Dự án Mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên bị chậm:

Phó Thủ tướng sẽ bất ngờ kiểm tra

ANTĐ - Là tuyến Quốc lộ huyết mạch Bắc- Nam với mục tiêu mở rộng hoàn thành vào năm 2016, nhưng đến nay, công tác GPMB được đánh giá quá chậm trễ. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nghiêm khắc phê bình một số địa phương tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh thành vào sáng 12-3.

Tiến độ GPMB chậm trễ, Dự án mở rộng QL1 có đúng hẹn?

Nhiều địa phương GPMB đạt 0%

Bộ GTVT cho biết, QL1 được đầu tư mở rộng từ nhiều nguồn vốn khác nhau nên được chia thành 40 dự án, tiểu dự án. Trong đó đầu tư theo hình thức BOT gồm 18 dự án, dài 608km với tổng mức đầu tư  50.624 tỷ đồng. Đầu tư  bằng vốn ngân sách nhà nước - trái  phiếu Chính phủ gồm 21 dự án, tiểu dự án có chiều dài 696km, tổng mức đầu tư là 46.233 tỷ đồng. Đầu tư bằng vốn vay ADB gồm 1 dự án, dài 49km, với tổng mức đầu tư 4.368 tỷ đồng. Các dự án nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua các tỉnh Tây Nguyên có chiều dài 663km. Giai đoạn 1 đã hoàn thành 110km từ Đắk Zôn đến Tân Cảnh, tỉnh Kom Tum. Giai đoạn 2 còn 553km từ  Tân Cảnh đến Chơn Thành, Bình Phước được chia thành 25 dự án thành phần.

Dù hầu hết các tỉnh thành (21 tỉnh) có dự án đi qua đều được bố trí vốn, song đến nay tại một số tỉnh công tác GPMB vẫn giậm chân tại chỗ. Cụ thể như Ninh Bình, chỉ có 187 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 4 hộ phải tái định cư tập trung nhưng tỷ lệ GPMB đạt 0%. Tương tự, tỉnh Đồng Nai, có số hộ bị ảnh hưởng là 56, không có hộ tái định cư tập trung, nhưng đến nay công tác GPMB theo diện tích vẫn là 0/1,06ha.... Ngoài việc chưa đạt về công tác GPMB, nhiều tỉnh thành cũng chưa thực hiện việc bố trí tái định cư cho người dân mất đất, mất nhà như Ninh Bình; Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Hậu Giang, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện GPMB. 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, “Mục tiêu đến ngày 31-3 phải hoàn thành xong công tác GPMB rất khó đạt được, nhất là các tỉnh như Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Nai”. Bộ trưởng Đinh La Thăng bày tỏ, nếu lãnh đạo các tỉnh không quyết liệt vào cuộc thì khó mà hoàn thành đúng tiến độ được giao, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoàn thành công trình giao thông huyết mạch này.

Lãnh đạo địa phương phải “xắn tay vào”

Lý giải về sự chậm trễ, lãnh đạo nhiều tỉnh đã nêu những khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ GPMB, tái định cư và nêu nhiều kiến nghị đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí tái định cư, cho phép tỉnh được chỉ định thầu một số công ty… nhằm thúc đẩy nhanh tiến độ GPMB trên địa bàn. 

Trước sự chậm trễ trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nghiêm khắc phê bình lãnh đạo các tỉnh chưa chỉ đạo quyết liệt, sát sao công tác GPMB, tái định cư và bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án như Phú Yên, Quảng Ngãi…. Phó Thủ tướng cho rằng, công tác xây dựng khu tái định cư cho người dân còn quá thấp, nhiều địa phương còn chưa xây dựng; việc giải ngân cho dự án còn thấp dẫn đến tiến độ chậm.

Một số tỉnh chưa có sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư, Chủ tịch các cấp, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của mình. Nhân sự về GPMB, bồi thường cho dân còn rất yếu về năng lực, nghiệp vụ nên việc lập phương án, xác định nguồn gốc đất chậm, chưa chính xác, quản lý hồ sơ GPMB chồng chéo, bất cập; một số tập đoàn tham gia dự án chưa chủ động, tích cực. Bên cạnh đó, địa phương còn lúng túng trong huy động nguồn lực để xây dựng khu tái định cư cho nhân dân.

Phó Thủ tướng yêu cầu, phải giải quyết thoả đáng quyền lợi chính đáng cho dân. Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện phải “ra tay”, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương. “Cần phải giữ đúng cam kết hết tháng 3 hoàn thành cơ bản, chậm nhất hết tháng 4 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng. Tôi sẽ bất ngờ đi kiểm tra ở một số đoạn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.