Phải tự chịu trách nhiệm

ANTĐ - Đúng hai ngày trước khi Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tập trung vào mô hình chính quyền địa phương, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội thảo “Phân định thẩm quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền cấp tỉnh”. Phân định thẩm quyền luôn là vấn đề diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực quản lý như ngân sách, nhân sự, tài nguyên, đất đai, kế hoạch và đầu tư, ban hành văn bản pháp luật… ở đâu thì quyền lực Nhà nước cũng cần được phân chia hợp lý giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. 

Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, vấn đề phân định thẩm quyền tiếp tục được xem xét, đánh giá lại. Trong quan hệ phân công quyền lực theo chiều dọc, khuôn mẫu lý tưởng là phân quyền được tiến hành từ dưới lên. Có nghĩa là địa phương được ưu tiên trao quyền thực hiện các vấn đề phù hợp với khả năng của mình, những vấn đề còn lại do Trung ương thực hiện hoặc phối hợp với địa phương. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khái niệm “chính quyền địa phương” dễ gợi tư tưởng phân quyền, dẫn đến cách hiểu là địa phương muốn làm gì thì làm. Đơn cử, do phân cấp, nhiều địa phương cấp phép, khai thác, bán khoáng sản tràn lan. Vậy Hiến pháp sẽ quy định phân quyền cho địa phương những vấn đề gì?

Chuyên gia Chương trình Fulbright nhận xét, trong ba thập kỷ qua, thực trạng phi tập trung hóa quyền lực đã và đang diễn ra với nguy cơ cát cứ, địa phương cục bộ và thiếu trách nhiệm giải trình rõ ràng. Điều đó cho thấy, phân cấp quản lý có thể dẫn đến nghịch lý trong phát triển kinh tế. Một số đại biểu Quốc hội ở TP.HCM đang tham gia thí điểm xây dựng chính quyền đô thị, băn khoăn khi đọc dự thảo Hiến pháp sửa đổi chưa thấy rõ định hình chính quyền địa phương là gì, nhiệm vụ ra sao. Một nguyên tắc của chính quyền địa phương là tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền được phân cấp nhưng dự thảo chưa thể hiện điều này. Vì vậy, một số đại biểu cho rằng, mô hình chính quyền địa phương cần thí điểm từng nơi, đánh giá hiệu quả, không thể làm tràn lan. Đặc biệt, cần đánh giá về hiệu quả kinh tế, đời sống nhân dân sau khi thí điểm. Thảo luận về việc phân chia quyền lực giữa Trung ương và địa phương, ý kiến tại cuộc hội thảo đề xuất, cần quan tâm có những loại việc chỉ thuộc thẩm quyền của chính quyền Trung ương, không thể phân cấp cho địa phương. 

Hầu hết ý kiến tại hội thảo cũng như đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh, cần tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương cấp tỉnh cả về hành chính, ngân sách, quản lý đất đai. Song, điều cực kỳ quan trọng là chính quyền Trung ương phải có được cơ chế giữ nghiêm được kỷ luật, kỷ cương. Tự chủ phải gắn chặt với tự chịu trách nhiệm và không lạm quyền.