Vụ không kích cảng Bari, Italia (1):

Kinh hoàng chiến dịch không kích “chặt đứt yết hầu”

ANTĐ - Với kế hoạch trinh sát kỹ lưỡng và chiến thuật ném bom thuần thục, không quân Đức oanh tạc dữ dội nhóm tàu chở nhiên liệu và vũ khí, khiến cảng Bari bị nhấn chìm trong một biển lửa và những tiếng nổ kinh hoàng...

Chiều 2/12/1943, một chiếc máy bay trinh sát Me-120 của không quân Đức đột ngột xuất hiện trên bầu trời thành phố cảng Bari trước sự thờ ơ của lực lượng phòng không Anh đang trấn thủ tại đây. Sau khi lượn 2 vòng, nó tăng độ cao lên 7000m rồi chuyển hướng, mất hút về phía bắc.

Thành phố cảng Bari - căn cứ hậu cần của quân đồng minh

Thành phố Bari, thuộc khu vực Apulia nằm ven bờ biển Adriatic, trông giống như một nắm tay nhô ra biển Caspian, là một thành phố cảng quan trọng ở miền nam Italia. Từ thế kỷ thứ 3 trước công nguyên, Bari đã trở thành một trung tâm vận tải và là đầu mối giao thông nối nội địa với các khu vực ven biển và thông thương với phương Đông. Vì vậy, trong mọi thời kỳ, Bari luôn là một trọng điểm về mặt quân sự.

Từ đầu chiến tranh, quân Đồng minh đã sử dụng Bari làm căn cứ hậu cần cho tập đoàn quân số 8 do tướng Montgomery chỉ huy đóng quân tại Anh, vì thế công tác quản lý và bảo vệ cảng đều do quân Anh đảm nhiệm. Ngày 1/12/1943, quân đội Mỹ quyết định bổ sung bằng đường biển khoảng 200 sĩ quan, 52 công trình sư, vài trăm binh lính và khối lượng rất lớn nhiên liệu, đạn dược máy bay cho tập đoàn quân không quân (TĐQ KQ) số 15 đóng quân tại Foggia, cách Bari 70km. Vì vậy, số lượng tàu bè đến cảng Bari đã tăng lên đột biến. Tại thời điểm đó, mặc dù quân Đức vẫn còn chiếm đóng miền bắc Ý, bao gồm cả thủ đô Roma nhưng dưới sự tiến công dữ dội của quân đồng minh, chế độ Mussolini đã sụp đổ, chính phủ mới ở miền Nam đã gia nhập phe đồng minh. Áp lực dưới khối lượng công việc cực lớn vả cả sự chủ quan đã khiến cho quân Anh lơ là công tác bảo vệ cảng, đặc biệt là về phòng không. Họ không hề biết rằng, trung úy phi công Werner Hahn đang thực hiện một sứ mệnh cực kỳ quan trọng do thống chế Wolfram von Richthofen - lúc đó chỉ huy TĐQ KQ số 2 của Đức giao cho là trinh sát và đưa ra kết luận cuối cùng về khả năng thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn vào cảng Bari.

Cảng Bari từng là căn cứ hậu cần của quân đồng minh

Cuộc tập kích bất ngờ

Cuối tháng 11/1943, không quân Đức cũng đã nhiều lần cho máy bay thám thính cảng Bari, nắm chắc sơ đồ bố trí lực lượng phòng không và tình hình tàu chiến, tàu dân sự neo đậu tại đây. Được sự cố vấn của thống chế Wolfram von Richthofen, thống chế Albert Kesselring, chỉ huy nhóm tập đoàn quân phía Nam của Đức nhận ra rằng, tấn công cảng Bari sẽ làm suy giảm thế tiến công của tập đoàn quân số 8 và kéo dài thời gian chuẩn bị đợt oanh tạc mới của tập đoàn quân  không quân 15 của quân đội Mỹ nên ông ta đã quyết định thay đổi mục tiêu ban đầu là Foggia, chuyển sang mở cuộc tập kích đường không quy mô lớn vào cảng Bari nhằm làm chậm bước tiến của quân Đồng minh ở Ý.

Chập tối 2/12/1943, 105 chiếc Ju88A-4 trong tổng số 150 máy bay còn lại của TĐQ KQ số 2 được lệnh xuất kích. Để nghi binh, Richthofen hạ lệnh cho 25 chiếc bay về hướng Nam Tư để đánh lạc hướng là họ định tiến công các mục tiêu ở khu vực Balkans. 80 chiếc còn lại cất cánh về hướng Đông, mục đích là để quân đồng minh nhầm tưởng họ tiến hành không kích các mục tiêu ở hướng Bắc, sau khi bay qua biển Adriatic, tốp này mới chuyển hướng bay về phía Nam, đoạn cuối hành trình mới rẽ sang hướng Tây, khi đến gần cảng Bari, các máy bay hạ thấp độ cao sát mặt nước biển, tránh sự phát hiện của radar. Trên thân và cánh máy bay được dát một lớp sợi giấy thiếc mỏng với độ dài khác nhau có tác dụng phá sóng radar rất tốt.

