Phó Chủ tịch Hà Nội trả lời cử tri về giải pháp tăng thu nhập, "giữ chân" công chức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, để "giữ chân" cán bộ, công chức, UBND TP đang đề xuất với Trung ương cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để TP được quyết định tăng thu nhập cho cán bộ, công chức...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời cử tri về giải pháp tăng thu nhập, "giữ chân" công chức

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trả lời cử tri về giải pháp tăng thu nhập, "giữ chân" công chức

Sáng 8-12, tại ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ mười, HĐND TP Hà Nội, với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Hà Nội chọn kịch bản tăng trưởng 2023 gấp 1,08 lần cả nước

Trước đó, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, về vấn đề phát triển kinh tế, khối doanh nghiệp đang khó khăn, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. TP sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, trong đó nghiên cứu các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh; bám sát tình hình quốc tế và trong nước để có giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là lao động nông thôn, lao động tại các khu công nghiệp...

Đối với phát triển làng nghề, TP sẽ tiếp tục quan tâm đảm bảo về mặt bằng, mở rộng và đầu tư xây mới các cụm công nghiệp làng nghề, đưa sản xuất ra khỏi khu dân cư và hỗ trợ phát triển sản xuất, có các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp.

“Về chỉ tiêu tăng trưởng 7,0% năm 2023, căn cứ bối cảnh dự báo tình hình quốc tế còn diễn biến phức tạp và mục tiêu tăng trưởng của cả nước đặt ra là 6,5%, TP xây dựng 3 kịch bản và chọn kịch bản tăng trưởng 7% (gấp 1,08 lần cả nước) - là phù hợp bối cảnh”, Phó Chủ tịch UBND TP khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, năm 2023, cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, UBND TP sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành , quan tâm chỉ đạo các đơn vị đổi mới tư duy đặc biệt là phương pháp làm việc. Tiếp tục tăng cường đào tạo và đào tạo lại nhất là kỹ năng theo vị trí việc làm;

Chỉ đạo các ngành hoàn thiện các quy trình, quy chế phối hợp, liên thông giữa các đơn vị, trong đó xác định rõ nguyên tắc có liên quan từ 2 cơ quan, đơn vị, địa phương trở lên thì sẽ do TP chỉ đạo xây dựng; Triển khai ngay kế hoạch thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về phân cấp ủy quyền, tiếp tục rà soát việc phân công, phân nhiệm của TP gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, giảm thiểu các tầng nấc trung gian; Theo dõi hướng dẫn kiểm tra giám sát việc phân cấp ủy quyền...

Đặc biệt, để khắc phục tình trạng cán bộ nghỉ việc, chuyển công tác, UBND TP đã trình HĐND TP thông qua nghị quyết quy định về mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố (với mức hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng).

“Hiện nay, cùng với lộ trình đã được Trung ương phê duyệt là nâng mức lương cơ sở từ 01/7/2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng; UBND TP đang đề xuất với Trung ương chấp thuận cơ chế đặc thù để TP được quyết định tăng thu nhập cho cán bộ công chức của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ quan tâm rà soát các chính sách hỗ trợ để khắc phục khó khăn; tiếp tục chỉ đạo ngành giáo dục tuyển giáo viên.

Xử lý từng dự án chậm triển khai

Liên quan đến việc hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng tài sản công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, UBND TP đã chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, hoàn thiện bổ sung Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công TP Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030.

Đối với tài sản công là nhà, thành phố đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 9 quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước của TP (gồm quỹ nhà chuyên dùng, quỹ nhà tái định cư, quỹ diện tích tầng 1 chung cư thương mại phải bàn giao về TP…).

Đối với đất đai, đã rà soát, thống kê, tập trung phân tích đánh giá và đề xuất giải pháp đối với 5 nhóm quỹ đất dự kiến khai thác giai đoạn 2022-2025, định hướng giai đoạn 2026-2030 (gồm quỹ đất 20-25%, quỹ đất dự kiến đối ứng cho các dự án BT không đủ điều kiện triển khai theo quy định của Luật Đầu tư)...

Về rà soát các dự án giao đất chậm triển khai, UBND TP cho biết đã xây dựng kế hoạch thực hiện và chỉ đạo các Sở ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận và đề xuất phương án xử lý cụ thể đối với từng dự án, đồng thời cụ thể hoá 12 giải pháp, biện pháp của HĐND TP để xử lý theo thẩm quyền.

Trong thời gian tới, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các Sở ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động, thúc đẩy môi trường đầu tư lành mạnh, tạo nguồn thu từ đất; phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục.

Chi tiết 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của TP Hà Nội.

  1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP): khoảng 7,0%.
  2. GRDP bình quân đầu người: khoảng 150 triệu đồng.
  3. Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện: 10,5%.
  4. Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu: 6,0%.
  5. Chỉ số giá tiêu dùng: dưới 4,5%.
  6. Giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước: 0,1%.
  7. Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng so với năm trước: 0,1%.
  8. Duy trì 100% xã/phường/thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế.
  9. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế: 93,5%.
  10. Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động 43%; Tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 2,0%.
  11. Tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động: 39,0%.
  12. Giảm số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố: 30% (tương đương 890 hộ, 0,04%).
  13. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị: dưới 4%.
  14. Tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo: 73,2%.
  15. Số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm: 81 trường.
  16. Tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa": 88%.
  17. Tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa": 64%.
  18. Tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa": 73%.
  19. Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch: khu vực đô thị đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 90%.
  20. Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày: 100%.
  21. Xử lý ô nhiễm môi trường: Tỷ lệ cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề (đã đi vào hoạt động) có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng: 100%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý: 100%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: 100%. Tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý: duy trì 28,8%.
  22. Số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tăng thêm: 26 xã; Số xã nông thôn mới kiểu mẫu tăng thêm: 20 xã.