Phạt nặng khách làng chơi, sạch tệ nạn mại dâm

ANTĐ - Để đối phó với tệ nạn xã hội, luật pháp Thụy Điển sửa đổi quy định trong đó nêu rõ, xử lý hình sự khách làng chơi, chứ không phải gái bán dâm - luật đầu tiên trên thế giới tại thời điểm năm 1999. Kết quả bất ngờ, ngành kinh doanh tình dục giảm tới 70%. Và 10 năm sau, Nauy và Iceland đã áp dụng luật tương tự.

Một chiếc xe cảnh sát ngụy trang đang lướt trên đường phố của hòn đảo Skeppsholmen, một thị trấn cổ đẹp như tranh vẽ của Stockholm. Đó là một ngày giữa tháng 2-2013. Trước mắt họ là bảo tàng nghệ thuật đương đại của thành phố nhưng lúc đó trời đã tối và họ không đến đây để thưởng thức nghệ thuật. Mục tiêu của họ là bãi đáp của những gã đàn ông thích mua vui.

Một trận “đánh úp”

“Bãi đáp ở trên đó”, một điều tra viên ngồi ở hàng ghế trước chỉ vào một bãi đậu xe ở phía trên đồi. “Hãy đợi vài phút, chúng ta sẽ nhảy ra ngoài, chạy lên đồi và kéo cửa”, chỉ thị được đưa ra.

Điều xảy ra tiếp theo đúng như dự đoán của các nhân viên chấp pháp đấu tranh chống nạn mua dâm ở Thụy Điển. Người lái xe bị bắt quả tang khi đưa một gái bán dâm đến khu vực này để hành sự. Anh ta được lựa chọn: thừa nhận hành vi phạm tội và trả tiền phạt dựa trên thu nhập hoặc ra tòa và bị công khai tội lỗi. Gái làng chơi trong trường hợp này không phạm pháp, cô sẽ được các dịch vụ xã hội hỗ trợ nếu muốn bỏ nghề mại dâm. Nếu không, cô ta được phép tự do.

“Mua dâm là một trong những tội đáng xấu hổ nhất nếu bị bắt”, điều tra viên Simon Haggstrom nói. Trẻ trung, da màu, đầu cạo trọc và chiếc quần jean lùng thùng, Simon Haggstrom trông giống một nghệ sỹ chứ không phải cảnh sát. Anh là người phụ trách đơn vị chống mua dâm của cảnh sát Stockholm, đơn vị đã bắt giữ được hơn 600 khách làng chơi theo quy định của pháp luật. “Những đối tượng bị chúng tôi bắt giữ có đủ dạng, từ người nghiện ma túy đến các chính trị gia. Có người khi bị bắt nói rằng tôi đã hủy hoại cuộc sống của ông ta. Tôi đáp: Không phải tôi, mà chính bản thân ông”.

Luật “ngược đời”

Năm 1999, Thụy Điển quyết định đảo ngược quy định về tệ nạn mại dâm, trong đó xử lý hình sự những người mua dâm và cho rằng bắt phạt gái mại dâm là nhầm người. Sau khi luật chống mua dâm được thông qua, Chính phủ Thụy Điển đã chi 7 triệu krone (tương đương 1 triệu USD) cho Cơ quan Cảnh sát quốc gia để thực thi luật. Nhân sự và phương tiện được cảnh sát tăng cường để giám sát các khu phố nổi lên nạn mại dâm. 

Khi đó, luật mới của Chính phủ Thụy Điển gây tranh cãi khá nhiều. Quan điểm khi luật được thông qua là đối với tệ nạn này, đàn ông mới là người có lỗi bởi họ bỏ tiền mua vui, còn những phụ nữ bị dồn vào “nghiệp” gái bán dâm qua điều tra từng bị lạm dụng tình dục hay có vấn đề về rượu và ma túy. Điều tra viên cao cấp Kajsa Wahlberg, báo cáo viên quốc gia về buôn bán người nhớ lại, nhiều người Thụy Điển lúc đó tỏ ra nghi ngờ hiệu quả của luật. “Trong giới cảnh sát có cả sự thất vọng và giận dữ, bên cạnh đó là khó khăn khi yêu cầu gái mại dâm phải khai báo hay làm chứng chống lại khách hàng của họ”. Chỉ trong năm đầu tiên, cảnh sát phát hiện 90 vụ nhưng chỉ có 6 đối tượng vi phạm bị bắt giữ và phạt tiền. 

Nhưng tình hình đã thay đổi kể từ khi luật có hiệu lực. Một cảnh sát chìm với 37 năm trong nghề cho biết, những gì xảy ra 14 năm trước thật bất ngờ. “Khi luật có hiệu lực, đường phố gần như vắng tanh trong 6 tháng”, ông nói. Dù không có số liệu thống kê chính thức nhưng số gái “đứng đường” ở Thụy Điển hiện giờ không đáng kể. Thống kê mới nhất về tội phạm ở Thụy Điển năm 2011 cho thấy, chỉ có 11 người phạm tội môi giới mại dâm, trong khi 450 đối tượng đã bị kết án và bị phạt tiền vì mua dâm, trong đó có một số khách du lịch nước ngoài. 

Quan trọng là nguồn nhân lực

Trước kia nhiều người chỉ trích luật sửa đổi của Thụy Điển sẽ làm cho hoạt động kinh doanh tình dục trở nên đáng lo ngại hơn. Gần đây, cảnh sát Thụy Điển cũng tích cực đối phó với thế giới ngầm của tội phạm này. Các chuyên gia đã được đào tạo để giám sát mạng Internet, phát hiện quảng cáo dịch vụ sex trá hình. Cảnh sát cũng có thể truy cập để ngăn chặn số điện thoại tình nghi. Sỹ quan Haggstrom tiết lộ, những tay môi giới mại dâm ở Thụy Điển ngày càng “nản” vì có thể chủ chứa và ma cô không bị bắt nhưng số lượng khách hàng ngày càng giảm do sợ bị bắt. 

Thành công trong phòng chống nạn mại dâm của Thụy Điển liệu có thể áp dụng ở các nước khác? Na Uy và Iceland đã đưa vào luật cấm việc mua dâm năm 2009 , còn Vương quốc Anh đã có những bước thăm dò khi hình sự hóa hành vi mua dâm từ các đối tượng dưới 18 tuổi hoặc người trưởng thành là nạn nhân của bọn buôn người. Nhưng điều này không dễ, bởi các chuyên gia Thụy Điển đều đồng ý rằng, chỉ riêng ban hành luật là chưa đủ: “Quan trọng là phải có nguồn lực thực thi, cần phải có các nhân viên cảnh sát chịu khó săn lùng và bắt giữ”.

Luật pháp Thụy Điển quy định hành vi mua dâm, chứ không phải bán dâm là bất hợp pháp. Ngoài ra, các hành vi môi giới, chăn dắt và mở nhà chứa cũng bị cáo buộc hình sự. Theo luật hiện hành, người phạm tội mua dâm sẽ bị phạt tiền hoặc tối đa là 6 tháng tù giam, môi giới mại dâm bị phạt tối đa 4 năm tù. Theo thống kê mới đây của Đài phát thanh Thụy Điển, trong số 650 khách làng chơi đã bị kết án, đến nay chưa có ai phải vào tù.
(Nguồn: Wikipedia)