Phía sau lời xin lỗi

ANTĐ - Chỉ một ngày sau khi dư luận lên tiếng phản ứng gay gắt phát ngôn “đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã thông qua báo chí để “gửi lời xin lỗi tới nhân dân”. Đây có thể xem là động thái kịp thời của Bộ trưởng. Nhưng có lẽ chỉ một lời xin lỗi là chưa đủ với cử tri. 

Trước hết, dư luận hoan nghênh Bộ trưởng Cao Đức Phát đã dũng cảm thừa nhận thiếu sót của mình. Ở vị trí tư lệnh ngành nông nghiệp, ông Cao Đức Phát đã kịp thời phát đi thông điệp nhận lỗi để người dân có thể thông cảm, chia sẻ với ngành mình. Chỉ vài lời ngắn ngủi nhưng có lẽ không phải ai cũng đủ dũng khí để nói ra ngay được như ông Cao Đức Phát.

 

Phát ngôn ở diễn đàn Quốc hội, tức là nói với nhân dân, luôn là chuyện hệ trọng. Trước Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhiều vị chính khách cũng từng dính “vạ miệng” khi phát biểu ở Quốc hội. Các bài học đắt giá cứ nối tiếp nhau nhưng xem ra các “thí sinh” vẫn chưa thuộc nằm lòng. Nhân dân, cử tri và các đại biểu Quốc hội cần sự sẻ chia, thấu hiểu chứ không phải những ý kiến một chiều, phiến diện hay những lời nói trơn tru, mật ngọt để đùn đẩy hay thoái thác trách nhiệm. Vì lợi ích của dân, dù chỉ là việc nhỏ như lá rau, con cá cũng không thể xem nhẹ, coi thường.

Khủng hoảng truyền thông đối với Bộ trưởng Cao Đức Phát có thể nói đã tạm trôi qua nhưng cuộc chiến với thực phẩm bẩn thì chưa dừng lại. Tuy đã bớt ấm ức với phát ngôn thiếu cân nhắc của Bộ trưởng nhưng hàng ngày, hàng giờ, người dân vẫn phải đối mặt với nỗi lo mâm cơm không an toàn sẽ dẫn tới vô vàn bệnh tật nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng tới cả những thế hệ mai sau.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng như một số thành viên Chính phủ khác đã từng nhiều lần nhận trách nhiệm trước Quốc hội về những thiếu sót, khuyết điểm của ngành mình. Các vị cũng đã hứa khắc phục, đưa ra những giải pháp cụ thể và đều được ghi lại ở nhiều bản nghị quyết của Quốc hội. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều yếu kém, hạn chế vẫn kéo dài mãi, từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác. Cử tri và đại biểu Quốc hội không thể hài lòng với những lời hứa - dân gian gọi là hứa suông như vậy.

Lời xin lỗi, lời hứa là quan trọng nhưng điều nhân dân cần là kết quả phía sau những lời nói ấy. Nhân dân có thể nguôi ngoai trong ngắn hạn với lời xin lỗi nhưng không thể an tâm nếu đi cùng với đó không phải là những hành động quyết liệt. Cái người dân cần là những cam kết chính trị với thời hạn thực hiện cụ thể.

Không thể yêu cầu Bộ trưởng hứa tới giờ nào, phút nào sẽ không còn thực phẩm bẩn - đó là điều không khả thi - song người dân muốn Bộ trưởng chỉ rõ, tới năm nào, sẽ không còn gà, tôm nhiễm kháng sinh; chất cấm salbutamol hết “tung tăng” ngoài đường hay đồng ruộng không còn trắng xóa vỏ bao bì thuốc trừ sâu… Nếu những chỉ tiêu cụ thể ấy sớm được hoàn thành như lời xin lỗi, chắc chắn, cử tri, nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội sẽ ghi nhận và đánh giá cao Bộ trưởng.