nhân dân thành phố đã ký kết Quy chế phối hợp với Hội đồng nhân dân (Ban Pháp chế), Mặt trận Tổ quốc cùng cấp trong công tác giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết tin báo tố giác đối với các cơ quan tư pháp. Việc ký kết, ban hành và thực hiện các Quy chế phối hợp đã trở thành cơ chế hữu hiệu để kết nối các cơ quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin và xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố nhằm hướng đến hiệu quả cao nhất trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm tham nhũng trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác phối hợp giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng còn một số bất cập, hạn chế. Tổng số tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng còn khiêm tốn, trong khi đó tình trạng tham nhũng, lãng phí, nhất là “tham nhũng vặt” đang là vấn nạn gây nhiều bức xúc trong dư luận. Điều này cũng đặt ra tính hiệu quả trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, lãng phí của các cơ quan chức năng trên địa bàn. Thực tế, một số vụ việc tham nhũng, kinh tế lớn vừa qua chủ yếu do cơ quan chức năng Trung ương phát hiện, xử lý.

Thực tiễn đấu tranh với các tội phạm tham nhũng, chức vụ cho thấy chủ thể của tội phạm thường là những cá nhân giữ vai trò lãnh đạo của cơ quan, tổ chức tại địa phương, có trình độ chuyên môn, quan hệ xã hội rộng và phức tạp; mặt khác, nhiều vụ việc xảy ra từ những năm trước, sau đó mới bị phát hiện, do đó việc thu thập các tài liệu, chứng cứ xác minh hành vi phạm tội gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về tội danh và đường lối xử lý giữa các ngành. Mối quan hệ phối hợp mới chủ yếu mới tập trung giữa cơ quan Công an - Viện kiểm sát - Tòa án nhân dân trong trao đổi cung cấp thông tin tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Một số cơ quan tham gia quy chế chưa thực sự chủ động phối hợp trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo thống kê số liệu. Cá biệt có một số ngành của các quận, huyện còn chưa triển khai thực hiện quy chế phối hợp.

Thực tiễn cho thấy số lượng tố giác, tin báo tội phạm nói chung và tố giác, tin báo tội phạm tham nhũng nói riêng có xu hướng tăng và tính chất ngày càng phức tạp trong khi các cơ quan tư pháp đang trong lộ trình thực hiện việc giảm biên chế theo quy định; tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực một số Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán còn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác dẫn đến hạn chế trong công tác giải quyết tố giác, tin báo tội phạm.

Kiểm tra, thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện các vi phạm

- Trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bức xúc trước những vụ việc tham nhũng đã và đang bị phát hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt liên quan đến hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô thì công tác phối hợp chặt chẽ, rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị ngay trong công tác phòng và chống tham nhũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Với chức năng là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, theo Viện trưởng, chúng ta cần có những giải pháp nào để góp phần vào công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm tham nhũng nói chung và các hành vi tiêu cực nói riêng?

- Theo tôi, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp để công cuộc phòng, chống tội phạm tham nhũng nói chung và các hành vi tiêu cực nói riêng đạt hiệu quả cao. Cụ thể:

Một là, tiếp tục quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp thực hiện Quy chế liên ngành giữa các cơ quan của thành phố Hà Nội trong việc cung cấp, trao đổi thông tin giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn Hà Nội. Định kỳ yêu cầu mỗi sở, ban, ngành sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Quy chế để đánh giá hiệu quả, chất lượng công tác phối hợp.

Hai là, có chế tài xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức giám định, định giá tài sản hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp tài liệu khi không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, để kéo dài, đùn đẩy trách nhiệm gây khó khăn trong quá trình xác minh, điều tra.

Ba là, thực tiễn đấu tranh chống tội phạm tham nhũng, chức vụ còn nhiều tiềm ẩn nhất là lĩnh vực quản lý đất đai, quản lý trật tự đô thị, sử dụng vốn ngân sách, chính sách dồn điền, đổi thửa… Đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đột xuất để kịp thời phát hiện các vi phạm và phải xử lý thật nghiêm minh, khách quan.

Bốn là, tăng cường hơn nữa vai trò của cơ quan kiểm tra của Đảng trong công tác theo dõi, kiểm tra, phát hiện vi phạm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cơ quan gần dân, sát dân nhất. Từ đó phát hiện ra những lỗ hổng trong quản lý Nhà nước, quản lý cán bộ để khắc phục kịp thời, phục vụ người dân ngày một tốt hơn.

Năm là, quan tâm và đánh giá chính xác hơn nữa vị trí, vai trò của các cơ quan tư pháp, trong đó có ngành Kiểm sát; tăng cường đầu tư đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, kịp thời động viên cán bộ, công chức các cơ quan để tạo động lực phát huy hết năng lực, sở trường, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng.

- Trân trọng cảm ơn Viện trưởng Đào Thịnh Cường về những ý kiến trao đổi này!

- Văn kiện Đại hội IX đánh giá: “Tình trạng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng”.

