Phổ biến, quán triệt Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chiều 10-4, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an - Báo cáo viên Pháp luật Trung ương đã phổ biến, quán triệt Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và một số luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trong Công an thành phố Hà Nội dưới hình thức trực tuyến từ Hội trường lớn Công an thành phố đến 30 điểm cầu Công an các quận, huyện, thị xã...
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, Báo cáo viên Pháp luật Trung ương phổ biến, quán triệt Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại Công an thành phố Hà Nội

Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an, Báo cáo viên Pháp luật Trung ương phổ biến, quán triệt Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở tại Công an thành phố Hà Nội

Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết: “Thực hiện Chương trình công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ chiến sĩ, CATP tổ chức Hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, quán triệt Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở cùng với một số luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trong Công an thành phố”.

Theo đó, ngày 27 -11- 2023, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Căn cước, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 và thay thế cho Luật Căn cước công dân năm 2014.

Luật bao gồm 7 Chương, 46 Điều quy định về Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan...

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6 ngày 28-11-2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7 -2024. Luật gồm 5 Chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm các điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đây là các văn bản luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự của lực lượng Công an, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đảm bảo an ninh trật tự của lực lượng Công an.

"Ngoài ra, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thông qua một số Luật như: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi)" - Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky nêu rõ.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội phát biểu tại Hội nghị

Để tạo điều kiện cho lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ chiến sỹ các đơn vị trong Công an thành phố tìm hiểu, nắm vững và thực hiện đúng các quy định của Luật Căn cước, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và một số luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV; các đơn vị CATP tiếp tục tổ chức phổ biến, quán triệt, nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc những nội dung, quy định của các Luật đến toàn thể cán bộ chiến sĩ trong đơn vị.

Cùng với đó, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, Công an quận, huyện, thị xã; kịp thời báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thi hành các luật.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky yêu cầu các phòng chức năng, Công an quận, huyện, thị xã của CATP chủ động tham mưu lãnh đạo CATP để tập hợp báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành văn bản theo thẩm quyền; tổ chức triển khai thi hành các Luật có hiệu quả, chất lượng theo đúng tiến độ, nhiệm vụ được phân công.

Tại Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an đã khái quát tầm quan trọng và cần thiết của Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

"Luật Căn cước là rất cần thiết, khi chúng ta chuyển từ trạng thái cũ sang trạng thái mới, sẽ có nhiều vấn đề cần thay đổi và gặp nhiều khó khăn vì luật này điều chỉnh vấn đề rất mới. Luật Căn cước đem lại tiện lợi tối đa cho người dân trong cuộc sống hàng ngày, bớt thủ tục hành chính, bớt nhiều giấy tờ và chỉ cần 1 tài khoản định danh điện tử là có thể lưu trữ được những thông tin cần thiết để phục vụ cho các giao dịch thiết yếu của cá nhân trong cuộc sống hàng ngày" - Thiếu tướng Phạm Công Nguyên nhìn nhận và cho biết tên gọi của Luật đã nghiên cứu rất kỹ và thấy rằng tên gọi Luật Căn cước và thẻ Căn cước không tác động tới các luật khác khi có quy định thẻ Căn cước có giá trị như thẻ CCCD ở các luật đang có hiệu lực. Thẻ CCCD đã cấp cho người dân vẫn còn nguyên giá trị theo thời hạn sử dụng được ghi trên thẻ, người dân không phải đi đổi, xin cấp lại, không tốn kém chi phí, thủ tục. Khi đến thời hạn đổi thẻ, cơ quan chức năng sẽ đổi thẻ mới có tên là thẻ Căn cước cho phù hợp với quốc tế.

Về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, theo Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, luật này quy định lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã giúp UBND cùng cấp thực hiện công tác đảm bảo ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Các đại biểu tại điểm cầu CATP Hà Nội

Các đại biểu tại điểm cầu CATP Hà Nội

Luật cũng quy định tiêu chuẩn về lý lịch, trình độ văn hóa, sức khỏe của người được tuyển chọn tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn, yêu cầu bảo đảm ANTT của từng vùng miền; quy định quan hệ công tác với Hội đồng nhân dân, UBND, Công an cấp xã và quan hệ phối hợp với các cơ quan, tổ chức đóng trên địa bàn cấp xã.

Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Luật điều chỉnh quy định về nhiệm vụ của các lực lượng này sau khi được kiện toàn bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực và thể hiện rõ tính chất là tham gia hỗ trợ lực lượng Công an cấp xã trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và chính quyền cơ sở với 6 nhóm nhiệm vụ được giao, bao gồm: Hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự khi được điều động.