Vụ không kích cảng Bari, Italia (2):

Phơi bày sự thật kinh hoàng gây hàng nghìn cái chết bí ẩn

ANTĐ - Trong đêm 2/12/1943, tính sơ bộ đã có hơn 1000 binh sĩ và thủy thủ thiệt mạng, hơn 800 người khác bị thương nặng, còn thường dân Bari, theo tính toán không đầy đủ ít  nhất cũng hơn 1000 người chết.

Ai là chủ nhân của chuyến tàu tai họa?

Chập tối 2/12/1943, với kế hoạch trinh sát kỹ lưỡng và chiến thuật ném bom thuần thục, không quân Đức oanh tạc dữ dội nhóm tàu chở nhiên liệu và vũ khí, trang bị khiến cảng Bari, Italia trong chớp mắt bị nhấn chìm trong một biển lửa và những tiếng nổ kinh hoàng.
Tổng cộng cả binh lính Anh, Mỹ và thường dân Italia đã có hơn 2000 người chết và hàng ngàn người bị thương. Thảm họa kinh hoàng này là một điểm đen trong sự nghiệp của tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt.
Xem kỳ 1: Kinh hoàng chiến dịch không kích “chặt đứt yết hầu”

Thời điểm xảy ra vụ không kích, trong cảng Bari có khoảng 30 tàu vận tải Mỹ, Anh, Ba Lan, Na Uy, Đan Mạch… đang chờ bốc dỡ hàng, trong số đó có chiếc tàu hàng John Harvey của Mỹ, thuyền trưởng tên là Erwin Knowles. Nhìn bề ngoài John Harvey chẳng có điểm gì khác biệt với các tàu vận tải khác, hàng hóa cũng là các loại thông dụng trong thời chiến như: lương thực, vũ khí, trang bị. Không ai ngờ rằng, trên tàu còn có một loạt hàng hóa đặc biệt gồm 2000 quả bom được che chắn cẩn thận. Nhìn bề ngoài chúng cũng giống như vô vàn quả bom khác, nhưng trong ruột nó chứa đầy một chất độc hóa học dạng chất lỏng hóa hơi là khí Mù - Tạt (Mustard).

Khí Mustard, tên khoa học Dichlorodiethyl Sulfide là một chất lỏng nhờn không màu hoặc có màu hơi vàng, ngửi có mùi giống như cải đắng hoặc mùi củ hành, củ tỏi. Nó là một chất độc hoại tử rất đáng sợ, có thể làm mục nát hệ thống hô hấp, thối nát da thịt, người bị hại sẽ chết trong đau đớn. Trong thế chiến thứ nhất, các bên tham chiến đã từng sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có chất khí này, gây ra thương vong cho hơn 1,3 triệu người, bao gồm một hạ sĩ của Đức tên là Adolf Hitler.

Sau khi Đức liên tiếp bại trận ở Stalingrad, sau đó là Bắc Phi, quân đồng minh đổ bộ lên châu Âu, tiến thẳng đến Roma. Khi nhận được tin tình báo cho biết quân Đức tàng trữ rất nhiều khí độc Tabun, đồng minh nhận định một kẻ tàn nhẫn như Hitler hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí hóa học để vãn hồi cục diện thất bại. Vì vậy, tháng 8 năm 1943, Tổng thống Mỹ Roosevelt đã phê duyệt một lô bom hóa học đến khu vực Địa Trung Hải để chuẩn bị cho tình huống trả đũa.

Ngày 18/11/1943, John Harvey khởi hành từ cảng Oran, Algeria thẳng tiến đến Italia. Trên tàu cất giấu 2000 quả bom M47A1 có chiều dài 1,2m, đường kính 20,3cm, trong ruột chứa từ 27–32 kg chất lỏng Mustard. Để tuyệt đối bí mật, trên tàu chỉ có thuyền trưởng Erwin Knowles và người phụ trách an toàn của tàu là trung úy Thomas Richardson cùng với thiếu úy Howard Baker, chỉ huy nhóm 6 quân nhân của đại đội phòng hóa 701 là biết nhiệm vụ thực sự của chuyến đi này. Ngày 26/11/1943, John Harvey cập cảng Bari, khởi đầu tai ương cho binh lính và người dân bản xứ nơi đây.

Khí độc Mustard là nguyên nhân gây ra nhiều cái chết thảm thương

Thảm họa khủng khiếp

Sau khi cập cảng, vì không thể tiết lộ bí mật về chuyến hàng nên John Harvey đành phải thả neo chờ 6 ngày tại ụ tàu số 5 đợi đến lượt bốc dỡ hàng như các tàu khác. Khi quân Đức tấn công, mặc dù không trúng quả bom nào nhưng lửa từ mảnh vỡ của các con tàu khác và từ lớp dầu tràn trên mặt biển đã khiến bom trên tàu phát nổ. Một phần chất độc bắn xuống nước trộn lẫn với dầu tràn bao phủ toàn bộ cảng, phần còn lại bị đốt cháy bay hơi tan trong không khí, những thủy thủ nhảy xuống nước bơi vào bờ là những người đầu tiên bị trúng độc trên da và đường hô hấp. Những thủy thủ còn sống sót và nhân dân thành phố Bari không biết rằng, thảm họa thực sự vẫn còn đợi họ ở phía trước.

