QUÁN TRIỆT NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4:

“Phải làm thực sự chứ không chỉ nói suông”

ANTĐ - Sau hai ngày làm việc khẩn trương và nghiêm túc, Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4; Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị khóa XI và 9 Chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Báo ANTĐ xin trích đăng bài phát biểu của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội tại lễ bế mạc hội nghị.


 “Phải làm thực sự chứ không chỉ nói suông”  ảnh 1
Các đại biểu tham dự hội nghị

Thưa các đồng chí!

Để Nghị quyết của Đảng và các Chương trình công tác của Thành ủy thực sự đi vào cuộc sống, các đồng chí là những người đứng đầu các cấp, các ngành, cần xác định rõ tinh thần trách nhiệm, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

 Một là, sau hội nghị này, cấp ủy các cấp cần khẩn trương bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt tinh thần, nội dung của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tới cán bộ, đảng viên và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Việc này cần được tiến hành khẩn trương. Các cấp uỷ đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức học tập Nghị quyết, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, coi trọng thảo luận, đối thoại. Cần phân công chuẩn bị chu đáo về đội ngũ báo cáo viên để việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết đạt kết quả cao nhất.

Hai là, khi triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) phải lưu ý tính đồng bộ của các giải pháp, trong đó giải pháp kiểm điểm, tự phê bình và phê bình có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cấp trên kiểm điểm trước, làm gương cho cấp dưới. Thủ trưởng, người đứng đầu phải nêu gương về tính gương mẫu, nghiêm túc, đi đầu. Thực hiện tự phê bình và phê bình thì không chờ phải mở hội nghị, không chờ cơ chế chính sách, tiền bạc, kinh phí, mà ngay khi bước ra khỏi cánh cửa hội nghị này, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... các cấp phải tự kiểm điểm, tự soi xét mình và cơ quan, đơn vị mình xem cần phải sửa gì, sửa như thế nào. 

Một trong những yêu cầu đặc biệt quan trọng của tự phê bình và phê bình lần này là mỗi người phải tự soi, tự sửa, tự gột rửa những yếu kém, khuyết điểm của bản thân. Không ai có thể làm tốt hơn là mỗi người tự sửa mình; không ai có thể hiểu mình bằng mình, cả ưu cũng như khuyết điểm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải ra sức nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.

Trong văn bản Nghị quyết và các bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều nhấn mạnh vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân. Chắc rằng mọi người đều có thể phân biệt được chủ nghĩa cá nhân khác với động lực cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là coi cá nhân mình trên hết; là chỉ biết mình, không biết người khác; là không quan tâm đến lợi ích của tập thể, lợi ích của Đảng, của nhân dân. Biểu hiện đến mức cực đoan của chủ nghĩa cá nhân, đó là những người “vô cảm” trước trách nhiệm, là không còn "dây thần kinh xấu hổ” trước những việc làm sai trái của mình.

Đồng thời với việc thực hiện nhóm giải pháp tự phê bình và phê bình, phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tổ chức - cán bộ; về cơ chế chính sách; về giáo dục chính trị, tư tưởng. Phải khẩn trương rà soát các cơ chế, chính sách, quy định... cái gì lạc hậu, không đúng thì phải loại bỏ; cái gì thiếu hoặc không còn phù hợp thì phải gấp rút bổ sung, hoàn thiện. 

Ba là, tiếp sau việc học tập, quán triệt Nghị quyết phải là hành động, là bắt tay vào giải quyết các nhiệm vụ, các vấn đề cụ thể, để góp phần từng bước làm chuyển biến tình hình. Không phải ở đâu, lúc nào cũng đòi hỏi phải làm được ngay tất cả mọi việc; cũng không phải nhất thiết ở đâu cũng phải xử lý ngay những việc phức tạp nếu chưa kịp chuẩn bị; nhưng đòi hỏi chúng ta là phải làm thật sự chứ không phải chỉ nói suông. Qua học tập, nghiên cứu Nghị quyết, chúng ta đã hiểu rõ cần phải làm gì và vì sao phải làm. Tất cả chúng ta, không trừ một ai, không cho phép mình là người đứng ngoài quan sát. Tự phê, tự sửa thì không ai phải chờ người khác làm thay, làm hộ.

Tổ chức học tập, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong thời điểm hiện nay. Làm tốt nhiệm vụ này sẽ thiết thực góp phần làm chuyển biến toàn diện tình hình. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa chúng ta chỉ đóng cửa lại để hội họp, mà phải đồng thời giải quyết các nhiệm vụ một cách toàn diện. Hội họp, kiểm điểm để thúc đẩy công việc, để nâng cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, chứ không phải lại lơi là công việc hàng ngày.

Bốn là, Thường trực Thành ủy sẽ phân công các đồng chí trong Thường trực, Ban Thường vụ chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Các quận, huyện, thị ủy, ban cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Thành ủy căn cứ sự chỉ đạo của Thành ủy, bám sát tình hình, nhiệm vụ chính trị của đơn vị mình để triển khai thực hiện. Gắn kết việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 với các Nghị quyết Trung ương khác, với 9 Chương trình công tác của Thành ủy, với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua yêu nước.

Các ý kiến góp ý về ban hành văn bản, qua trao đổi, Thường trực Thành ủy nhất trí tiếp thu là Thành ủy chỉ nên ra một văn bản Kế hoạch thực hiện kèm theo nội dung Hướng dẫn để thuận lợi cho việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện. Đối với các ý kiến yêu cầu hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức các hội nghị lấy ý kiến, cách làm mẫu phiếu, tổ chức lấy phiếu tín nhiệm; vấn đề kết hợp tự phê bình và phê bình với kiểm điểm cuối năm ở cấp cơ sở thực hiện ra sao... sau hội nghị này, Thành ủy sẽ hướng dẫn cụ thể. 

Thưa các đồng chí!

Để nâng cao nhận thức và quyết tâm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, tôi xin nhắc lại lời căn dặn vô cùng thiêng liêng của Bác Hồ: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.