Phạt lũy tiến xe chở hàng quá tải

ANTĐ - Theo nhận định, dù Nghị định 171 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ mới ban hành năm 2013, sửa đổi vào năm 2014, nhưng đã có một số quy định… “lỗi thời”, mức phạt không đủ sức răn đe khiến nhiều đối tượng cố tình vi phạm, chống đối lực lượng chức năng. Do vậy, Nghị định này hiện đang được nghiên cứu để  thay thế theo hướng tăng nặng mức phạt một số hành vi vi phạm. 
Phạt lũy tiến xe chở hàng quá tải ảnh 1

CSGT kiểm tra, xử lý xe quá tải

Vi phạm vẫn nhức nhối

Đại tá Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho rằng, các Nghị định xử phạt (NĐ 171 và NĐ 107) dù đã đưa vào thực thi nhưng trên thực tế, một số lỗi vi phạm vẫn còn phổ biến, thường xuyên xảy ra.

Theo thống kê của Cục CSGT, hành vi chạy quá tốc độ chiếm 23,6%, chở quá số người quy định chiếm 6% tổng số vi phạm…. Đại tá Nguyễn Hữu Dánh thẳng thắn đặt vấn đề, các hành vi này là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT nhưng chế tài xử phạt liệu đã đủ sức răn đe đối với những đối tượng có hành vi vi phạm, ngang nhiên coi thường pháp luật? Năm 2015 tiếp tục thực hiện siết chặt tải trọng xe nhưng số vụ bị xử lý vẫn chiếm hơn 30% tổng số vụ vi phạm.

 “Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ. Siết chặt xe quá tải nhưng tỷ lệ vi phạm lại tăng trong 6 tháng đầu năm 2015, trong khi mục tiêu cuối năm nay là chấm dứt tình trạng xe quá tải hoạt động”, Đại tá Nguyễn Hữu Dánh bày tỏ. 

Là đơn vị thực thi các quy định của pháp luật, Thượng tá Nguyễn Thành Viên, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh Hà Nam cho rằng, lực lượng CSGT đang gặp nhiều khó khăn trong các quyết định xử phạt hành chính vi phạm giao thông chiếu theo quy định của Nghị định. Đặc biệt trong việc xử lý xe quá tải và thẩm quyền của Phòng CSGT cấp tỉnh, thành phố.

 “Còn nhiều bất cập, đặc biệt thẩm quyền của trưởng phòng CSGT chỉ được xử phạt tối đa 8 triệu đồng, trong khi lỗi vi phạm về tải trọng phần lớn có mức xử phạt cao. Khi phạt cao hơn 8 triệu đồng thì phải chuyển lên Giám đốc Công an tỉnh, trên 20 triệu đồng thì phải trình Chủ tịch UBND tỉnh. Nhiều lần lực lượng chức năng phải đuổi theo xe quá tải cả trăm cây số mới phạt được 1 triệu đồng”, Thượng tá Nguyễn Thành Viên chia sẻ. 

Tiếp tục thay thế Nghị định 171

Góp ý bổ sung, sửa đổi Nghị định 171, Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) nhìn nhận, “Nghị định 171 ban hành 2013, nhưng đến năm 2014 đã phải bổ sung một số quy định xử phạt trong Nghị định 107. Nếu chúng ta không có sự thay đổi cách tiếp cận trong quá trình xây dựng Nghị định, cứ như thế này thì sẽ theo vết xe cũ”. 

Ông Trần Quang Thanh, Phó Cục trưởng Cục quản lý Đường bộ 2 đề nghị điều chỉnh tăng nặng mức xử phạt vi phạm đối với hành vi chở hàng quá tải. Theo đó, đề nghị điều chỉnh mức phạt từ 12-14 triệu đồng với cá nhân và 24-28 triệu đồng với tổ chức. Đồng thời, tăng mức xử phạt lũy tiến theo tỷ lệ vi phạm chở hàng quá tải, trong đó với mức vi phạm tải trọng từ     200- 300%, ngoài xử phạt tiền cần áp dụng hình thức xử phạt vi phạm bổ sung, tước GPLX 12-24 tháng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng, thời gian qua, khi  xây dựng Nghị định, Thông tư về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa lường hết được các tình huống trong thực tế. Do vậy, vi phạm về tải trọng vẫn diễn ra, TNGT đặc biệt nghiêm trọng vẫn nhức nhối, số vụ việc cố tình chống đối lực lượng thực thi công vụ vẫn tái diễn…

 “Nghị định 171 dù mới ban hành năm 2013 nhưng chúng ta đã phải bổ sung, chỉnh sửa qua từng năm làm ảnh hưởng đến tính ổn định của chính sách. Dù vậy, chúng ta vẫn phải sửa đổi, thậm chí là thay thế cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, sẽ không qua loa, không theo tư duy cũ để xây dựng một Nghị định có tính ổn định hơn, ít nhất phải áp dụng được từ 2-3 năm mà không phải sửa đổi, bổ sung. Cần phải dự báo được những điều chưa xảy ra ở hiện tại nhưng sẽ xảy ra trong tương lai. Trong tháng 8, sẽ trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 171”, ông Lê Đình Thọ cho hay.