Phòng cháy hơn chữa cháy: Phải xử lý hình sự cá nhân cố tình vi phạm

ANTĐ - Thời gian qua đã xảy ra một số vụ cháy gây bức xúc trong dư luận nhân dân. Bên cạnh xử phạt hành chính những tổ chức, cá nhân gây cháy lớn, cơ quan điều tra cần xem xét xử lý hình sự trường hợp cố tình vi phạm - Đại tá Hoàng Quốc Định, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội cho biết, trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ, nhân ngày “Toàn dân PCCC 4-10”.

- Đồng chí cho biết công tác tuyên truyền PCCC thời gian qua của Sở Cảnh sát PC&CC có điểm gì mới?

- Đại tá Hoàng Quốc Định: Để tuyên truyền đi vào chiều sâu, Sở Cảnh sát PC&CC đang phối hợp chặt chẽ với Công an TP Hà Nội, định kỳ tổ chức các buổi nói chuyện, huấn luyện, hướng dẫn PCCC nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn cho các cơ quan, doanh nghiệp và người dân. 

Tuyên truyền muốn “dài hơi”, có chiều sâu đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, chính vì vậy, cơ quan PCCC đang từng bước xã hội hóa công tác này. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, gas đã chủ động phối hợp với Sở Cảnh sát PC&CC in, phát các tờ rơi khuyến cáo, phòng ngừa hỏa hoạn xuống tận các khu dân cư, tổ dân phố... Đây là điểm mới trong công tác tuyên truyền phòng ngừa hỏa hoạn thời gian vừa qua.

- Có kinh nghiệm gì được rút ra sau những vụ cháy lớn thời gian gần đây thưa đồng chí?

- Đại tá Hoàng Quốc Định: Quá trình điều tra nguyên nhân các vụ cháy lớn, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân thời gian qua như: Vụ cháy công trình xây dựng tháp đôi Tập đoàn Điện lực, tòa nhà Tổng cục Hải quan, tổ hợp Keangnam, cháy chung cư JSC 34… cho thấy, hỏa hoạn xảy ra do bất cẩn của thợ hàn, người lao động giản đơn. Chúng tôi xác định, số công nhân, người lao động tỉnh ngoài sống, làm việc ở Thủ đô là những đối tượng khó tiếp cận với các thông tin tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Tuyên truyền cho số người này, cách tốt nhất là đến trực tiếp với họ, Ban Giám đốc Sở Cảnh sát PC&CC đã chỉ đạo cán bộ kiểm tra an toàn ở các phòng khu vực, phải bám địa bàn như lực lượng CSKV công an các phường, nắm danh sách số lao động tỉnh ngoài ở các công trình xây dựng, nhà dân để đi sâu tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn. 

Riêng với số công nhân hàn cắt kim loại ở các công trình xây dựng, quá trình kiểm tra PCCC, nếu phát hiện họ không có chứng chỉ hành nghề, không qua đào tạo an toàn PCCC, cán bộ làm nhiệm vụ phải lập biên bản vi phạm, kiến nghị nhà thầu thay thế, đồng thời kiên quyết xử phạt những trường hợp cố tình tái phạm. Sở Cảnh sát PCCC đã báo cáo UBND TP triển khai kế hoạch phối hợp với Sở LĐTB&XH, lồng ghép, tuyên truyền kiến thức PCCC mới vào trong các bài giảng, giáo trình đào tạo nghề, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức phòng ngừa hỏa hoạn cho người lao động, nhất là lao động tỉnh ngoài làm việc tại Hà Nội.

- Sở Cảnh sát PC&CC đã triển khai những biện pháp gì hạn chế hỏa hoạn vào dịp Tết Nguyên đán?

- Đại tá Hoàng Quốc Định: Muốn giảm cháy, cốt yếu phải “bắt mạch” được nguyên nhân gây cháy. Qua tổng kết cho thấy, các vụ cháy xảy ra cuối năm thường do chủ quan, mất cảnh giác của người dân. Ngoài tuyên truyền để họ nắm, hiểu rõ các quy định về PCCC, cán bộ kiểm tra phải giúp họ thấy rõ nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ, những tác hại, thiệt hại mà cơ sở phải gánh chịu nếu cháy xảy ra. Tập trung “đánh” vào nhận thức, ý thức của người đứng đầu cơ sở, sẽ giúp công tác PCCC ở mỗi địa bàn tốt lên rõ rệt. 

- Nếu chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính với những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm, gây cháy lớn, theo đồng chí có đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm?  

- Đại tá Hoàng Quốc Định: Mức xử phạt với các lỗi vi phạm về PCCC hiện cao hơn nhiều so với trước, song chưa đủ sức răn đe. Hơn nữa, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính không quy định cho Cảnh sát PCCC có thẩm quyền tạm giữ đồ vật, phương tiện vi phạm liên quan, nên rất khó cưỡng chế các cá nhân, tổ chức vi phạm chây ỳ, không nộp phạt, không khắc phục vi phạm.

Do vậy, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, cơ quan điều tra cần xem xét xử lý hình sự những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng.  

- Cảm ơn đồng chí!