Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra hai vấn đề người lao động sợ nhất khi quay lại nhà máy

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, nhiều lao động vẫn chưa trở lại thành phố, chưa quay lại nhà máy vì lo sợ có thể bị phong tỏa bất cứ lúc nào, lo việc học của con cái…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của ĐBQH về tình trạng thiếu lao động sau dịch

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của ĐBQH về tình trạng thiếu lao động sau dịch

Đầu giờ làm việc sáng nay, 11-11, Quốc hội dành thêm 1 giờ đồng hồ để tiếp tục chất vấn với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Trong đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được bố trí 10 phút để cùng tham gia trả lời, làm rõ hơn các vấn đề chất vấn mà ĐBQH nêu.

Bày tỏ 10 phút để nói về lĩnh vực lao động, việc làm là thời lượng rất hạn chế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tập trung phần trả lời của mình vào nội dung giải quyết chính sách với người lao động từ thành phố về quê.

Theo Phó Thủ tướng, trong đại dịch Covid-19 đã bộc lộ ra rất nhiều vấn đề, và cũng có rất nhiều vấn đề bộc lộ thông qua làn sóng người dân từ các thành phố lớn chuyển về quê vừa qua, chẳng hạn như vấn đề nhà ở của công nhân, người lao động nhập cư; vấn đề đào tạo nghề…

Đặc biệt, vấn đề người dân và các địa phương quan tâm nhất, cần giải quyết ngay lúc này là số lượng 1,3 triệu người dịch chuyển từ thành phố về quê mà Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã nêu ra, xem lượng lao động này nằm ở khu vực nào, giải pháp ra sao để kéo họ trở lại làm việc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích, với những người lao động có hợp đồng lao động, làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thì hầu hết vẫn được trả một phần lương khi nghỉ dịch nên hiện tại xu hướng trở lại nhà máy tương đối tốt.

Tuy nhiên, đối tượng lao động ngắn hạn, thời vụ, làm việc ở công trình nhỏ… không biết bao giờ quay trở lại. Trong khi đó, số lao động tự do, như ở TPHCM rất lớn, hầu hết không có hợp đồng, tự vào làm việc và đối tượng đi theo như người trông con, cháu… cũng khó nắm bắt.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, có 2 vấn đề lớn cần giải quyết, cũng là 2 vấn đề mà người lao động lo ngại nhất.

Đầu tiên, phải kiểm soát dịch Covid-19 cho tốt vì người lao động sợ nhất là quay lại thành phố, quay lại nhà máy rồi nhưng sau đó lại bị phong tỏa, họ lại phải tìm cách đối phó, trở về nhà. Thực tế qua đợt dịch cho thấy, đời sống những người lao động kẹt lại rất khổ.

Thứ hai là phải mở lại trường học, nhất là với cấp mẫu giáo và tiểu học, vì đa phần công nhân có con nhỏ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc mở lại trường học không chỉ là vấn đề giáo dục mà còn giải quyết vấn đề lao động.

Điều quan trọng hơn là về lâu dài, phải chăm sóc căn cơ cho người lao động, nếu dịch có trở lại thì người lao động vẫn phải được đảm bảo một phần tiền lương đủ cho cuộc sống.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 11-11

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng 11-11

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tới đây, Trung ương cần rà soát tất cả quy định về phòng chống dịch sao cho an toàn và không quá phức tạp, đặc biệt là việc xét nghiệm, xử lý F1, F0 trong doanh nghiệp sao cho hiệu quả.

“Việc này rất cần sự phối hợp của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng phải lo cho công nhân chứ đừng đưa hết trách nhiệm về phía chính quyền” – Phó Thủ tướng nói.

Trước đó, tiếp tục phiên chất vấn của mình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã trả lời câu hỏi của ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về mô hình “một cung đường hai điểm đến”, “3 tại chỗ” mà các địa phương áp dụng gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trước Việt Nam, các nước Singapore, Malaysia cũng đã áp dụng mô hình này trong phòng chống dịch. Còn ở Việt Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang là các địa phương đầu tiên áp dụng mô hình này, sau đó đến một số địa phương khác.

Tuy vậy, ông Dung khẳng định, Trung ương không áp đặt mô hình nào với các địa phương mà chỉ đưa ra nguyên tắc "an toàn thì mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Nghĩa là việc này do địa phương, doanh nghiệp xem xét quyết định dựa trên thực tế.

“Quả thật mô hình này chỉ đúng với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quan điểm cá nhân của tôi là không áp đặt mô hình nào với doanh nghiệp. Tôi cũng có đọc các kiến nghị và thấy mô hình này chỉ phù hợp trong thời gian ngắn, quy mô vừa phải vì chi phí để vận hành rất lớn”, ông Dung nói.