19h25’, tốp máy bay dẫn đường của quân Đức đã tiếp cận cảng Bari. Lúc đó hoạt động trên cảng vẫn còn rất nhộn nhịp, những chiếc cần cẩu vẫn hối hả bốc hàng ở khu vực cầu cảng phía Đông đang chật kín tàu thả neo.

19h30’, chiếc máy bay dẫn đầu đầu đột ngột tăng tốc, nâng độ cao lên tầm 3000m, một mặt nó lượn vòng để phóng ra muôn vạn sợi dây nhôm để gây nhiều radar, mặt khác thả xuống đủ loại pháo sáng để hiệu chuẩn mục tiêu cho tốp máy bay phía sau tiến công.

Tốp máy bay ném bom Đức trước tiên không kích khu vực nội thành Bari, làm toàn thành phố chìm trong biển khói lửa mù mịt, rồi tiếp tục tấn công mục tiêu chủ yếu là khu vực cảng khẩu. Với kế hoạch trinh sát kỹ lưỡng và chiến thuật ném bom thuần thục, đầu tiên không quân Đức oanh tạc dữ dội nhóm tàu chở nhiên liệu và vũ khí, trang bị làm cho bom đạn và nhiên liệu trên các tàu này nổ tung, bốc cháy dữ dội bén sang các tàu hàng khác. Trong chớp mắt, cảng Bari bị nhấn chìm trong một biển lửa và những tiếng nổ kinh hoàng.

“Thành công vang dội” cho quân Đức

Cuộc không kích diễn ra vẻn vẹn trong vòng 20’, không quân Đức bị thiệt hại rất nhỏ nhưng đã đạt được thành công rất lớn: 17 tàu chiến đồng minh đã bị đánh chìm, 8 chiếc khác bị hư hỏng nặng. Mỹ bị thiệt hại lớn nhất, 5 tàu của họ bị phá hủy hoàn toàn bao gồm: John Bascom, John Motley, Joseph Wheeler, Samuel Tilden và John Harvey; Anh bị đắm 4 tàu; Na Uy, Italia, Ba Lan mỗi nước mất 3 tàu; ngoài ra tàu khu trục Bicester của quân đồng minh tham gia cứu hộ những người rơi xuống nước cũng phải quay về cảng Toronto tu sửa.

Bìa trang tạp chí về sự kiện quân Đức tấn công cảng Bari

Cuộc không kích của Đức đã phá hủy hoàn toàn cảng Bari, làm nó phải đóng cửa 3 tuần, dẫn đến một loạt các hệ lụy xấu cho quân đồng minh.

Đầu tiên là vào ngày 12/1/1944, tướng Mark Clark – tư lệnh tập đoàn quân 15 mở một cuộc tiến công quy mô lớn là một phần của kế hoạch tác chiến đổ bộ lên Anzio của liên quân Anh – Mỹ. Trong quá trình tác chiến, một bộ phận của tập đoàn quân này đã vượt được qua sông Lapido và xây dựng thành công cứ điểm đầu cầu, nhưng chỉ vài ngày sau bộ phận này đã phải rút lui vì thiếu tiếp tế. Trong nhật ký chiến trường của chỉ huy quân Mỹ có đưa ra lí do không cung ứng kịp thời là do khí hậu khắc nghiệt nhưng trên thực tế, nguyên nhân cơ bản là do cảng Bari bị đóng cửa.

Ngoài ra, không quân Đức cũng phá hủy một căn cứ của TĐQ KQ 15 Mỹ ở gần thành phố Bari. Theo kế hoạch ban đầu, 2 TĐQ KQ số 8 và 15 sẽ phối hợp ném bom nhưng cuộc tập kích cảng Bari đã cắt đứt nguồn tiếp tế con người, vũ khí, trang bị và nhiên liệu, cản trở kế hoạch chuyển trường của TĐQ KQ 15. Việc bị cắt đứt nguồn bổ sung con người và hậu cần, khiến cho tập đoàn quân  này không thể tham gia các hoạt động ném bom liên hợp, cho đến hết tháng 2 năm 1944 nó vẫn chưa thể tiến hành bất cứ một cuộc không kích nào.

Cuộc không kích của không quân Đức tuy thành công vang dội nhưng đã gây ra hậu quả thảm khốc không chỉ với lực lượng đồng minh mà còn cả dân thường Italia. Tổng cộng cả binh lính Anh, Mỹ và thường dân Italia đã có hơn 2000 người chết và hàng ngàn người bị thương. Lẽ ra, kết cục đã không bi thảm đến thế nếu không có sự chủ quan, khinh địch của lực lượng phòng không, không quân Anh và sự vô tình tiếp tay của hải quân Mỹ. Mãi đến sau này người ta mới vén được bức màn bí ẩn đằng sau cái chết bất thường của hàng trăm binh lính Anh, Mỹ và dân thường Italia xảy ra sau cuộc không kích. Đây chính là một thảm họa không đáng có với người dân Italia trong thế chiến thứ hai và là một điểm đen trong sự nghiệp của tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt.