Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Năm học mới, tập trung quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước, quản trị trường học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Định hướng nhiệm vụ cần đặc biệt tập trung trong năm học mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành giáo dục quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước, quản trị trường học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc dạy và học trong những năm tới phải đảm bảo thực chất để phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu việc dạy và học trong những năm tới phải đảm bảo thực chất để phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ

Ngày 12-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, năm học 2021-2022 là năm học đầy thử thách; trường học bị đóng cửa, toàn ngành chuyển sang dạy và học trực tuyến trong điều kiện thiếu thốn nhiều bề.

Nhưng với nỗ lực vượt bậc, với định hướng kiên trì mục tiêu chất lượng, ngành Giáo dục đã vượt qua thử thách, ứng phó được với dịch bệnh, hoàn thành cơ bản các yêu cầu của năm học và tiếp tục thực hiện được các mục tiêu đổi mới theo kế hoạch.

Ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu đã đạt được của ngành Giáo dục trong thời gian vừa qua, tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, ngành giáo dục đã nỗ lực vượt khó trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022.

"Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, học sinh đã tham gia vào công tác giáo dục. Bộ GD-ĐT đề xuất rất sớm các giải pháp về hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc tuyển dụng biên chế giáo viên cũng đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương nhà giáo mà là liên quan tới nhiều bộ ngành khác. Hiện nay, nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục là lĩnh vực luôn luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục", Phó Thủ tướng nói.

Đối với nhiệm vụ năm học mới, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. "Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn thế chúng ta phải đổi mới từ quản lý nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học. Phải xây dựng được môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học" - Phó Thủ tướng nói.

Về phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa cho học sinh mượn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT cần phối hợp đôn đốc cùng Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan để có thể thực hiện trước khi vào năm học mới. Bên cạnh đó, chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, bổ sung các quy định về huy động nguồn lực đóng góp tự nguyện trong các trường học.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Giáo dục phải rà soát các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra, cho điểm… để kiên quyết loại bỏ tình trạng học sinh buộc phải tự nguyện “xin” đi học thêm. Đẩy mạnh chuyển đổi số, học liệu điện tử, học trực tuyến như phương pháp bổ trợ lâu dài; chú trọng bù đắp kiến thức cho học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Phó Thủ tướng cho rằng cần thiết phải tăng chi phí cho giáo dục để nâng cao chất lượng nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tăng học phí mà phải trích từ ngân sách

Phó Thủ tướng cho rằng cần thiết phải tăng chi phí cho giáo dục để nâng cao chất lượng nhưng điều này không đồng nghĩa với việc tăng học phí mà phải trích từ ngân sách

Về vấn đề học phí, theo Phó Thủ tướng, chi phí cho giáo dục phải tăng mới đảm bảo được chất lượng giáo dục nhưng phần đóng góp của gia đình học sinh phải theo hướng không tăng, hướng tới giảm và có thể là miễn học phí ở cấp phổ thông. Để thực hiện được việc này, ngân sách Trung ương và địa phương cần tiếp tục hỗ trợ, chi cho giáo dục phải tính đúng, tính đủ để đảm bảo chất lượng giáo dục

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định sẽ cùng toàn ngành cụ thể hóa những chỉ đạo này thành các hành động cụ thể để triển khai trong năm học 2022-2023 và những năm tiếp theo nhằm đạt tới yêu cầu chất lượng, hiệu quả; khắc phục những tồn tại hạn chế Phó Thủ tướng đã chỉ ra.

Về phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên trước hết, trong đó triển khai rà soát các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc chồng chéo, ban hành thêm cơ chế, chính sách nhằm mở đường, tạo điều kiện cho tự chủ và đổi mới sáng tạo.

Coi củng cố và phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông và lực lượng khoa học của các trường đại học là yếu tố mang tính quyết định. Lấy việc hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, chuyển đổi số, tăng cường tự chủ trong giáo dục, tăng cường dân chủ trong môi trường học đường, tăng cường yếu tố văn hóa trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục là những giải pháp cần đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.

Theo Bộ trưởng, trong 12 tháng tới, nhiệm vụ và công việc của ngành hết sức nặng nề. Đặc biệt với giáo dục phổ thông, các cơ sở giáo dục sẽ phải triển khai nội dung chương trình và sách giáo khoa mới cho lớp 3, lớp 7, lớp 10 và cũng trong 12 tháng tới tiến hành thẩm định, in ấn, xuất bản cho các lớp 4, 8, 11; tổ chức triển khai biên soạn cho các lớp 5, 9, 12.