Phát triển kinh tế từ nguồn lực biển

ANTĐ - Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng với phóng viên Báo ANTĐ bên lề Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII.

Phát triển kinh tế từ nguồn lực biển ảnh 1
Ngư dân Quảng Ngãi ra khơi bám biển, đánh bắt tại ngư trường truyền thống 
ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam


- PV: Chiến lược để phát triển kinh tế biển là gì, thưa bộ trưởng?

- Bộ trưởng Đinh La Thăng: Đất nước ta có đường bờ biển trải dài suốt dọc hình chữ S nên một trong những mục tiêu mà Chính phủ ưu tiên đó là, phát triển kinh tế ngày càng giàu mạnh từ biển. Là một trong những đơn vị thực hiện chiến lược này, ngành giao thông đã có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.  

Chiến lược, quy hoạch GTVT trong những năm tới sẽ tập trung vào các mạng lưới giao thông như đường bộ, đường thủy, cho đến đường hàng không, trong đó bao gồm quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc bộ, quy hoạch tổng thể kết cấu hạ tầng kỹ thuật dải ven biển miền Trung Việt Nam, Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020...

- Bộ trưởng có thể nói rõ hơn các bước đi của ngành GTVT trong năm 2014-2015?

- Để tập trung vào công tác quản lý nhà nước, Bộ GTVT cần phải tham gia xây dựng các thể chế chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển, trong đó có doanh nghiệp GTVT. Chính vì vậy, Bộ GTVT đã xác định lộ trình phải thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, mà trọng tâm chính là cổ phần hóa. Trong năm nay và 2015, Bộ GTVT sẽ thực hiện cổ phần hóa toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước (thuộc Bộ) còn lại. Một trong những yếu tố quan trọng nhất để thực hiện thành công cổ phần hóa là phải chọn được nhà đầu tư chiến lược.

- Nhiều ý kiến cho rằng, hiện việc độc quyền trong lĩnh vực vận tải hàng không khiến mức giá của các dịch vụ hàng không quá cao, nhưng chất lượng lại thấp. Bộ trưởng có nhận xét gì về quan điểm này?

- Chính vì có chuyện độc quyền nên cần phải có thay đổi về phương thức quản lý giá. Trong dịch vụ hàng không có 2 loại giá, đó là giá hàng không và giá phi dịch vụ hàng không. Khách hàng hiện nay chủ yếu phàn nàn về giá phi dịch vụ hàng không. Tuy nhiên, trong nước hiện có rất nhiều hãng hàng không, ngoài Vietnam Airlines, còn có các hãng hàng không giá rẻ khác như Vietjet Air, Jetstar,... Khách hàng có thể lựa chọn bất cứ hãng hàng không nào phù hợp với yêu cầu và điều kiện kinh tế của mình. Khi Luật hàng không dân dụng sửa đổi chính thức có hiệu lực, tôi tin rằng sẽ kiểm soát tốt hơn về giá. Đặc biệt, khi  có sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không ở Việt Nam, sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá, khi đó người dân sẽ có nhiều lựa chọn hơn. 

- Có thông tin hiện nhiều dự án vay vốn của Trung Quốc, trong tình hình hiện nay, liệu những dự án này có bị ảnh hưởng?

- Không phải tất cả các dự án chúng ta đều vay vốn của Trung Quốc, chỉ có 3 dự án nhỏ và một số dự án về lĩnh vực giao thông. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam đã động viên và cam kết với các nhà thầu Trung Quốc sẽ đảm bảo an toàn để họ tiếp tục triển khai dự án. Bởi, nếu phía Trung Quốc cho dừng dự án, bản thân họ cũng thiệt hại chứ không chỉ riêng Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã có chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu nước ngoài, trong đó có nhà thầu Trung Quốc, tạo điều kiện tốt nhất để họ tiếp tục thực hiện triển khai dự án theo đúng tiến độ đã đề ra.