Phản biện cần thiết

ANTĐ - Trong những năm gần đây, dư luận thường quan tâm tới một “hiện tượng” đáng mừng trong đời sống sinh hoạt chính trị.

Đó là các ủy ban của Quốc hội thường xuyên phản biện một số nội dung quan trọng trong các báo cáo của các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư… tuy không phải là các buổi chất vấn và trả lời chất vấn trên nghị trường. Song rõ ràng hoạt động này rất có ích lợi trong việc điều hành, quản lý Nhà nước, thể hiện rõ vai trò, chức năng giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan hành pháp.

Đơn cử trong báo cáo của Bộ Kế hoạch-Đầu tư về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm nay, một số thành viên của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã chỉ ra rằng, báo cáo về lãi suất, một trong những vấn đề “nóng bỏng” của nền kinh tế, là chưa đầy đủ. Theo đó, lãi suất cho vay là trên 20% thì phải làm ra lợi nhuận trên 30% mới gọi là có lãi. Điều này là “không tưởng” đối với phần lớn doanh nghiệp. Mặt khác khi phân tích những bức xúc của nền kinh tế 6 tháng, báo cáo chỉ đề cập đến tăng trưởng và phát triển mà không trả lời được cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp đã ngừng hoạt động.

Một ủy viên của Ủy ban Kinh tế cho biết, hiện nay số doanh nghiệp phải “khóa cửa” hoặc phải giải thể từ đầu năm đến nay đã tăng gấp đôi số doanh nghiệp của cùng kỳ năm ngoái. Theo vị ủy viên này, điều đáng quan tâm hơn là “sức khỏe” của các doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng hoặc “cầm cự”, bởi hầu hết các dự án của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đều bị “đắp chiếu” không biết đến bao giờ.

Đặt câu hỏi với Bộ Công Thương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội băn khoăn về giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị gia tăng nhưng lao động và vốn không tăng, liệu có hợp lý không? Phải chăng tăng trưởng công nghiệp chỉ là tăng giá trị đầu vào, không phải là tăng năng suất? Một số ủy viên của các ủy ban của Quốc hội cũng đề nghị làm rõ sự “chọi” nhau về con số tăng trưởng GDP của cả nước và GDP một số địa phương.

Không thể có chuyện mức tăng trưởng GDP đầy “ấn tượng” ở hai đầu tàu kinh tế Hà Nội và TP.HCM lần lượt là 9,3% và 9,9%, vậy mà GDP của cả nước chỉ tăng 5,6%. Cứ cho là mức tăng GDP của cả nước đúng như vậy thì rõ ràng cần phải xem lại cách tính GDP của nhiều địa phương hiện nay. Phản biện về thực hiện thu chi ngân sách của Bộ Tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội bày tỏ sự ngạc nhiên với các báo cáo thu chi.

Đơn cử, một số khoản chi có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế chỉ được chi thấp hơn dự toán như chi cho sự nghiệp kinh tế, y tế, khoa học công nghệ. Trong khi đó, các khoản chi cần tiết kiệm thì lại tăng như quản lý hành chính Nhà nước tăng 4,8%, có 19/32 địa phương chi quản lý hành chính tăng 30% so với dự toán. Tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức diễn ra khá phổ biến. Chủ nhiệm ủy ban cũng lo ngại về một số chính sách an sinh xã hội dự kiến ban hành chưa bố trí đủ vốn. Thực tế nỗ lực thắt chặt đầu tư công và tiết kiệm 10% kinh phí chi thường xuyên chưa lớn. Trong 6 tháng đầu năm 2011, số thu nội địa tuy đạt mức trung bình, nhưng chưa loại trừ yếu tố trượt giá và còn bao gồm các khoản thu chuyển từ năm 2010 sang.

Có thể khẳng định những ý kiến phản biện của các ủy ban của Quốc hội trước các báo cáo của các cơ quan Chính phủ là cực kỳ cần thiết. Với con mắt “chuyên nghiệp” tinh tường, các thành viên ủy ban có thể phân tích những con số, những chỉ tiêu kinh tế, chứ không nghe một chiều, buông xuôi theo kiểu báo cáo thành tích. Kiểm tra, giám sát thường xuyên để kịp thời uốn nắn, điều chỉnh không để tình trạng “cái sảy nảy cái ung”.