Phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu

ANTĐ - Chiều 10-6, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII đã bắt đầu với phần đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Tuy là lần đầu tiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã trả lời khá trơn tru các câu hỏi của ĐBQH.
Phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu ảnh 1
“Nợ công rơi vào tình trạng vay để trả nợ, vậy có thực sự an toàn không?” 
ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu)


Chi phí xây biệt thự chưa vào giá điện

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) hỏi: “Bộ Tài chính cũng đã hứa sửa nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu (Nghị định 84/CP), nhưng nay chưa thấy đâu. Trách nhiệm của Bộ trưởng khi chưa thực hiện lời hứa trước Quốc hội? Chính phủ đã giao các Bộ rà soát lại việc EVN hạch toán giá điện để có hướng xử lý, kết quả tới đâu? Có phát hiện thêm vi phạm không?”.

Về giá điện, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời: “Chúng tôi đã phối hợp các Bộ liên quan, báo cáo Thủ tướng. Nhà xây cho công nhân thuê không được tính vào giá điện. Nhà trẻ, sân tennis cũng phải lấy từ nguồn khác, không được tính vào giá điện. Khi Thủ tướng chỉ đạo tiếp theo, chúng tôi sẽ triển khai tiếp”. Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nói: “Qua kiểm tra, chỉ có nhà máy điện có xây dựng bể bơi, biệt thự. Đây là công trình để phục vụ chuyên gia. Các khoản này đều chưa  tính vào giá điện...”.

Về Nghị định 84/CP, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đã đáp ứng yêu cầu quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước: “Người dân gần đây cũng đã quen với điều hành giá xăng dầu rồi. Chúng ta cần tránh giật cục, bước giá điều chỉnh cao. Vừa rồi, ta đã tránh được sốc giá cả, tránh được tác động tới lạm phát. Quan trọng là điều hành giá đảm bảo công khai, minh bạch. Dù vậy, vẫn cần đẩy mạnh hơn xu hướng điều hành theo thị trường, nên phải sửa Nghị định 84/CP. Chính phủ đã có kết luận việc này. Trong thời gian rất ngắn nữa, Nghị định 84/CP (sửa đổi) sẽ được ban hành.  Chúng ta cần phải mạnh dạn hơn, thời gian qua còn rụt rè. Giá xăng dầu rất nhiều chuyện nên phải cân nhắc, điều hành mềm dẻo, theo đúng thị trường... Vừa rồi, thị trường có lúc đã xuất hiện sự cạnh tranh và như thế là người tiêu dùng được lợi”.

Phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu ảnh 2
“Muốn biết an toàn hay không phải xem cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. 
Theo 2 yếu tố này, nợ công của Việt Nam trong ngưỡng an toàn”
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

“Quốc hội sốt ruột là đúng”

Chủ đề nợ công được rất nhiều đại biểu quan tâm. ĐB Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi: “Nợ công rơi vào tình trạng vay để trả nợ, vậy có thực sự an toàn không?”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích: “Số tuyệt đối đúng là có xu hướng tăng lên. Song muốn biết an toàn hay không phải xem cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. Theo hai yếu tố này, nợ công của Việt Nam trong ngưỡng an toàn. Các chỉ số vẫn nằm trong giới hạn kiểm soát được Quốc hội cho phép. Khả năng trả nợ vẫn tiếp tục được duy trì”.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng, Việt Nam cần cơ cấu lại nợ công: “Nghĩa vụ trả nợ vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Vấn đề đặt ra là phải huy động được vốn để phục vụ phát triển và vay đảo nợ. Các vị ĐBQH sốt ruột là đúng song vay đảo nợ sẽ không làm phát sinh thêm nghĩa vụ nợ mới. Chúng tôi thường xuyên đánh giá danh mục nợ công trên nhiều phương diện để đảm bảo đúng quy định pháp luật”. Tiếp mạch nợ công, ĐB Trần Văn Minh (Quảng Ninh) hỏi: “Bội chi luôn ở mức cao, đe dọa an toàn nợ công. Giải pháp của Bộ trưởng?”. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trả lời: “Đúng là ta có mục tiêu giảm bội chi xuống 4,5% song vừa qua, kinh tế khó khăn trong khi nhu cầu chi tiêu rất lớn. Do đó, ta buộc phải tăng bội chi để đáp ứng các yêu cầu cấp bách. Ta tính lâu dài nhưng cũng phải lo việc trước mắt. Quốc hội cũng đã cho phép bội chi ở mức 5,3%. Trong những năm tới, ta phải tiếp tục thắt chặt chi tiêu, nhất là chi thường xuyên, giảm bội chi để dành tiền đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo và đáp ứng yêu cầu quốc phòng – an ninh trong tình hình mới”.

ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Nên chuyển quyền điều hành giá xăng dầu sang Bộ tài chính

“Qua phần trả lời của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, tôi thấy Bộ trưởng trả lời rõ và nắm chắc vấn đề. Dù vậy, tôi vẫn cho rằng, chuyển quyền điều hành giá xăng dầu sang Bộ Tài chính thì sẽ phù hợp hơn. Bởi nếu giao cho Bộ Công Thương quản lý về giá, sẽ tạo nên tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, vì Bộ Công Thương vừa là cơ quan chủ quản của Petrolimex - là doanh nghiệp chiếm 50% thị phần hiện nay, lại vừa là cơ quan quản lý cạnh tranh, vừa là cơ quan quản lý giá, vừa là cơ quan quản lý thị trường. Những vai này lại có thẩm quyền giám sát nhau nên khó đảm bảo yếu tố khách quan”.

Bộ trưởng  Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: “Tôi nhận trách nhiệm”

“Thực tế, Nghị định 84/CP đã mang lại nhiều kết quả, tạo tiền đề thuận lợi để thực hiện chủ trương “giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước”. Dù vậy, nghị định vẫn cần bổ sung để điều hành bám sát tín hiệu thị trường hơn, mang lại thêm lợi ích cho người tiêu dùng. Đây là vấn đề liên quan tới toàn dân nên các bộ, ngành  tham mưu rất thận trọng, xem xét toàn diện các vấn đề để sau khi sửa thì nghị định đi vào cuộc sống và khắc phục được những vấn đề còn tồn tại. Theo đó, sẽ gia tăng tính cạnh tranh, thêm nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu, tránh độc quyền... Chúng tôi nhận trách nhiệm vì chậm ban hành nghị định. Chúng tôi hứa cố gắng trong thời gian sớm nhất ban hành nghị định mới, đáp ứng được yêu cầu”.