Diễn đàn Quốc hội và câu chuyện phí đường bộ

ANTĐ - Trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật phí và lệ phí sáng 18-6, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM) đề nghị bãi bỏ một số khoản phí, lệ phí có mức thu thấp, chi phí hành thu cao, phức tạp, quản lý thu và sử dụng nguồn thu kém hiệu quả. 

Đó là một ý kiến đáng được các Đại biểu Quốc hội nghiên cứu. Tuy nhiên, ngay sau phiên họp, cuộc trao đổi giữa chính Đạị biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng lại để lộ ra một vấn đề rất đáng quan tâm: Các chính quyền địa phương đã thật sự quan tâm tới những căn cứ pháp lý khi ban hành quyết định thu các loại phí, lệ phí hay chưa?

 “Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính quy định về thu phí theo mức tối đa, không quy định mức tối thiểu. Việc xác định mức thu phí cụ thể đối với xe mô tô sẽ do HĐND cấp tỉnh căn cứ vào chủ trương chính sách của Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội và đặc điểm của các địa phương trong từng thời kỳ, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp phí để quy định mức thu phí trong phạm vi khung mức phí đã được quy định. Do vậy, HĐND tỉnh, thành phố có quyền quyết định thu hoặc không thu”- Bộ trưởng Đinh La Thăng nói.

Và Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng chỉ rõ: Thông tư 133/2014/TT-BTC hướng dẫn thu và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện quy định mức thu cao nhất từ 100.000đ đến 150.000đ/năm đối với xe mô tô, và quỹ này cũng không phải nộp ngân sách Trung ương mà để dành cho địa phương sửa chữa, bảo hành hệ thống đường bộ địa phương. Như vậy, rõ ràng, phí sử dụng và bảo trì đường bộ không phải là khoản phí bắt buộc phải thu mà tùy thuộc vào nhu cầu và cân đối ngân sách địa phương.

 Ngay sau cuộc trao đổi giữa đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm với Bộ trưởng Đinh La Thăng, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng như nhiều địa phương đã lên tiếng ủng hộ ngừng thu khoản phí này bởi thực tế khi triển khai thu phí, các cấp phường, xã, tổ dân phố dù thực hiện nghiêm túc nhưng hiệu quả thu không cao. 

Đã có tình trạng nhiều địa phương khác không cập nhật được các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh cũng như thực hiện các chính sách địa phương. Các địa phương có toàn quyền ngừng thu khoản phí sử dụng và bảo trì đường bộ, hay nói đúng ngôn ngữ pháp lý là hạ mức thu xuống bằng 0 đồng/phương tiện. Dĩ nhiên, tốt nhất, Bộ Tài chính nên có văn bản khẳng định quan điểm này. 

Mặt khác dư luận cũng đã chỉ ra một vấn đề khác khá nghiêm trọng: không phải nhân dân mà chính chính quyền các địa phương cũng mù mờ về các khoản phí và lệ phí và vì vậy đã đặt lên vai nhân dân nhiều gánh nặng vô lý. Hy vọng các địa phương khác cũng có sự rà soát các loại phí và lệ phí tương tự như vậy.