Hàng ngàn người bị thương chủ yếu được chuyển đến bệnh viện đa khoa 98 của Anh và bệnh viện số 3 New Zealand, đều nằm cùng địa điểm với bệnh viên đa khoa Bari. Một số bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng như: đau và chảy nước mắt, sợ ánh sáng. Các y bác sĩ điều trị đã không nhận ra triệu chứng ngộ độc khí Mustard mà chỉ cho là họ bị đau mắt hột nên đã chữa trị theo phác đồ điều trị thông thường. Sau đó những bệnh nhân “đau mắt hột” này phát sinh các triệu chứng sưng mắt, mí mắt co rút, loét giác mạc. Một vài giờ sau, trên da nạn nhân xuất hiện các vết phồng rộp, chuyển thành ban đỏ rồi tiếp tục chuyển sang màu tím và nổi lên các bọng nước, rỉ ra mủ màu vàng.

Các nhân viên y tế vẫn để cho người bệnh mặc quần áo dính hỗn hợp chất độc và dầu mỡ, càng làm các bệnh nhân nhiễm độc nặng hơn, các vết loét nhanh chóng bị thối rữa. Các bệnh nhân trên da bị lở loét đã bắt đầu ho khạc dữ dội, nhổ ra nhiều đờm dãi và thở khò khè. Các biểu hiện này chứng tỏ, khí Mustard đã bắt đầu tàn phá hệ thống hô hấp của họ. Thế nhưng các nhân viên y tế vẫn không nhận ra các triệu chứng ngộ độc khí Mustard, mà cho là một căn bệnh lạ chưa từng biết đến và vô phương cứu chữa. Bước sang ngày thứ 2, bệnh nhân đã có người bị tử vong, các biểu hiện lâm chung cho thấy nạn nhân bị dày vò cả về tinh thần lẫn thể chất: đau đớn cùng cực, mất thị giác, cơ quan sinh dục sưng to và bỏng rát… Những người tử vong không chỉ có binh lính và thủy thủ Anh, Mỹ mà còn có hàng ngàn thường dân Bari với các triệu chứng giống nhau.

Máy bay ném bom của không quân phát xít Đức

Các binh lính và thủ thủ may mắn hơn khi họ được đưa ngay vào bệnh viện quân y. Trong 2 tuần sau vụ không kích chỉ có 69 người thiệt mạng trong tổng số 628 người nhiễm độc khí Mustard, còn dân thường thì thê thảm hơn rất nhiều. Sau vụ không kích đa số họ chạy loạn khỏi thành phố Bari, số ít người được đưa đến bệnh viện, còn lại đa số chết trên tại nhà, trên đường cấp cứu, trên đường chạy loạn. Theo tính toán không đầy đủ đã có hơn 1000 người chết do nhiễm độc khí Mustard.

Sự thật không thể che giấu

Sau khi các bệnh nhân bị tử vong hàng loạt, cuối cùng các bác sĩ cũng nhận ra nguyên nhân căn bệnh là do nhiễm một loại chất độc hóa học nào đó, nhưng họ cho rằng đó là do quân Đức thả xuống. Thông tin này nhanh chóng được điện báo chi tiết về Bộ Thống soái tối cao của quân đồng minh tại Algiers, chuyên gia chất độc hóa học - trung tá Stewart Francis Alexander được phái xuống để xác định nguyên nhân của “căn bệnh thần bí”.

Ông nhanh chóng xác định được đó là khí độc Mustard và khẩn trương bắt tay vào điều tra loại vũ khí đã chứa nó. Kết quả trục vớt và kiểm định các mảnh vỡ bom đạn dưới đáy vịnh đã phơi bày một sự thật kinh hoàng: vật mang chất độc hóa học chính là loại bom M47A1 của Mỹ chứ không phải bom của quân Đức. Tiếp tục khám nghiệm tử thi những người chết trên các con tàu đắm và khu vực tập trung nhiều mảnh vỡ của loại bom này, trung tá Alexander đã khẳng định John Harvey chính là con tàu chở đầy chết chóc. Báo cáo chi tiết được ông khẩn trương soạn thảo và gửi về Tổng tư lệnh tối cao của quân đồng minh là tướng Eisenhower và nhanh chóng nằm trên bàn làm việc của nhà lãnh đạo 2 nước Anh, Mỹ.

Thủ tướng Anh Winston Churchill cho rằng, nếu để lộ thông tin ra ngoài sẽ gây sự nghi ngờ của quân Đức về mục đích Mỹ vận chuyển chất độc hóa học, hơn nữa lại tổn hại đến hình ảnh của quân Anh và gây ra sự phẫn nộ cho người dân Mỹ, Anh, Ý nên đã ra lệnh xóa toàn bộ các nhật ký điều trị có đề cập đến khí Mustard và kết luận nguyên nhân tử vong là “chết vì bỏng”. Ngoài ra ông ta còn cố gắng che giấu sự thật về con số thương vong của sau không kích nhưng do số người chết và bị thương quá nhiều, đặc biệt là do số dân thường Bari điều trị tại các cơ sở bên ngoài nên sự việc không thể ém nhẹm được. Không lâu sau, bình luận viên nổi tiếng của Đức là Kayseri đã giễu cợt quân đồng minh trên sóng phát thanh Đức: “Họ đã bị hại vì bom đạn của chính mình!”.