- Đại hội X nhìn nhận: “Thoái hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu dân trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm trọng, kéo dài chưa được ngăn chặn, đẩy lùi”.

- Đại hội XI cho rằng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”.

- Đại hội XII chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi”; “có mặt còn diễn biến phức tạp hơn”.

- Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, “lợi ích nhóm”, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích ở một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”; “Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp”.

Ông Nguyễn Văn Lý (nguyên Hội thẩm nhân dân Tòa án nhân dân TP Hà Nội): Tiễu trừ và loại bỏ hoàn toàn tham nhũng, tiêu cực ra khỏi đời sống xã hội

“Chủ trương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước là hết sức phù hợp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống dưới rất quyết liệt và được coi trọng ở tất cả các ngành, các cấp, không phân biệt người quyền cao chức trọng hay quyền ít. Chính chủ trương này đã phần nào lấy lại được lòng tin của nhân dân. Qua theo dõi, tôi nhận thấy các nhiệm kỳ trước, chúng ta cũng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng không quyết liệt, thậm chí có nơi, có lúc còn hời hợt, hình thức. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là từ Đại hội Đảng toàn quốc khóa XII, XIII trở lại đây, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy lên rất cao. Do đó, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với bộ máy Nhà nước đã được củng cố hơn rất nhiều.

Chúng ta là một nước liên tục trải qua các cuộc chiến tranh ác liệt và đã phải hy sinh rất nhiều xương máu trong quá khứ. Giờ đây, khi chúng ta có được nền độc lập, hòa bình, hồi phục sau chiến tranh và từng bước phát triển mà lại bị tệ nạn tham nhũng, tiêu cực tàn phá thì thật là vô cùng đáng buồn và không phải với vong linh các thế hệ Anh hùng Liệt sĩ đã ngã xuống khi bảo vệ nền độc lập dân tộc. Đó cũng chính là một trong nỗi bức xúc của đông đảo nhân dân. Chúng ta hãy thử nghĩ mà xem, đối với những người lính đã phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến để bảo vệ Tổ quốc và họ chỉ có một mong muốn là xây dựng đất nước công bằng, dân chủ, văn minh như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy, nhưng chúng ta lại để cho nạn tham nhũng, tiêu cực đục khoét, tàn phá đất nước thì thật là không công bằng.

Trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước cũng đã làm được rất nhiều việc để củng cố lòng tin của nhân dân. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta thời gian qua quả là rất hăng hái, quyết liệt, cấp tập, quyết tâm từ trên xuống dưới… và đã đạt được những kết quả nhất định. Thế nhưng, chừng ấy là chưa thực sự làm thỏa mãn và đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân. Bởi tội phạm tham nhũng là loại tội phạm rất tinh vi, lắt léo và nó len lỏi ở mọi chỗ, mọi nơi, mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương. Thậm chí, ngay ở cấp phường, xã cũng có nạn tham nhũng mà chúng ta hay gọi đó là “tham nhũng vặt”. Vì thế, nếu chỉ tập trung đấu tranh, xử lý ở một vài vụ điển hình hoặc tầm cao thì chưa thể trở thành phong trào. Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay rất cần có sự tham gia tích cực của người dân, phải lấy từ người dân mà ra, kết hợp với công tác quản lý của Nhà nước. Bởi thực tế cho thấy, những vụ án tham nhũng bị phanh phui, xử lý lâu nay, hầu hết đều do các cơ quan chức năng khám phá. Trong thời đại này, người dân luôn nắm bắt được rất nhiều thứ nên công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải biết lắng nghe thông tin từ người dân thì mới triệt để hơn được.

Một điểm nữa là “tham nhũng vặt” hiện vẫn còn tồn tại rất nhiều ở cấp phường, xã. Bản thân tôi cũng đã “va” phải những vụ việc đại loại kiểu như là khi người dân có những khúc mắc, tranh chấp với nhau mà đưa vụ việc ra cơ quan chức năng thì rất hay gặp hiện tượng “bên nào có tiền thì bên ấy có lý”. Và có thể nói, những hành vi “tham nhũng vặt” kia lại luôn là tác nhân gây ra những bức xúc nhất đối với người dân. Bởi nó luôn có mặt ở mọi nơi, động chạm đến quyền lợi “sát sườn” của người dân. Đây cũng chính là những cái “ung nhọt” mà người dân mong mỏi Đảng, Nhà nước sớm tiễu trừ và loại bỏ hoàn toàn nó ra khỏi đời sống xã hội nhất”.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội): Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị

“Thực tế cho thấy, khâu khó nhất trong chống tham nhũng là phát hiện tham nhũng. Hành vi tham nhũng là hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm đặc biệt. Đặc biệt về chủ thể, khách thể, hành vi, mối quan hệ, hậu quả pháp lý, nên nếu không có một cơ quan chống tham nhũng đặc biệt về mô hình, cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế hoạt động, nhất là hành lang pháp lý về thẩm quyền, trách nhiệm trong hoạt động thì rất khó mang lại hiệu quả như mong muốn.

Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định một số biện pháp tố tụng đặc biệt để các cơ quan có thẩm quyền có thể tiến hành trong quá trình điều tra, xử lý tội phạm, trong đó có tội phạm về tham nhũng. Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật và đường lối xét xử đối với tội phạm tham nhũng cần phải được hướng dẫn, quy định cụ thể hơn để triển khai thực hiện có hiệu quả trên thực tế. Hiện, quá trình xử lý tin tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng chưa có khác biệt nhiều so với các tội phạm thông thường nên khó phát hiện tội phạm tham nhũng. Hoặc khi phát hiện được thì nhiều chứng cứ đã bị xóa (hoặc hợp thức hóa), tài sản do tham nhũng mà có đã bị tẩu tán, không thể thu hồi được.

Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới cho thấy, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Còn về chống tham nhũng, ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, như cơ quan điều tra, cơ quan công tố, tòa án thì các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Ngân hàng, Thuế… đều là những cơ quan có trách nhiệm chống tham nhũng. Nhiều nước thành lập cơ quan chống tham nhũng đặc biệt, có mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành, thẩm quyền, trách nhiệm đặc biệt đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tổng thống hoặc Thủ tướng, không qua bất kỳ một khâu trung gian nào khác. Cơ quan này kết nối, chia sẻ thông tin thường xuyên và có quy chế phối hợp hoạt động chặt chẽ với cơ quan Thanh tra, Ngân hàng, Kiểm toán, Thuế, các cơ quan Nhà nước khác trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý hành vi, tội phạm tham nhũng.

Thay đổi về mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng thì nhất thiết phải sửa đổi một số Luật, ví dụ như Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự… Vì đây là một thiết chế đặc biệt để đấu tranh, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Bên cạnh đó, cần phải hoàn thiện đồng bộ rất nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng trên mọi lĩnh vực. Trong đó, cần khẩn trương hoàn thiện cơ chế kiểm soát tài sản của mọi chủ thể trong xã hội, trong đó có tài sản của cán bộ, công chức, viên chức, người có chức vụ quyền hạn thì mới có thể phòng, chống tham nhũng có hiệu quả được.

Bên cạnh đó, kiểm soát quyền lực cũng là yêu cầu khách quan của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Kiểm soát quyền lực được thực hiện trên rất nhiều phương diện, như kiểm soát xung đột lợi ích, kiểm soát trách nhiệm công vụ của từng vị trí công tác, kiểm soát trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; kiểm tra nội bộ, thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Nhà nước; giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm tra, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện các thiết chế dân chủ, nhất là thiết chế dân chủ ở cơ sở... Do đó, phải nhận diện cho hết tất cả các phương diện kiểm soát quyền lực, trên cơ sở đó có những giải pháp toàn diện, đồng bộ và phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của chúng ta”.

Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng Văn phòng Luật sư Toàn Cầu): Quyết liệt và thống nhất ở tất cả các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng

“Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay là nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng của cả hệ thống chính trị. Với những thành quả đạt được đã làm thay đổi nhận thức của những người có chức vụ quyền hạn cũng như củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể nhận thấy, quyết tâm chính trị đã được thực hiện với thái độ quyết liệt và thống nhất ở tất cả các cấp, các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan liên quan trong thời gian vừa qua. Những điều dễ nhận thấy nhất là công tác chống tham nhũng đã cho thấy “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” và “không khoan nhượng” với bất kỳ ai, đặc biệt là không xuất hiện những hành vi tác động tiêu cực từ những cá nhân có thẩm quyền vào các hoạt động tư pháp.

Trong những năm vừa qua, các cơ quan tiến hành tố tụng đã khởi tố nhiều vụ án, khởi tố nhiều bị can là những người có chức vụ cao trong các cơ quan của Đảng cũng như chính quyền các cấp. Điều đó luôn nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và minh chứng cho quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Công tác thi hành án để thu hồi tài sản do tham nhũng mà có cũng đạt hiệu quả cao nhất từ trước tới nay cũng như tạo tiền lệ tích cực trong vấn đề này. Tuy nhiên, việc điều tra, xác minh, xử lý những vụ án có liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn cũng cần xem xét tính lịch sử của vấn đề nhằm đánh giá một cách khách quan, toàn diện, có lý, có tình và chấp nhận những vấn đề mới mà pháp luật chưa hoàn thiện. Việc bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm cũng đã được quan tâm, nhưng cần được luật hóa trong chính sách hình sự, chính sách tố tụng hình sự để đảm bảo tính ổn định, đoàn kết của hệ thống chính trị cũng như tránh việc lạm dụng công tác phòng, chống tham nhũng vì động cơ không trong sáng. Tôi tin rằng trong thời gian tới, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn sự mong mỏi của nhân dân, giữ vững trật tự kỷ cương cũng như bảo vệ tài sản Nhà nước không bị tội phạm tham nhũng xâm hại”.