Phải ngăn chặn hiệu ứng tăng giá dây chuyền

ANTĐ - Mặc dù đã được dự báo trước song giá xăng tăng thêm gần 2.000 đồng/lít từ tối 5-5 vẫn khiến không ít người tiêu dùng bị sốc vì lo hàng hóa, dịch vụ tăng giá theo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu người tiêu dùng quyết liệt ngăn chặn, giá cả sẽ không leo thang.

Túi tiền lại vơi đi

Không kịp đổ xăng trước thời điểm tăng giá, chị Đặng Ngọc Thúy (Vũ Ngọc Phan - Đống Đa, Hà Nội) đã phải chi thêm 8.000 đồng cho lần đổ xăng đầy bình ngày hôm qua (7-5). Chị Ngọc Thúy cho hay: “Bình xăng xe tôi chứa được 4 lít, mỗi lần đổ đầy bình với giá mới sẽ tăng thêm 8.000 đồng. Nếu tính cả xe của chồng  và con trai lớn nữa thì chi tiêu hàng tháng cũng tăng đáng kể”. 

Cho rằng việc cập nhật diễn biến giá dầu thế giới đã giúp người tiêu dùng Việt Nam dự báo được diễn biến giá xăng trong nước, nhưng anh Nguyễn Trọng Hưng (Thái Hà - Đống Đa, Hà Nội) vẫn thắc mắc: “Ngày 6-5, tôi thấy Bộ Tài chính dẫn chứng giá xăng Việt Nam thấp hơn giá xăng tại Lào (22.500 đồng/lít), Campuchia (23.000 đồng/lít), nhưng trên website của Petrolimex lại đăng tải, tại Campuchia, tổng thuế, phí trên mỗi lít xăng của họ chỉ là 5.264 đồng, bằng 23,59% giá bán lẻ ngày 6-5. Phí xăng dầu tại Campuchia bằng 0 và họ không có thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu cũng thấp hơn ta. Nếu đây là toàn bộ số thuế, phí người dân Campuchia phải trả cho mỗi lít xăng, thì rõ ràng thuế, phí của ta cao gấp rưỡi của họ (khoảng 9.300 đồng/lít). Phải chăng, người tiêu dùng Việt Nam đang phải gồng lưng gánh thuế, phí? Giá xăng thấp hơn nước láng giềng nhưng người dân không được hưởng lợi?”.

Phải ngăn chặn hiệu ứng tăng giá dây chuyền ảnh 1

Người tiêu dùng cần chủ động ngăn chặn tình trạng tăng giá bất hợp lý

Cản trở tăng sức mua 

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội, đợt tăng giá xăng này thực sự là “cú sốc” đối với tiêu dùng. Vị chuyên gia này nói: “Giá xăng tăng ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người sử dụng xe máy, buộc họ phải tiết kiệm hơn. Thống kê cho thấy, Tết Nguyên đán vừa rồi, tổng mức bán lẻ chỉ bằng 1/2 năm ngoái, giờ có xu hướng còn thấp hơn”. 

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính) thì tác động của tăng giá xăng đến tiêu dùng không lớn. “Người dân Việt Nam đã trải qua khủng hoảng nên tâm lý đề phòng, tiết kiệm rất cao. Giá xăng tăng mạnh thì đương nhiên người dân càng tiết kiệm hơn nhưng không đáng kể. Xu hướng tới đây vẫn là đa số người dân tiếp tục chi cho những nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. Trong khi đó, các mặt hàng, dịch vụ cao cấp vẫn có khách là nhóm người tiêu dùng có thu nhập cao” - ông Phạm Minh Thụy phân tích.

Đối với kinh tế vĩ mô, tác động cũng không lớn. Tính toán sơ bộ cho thấy, giá xăng tăng sẽ khiến CPI tháng 5-2015 tăng trực tiếp thêm 0,12-0,15%. Nhóm giao thông vận tải sẽ tăng giá đáng kể. CPI cả tháng 5-2015 dự báo sẽ tăng 0,2-0,25% so với tháng 4. Sang tháng 6 tới, dự báo CPI sẽ tăng mạnh hơn. Đối với sản xuất, do giá nhiều nguyên nhiên vật liệu đầu vào đang ở mức thấp nên giá xăng tăng thêm 2.000 đồng cũng chưa gây nên tác động lớn.

Ngăn chặn giá hàng hóa leo thang

Lâu nay, như một dây chuyền được lập trình sẵn, cứ giá xăng dầu tăng mạnh là giá hàng hóa, từ mớ rau con cá đến sản phẩm, dịch vụ giá trị lớn đều ồ ạt tăng theo. Thậm chí, tăng gấp đôi ba lần mức tăng giá xăng. Tuy nhiên, với lần điều chỉnh giá xăng này, giá dầu vẫn giữ nguyên nên ông Vũ Vinh Phú cho rằng: “Vận tải hàng hóa chủ yếu sử dụng dầu, nên giá dầu giữ nguyên thì không có cớ gì giá hàng hóa tăng. Các siêu thị, doanh nghiệp không thể vin vào cớ này”.

Nhận định có thể nhiều hàng hóa dịch vụ sẽ “té nước theo mưa”, ông Phạm Minh Thụy cho rằng, để ngăn chặn, chỉ có cách là người tiêu dùng hãy liên kết lại và lên tiếng, phản ánh tình trạng này đến các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và cơ quan quản lý. “Đối với các hoạt động kinh tế nhỏ lẻ, biện pháp quản lý hành chính sẽ không có tác dụng. Người tiêu dùng phải liên kết, tạo ra áp lực để doanh nghiệp kinh doanh trung thực, có trách nhiệm” - vị chuyên gia này khuyến cáo.

Giá xăng tăng không do tác động của thuế bảo vệ môi trường

Bộ Tài chính cho biết, việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu lần này không do tác động từ việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường. Trên cơ sở tính toán, Bộ Tài chính đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu từ 10% đến 15% tùy mặt hàng. Ví dụ, với mặt hàng xăng, thuế nhập khẩu đã giảm từ 35% xuống còn 20%. Mức giảm 15% tương ứng trong cơ cấu giá cơ sở tại thời điểm tính toán là 2.000 đồng/lít – bằng mức tăng thuế bảo vệ môi trường của mặt hàng này từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít.

Hùng Anh