Phải làm từ bây giờ

ANTĐ - Một câu hỏi không mới được đặt ra: Vì sao chúng ta vẫn nhập siêu từ Trung Quốc. Câu trả lời thật đơn giản, vì giá rẻ nên hàng hóa Trung Quốc được nhiều người tiêu dùng, nhất là người thu nhập thấp ưa chuộng. Nguyên phụ liệu được nhập khẩu nhiều cũng vì giá rẻ, trong khi nước ta chưa có ngành công nghiệp phụ trợ đủ mạnh. Máy móc thiết bị giá rẻ của Trung Quốc được nhiều doanh nghiệp trong nước lựa chọn, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ do năng lực tài chính hạn chế. Chưa kể các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu hầu hết các công trình năng lượng, khai khoáng, luyện kim, xi măng.

Chung quy việc phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu Trung Quốc cơ bản là vì giá bán của họ rất cạnh tranh. Để giải quyết được thế bí này, phải có sự đồng lòng, quyết tâm từ người dân, doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý Nhà nước. Theo ý kiến một số doanh nghiệp, công ty lớn, bản thân họ cần cơ cấu lại đối tượng và phân khúc khách hàng, thuyết phục họ chuyển hướng ưu tiên cho nguồn vật liệu nội địa hoặc từ các nước khác.

Về phía Nhà nước nên gấp rút triển khai chính sách ưu đãi về vốn vay, thuế và giá thuê đất để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu. Việc này cần một quy hoạch tổng thể và có sự chủ trì của Bộ Công Thương, bản thân các doanh nghiệp khó tự làm được. Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa phải hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm của nhau để hỗ trợ nhau tăng năng lực cạnh tranh. Làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian gần đây sẽ kích thích ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Hy vọng rằng, khi vòng đám phán Hiệp định hợp tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương hoàn tất với Việt Nam, nhiều cơ hội sẽ mở ra. Khi đó, Việt Nam sẽ có thị trường cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tìm nguồn nguyên liệu thay thế, thoát dần sự phụ thuộc Trung Quốc. Cộng với việc hưởng thuế xuất khẩu 0% sẽ tạo ra một trong những lợi thế cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp nước ta.

Riêng về các dự án tổng thầu, để giảm bớt những tác động tiêu cực trong tương lai, một số chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần hoàn thiện khung pháp lý đối với hoạt động đấu thầu, có quy định cụ thể về tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình thi công công trình. Một tiêu chí đang được cân nhắc thay đổi khi mời thầu là vấn đề chi phí. Hiện các chương trình mời thầu của Việt Nam ngày càng quan tâm hơn đến “vòng đời kỹ thuật” hơn là chi phí rẻ. Tức là, ban đầu có thể sử dụng công nghệ đắt tiền hơn so với công nghệ Trung Quốc, song về tổng thời gian sử dụng công trình và công nghệ lại dài hơn. Có thể tính đến việc ban hành danh mục cấm một số nhà thầu nước ngoài vào các dự án trọng điểm về năng lượng, truyền thông liên quan đến an ninh quốc gia như nhiều quốc gia đã làm.

Rõ ràng là, trong tình thế kinh tế phụ thuộc Trung Quốc, không phải là quá lo ngại, vẫn có những giải pháp khả dĩ có thể thực thi ngay từ bây giờ.