Phải làm rõ cho dân yên lòng

ANTĐ - Từ lâu những chiếc xe máy mác Honda đã trở nên thân thuộc với người Việt Nam. Thậm chí, người dân gọi luôn những chiếc xe 2 bánh là “ e Honda”, dù xe đó có thuộc nhãn hiệu xe máy khác đi nữa. Xe máy là phương tiện tiện dụng nhất, quen thuộc nhất, hầu như gia đình nào cũng có, và là  phương tiện giao thông chính ở Việt Nam.

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, việc một chiếc xe máy Honda đang chạy giữa phố bỗng dưng bốc cháy hoặc phát nổ không còn là chuyện lạ, sự việc đã liên tiếp xảy ra gần đây khiến người tiêu dùng cảm thấy bất an khi sử dụng phương tiện này. Các chủ nhân của những chiếc xe máy bỗng nhiên lo sợ trước nguy cơ có thể xảy đến từ chính phương tiện giao thông quen thuộc, gắn bó với hàng triệu người dân, gắn bó hàng ngày hàng giờ.

Nặng nề nhất là vụ chiếc xe Honda Dream nổ tại Bắc Ninh khiến một thai phụ thiệt mạng và một cháu bé 5 tuổi bị mất chân trái, phần chân còn lại dập nát, toàn thân bỏng nặng, tuy đã được điều trị tại Bệnh viện Việt Đức và Viện Bỏng quốc gia nhưng sau 1 tuần chạy đua với thần chết cháu bé đã qua đời.

Tính ra, từ đầu năm đã ghi nhận 13 vụ cháy xe máy khác, bằng cả số xe cháy của mấy năm trước cộng lại. 4 vụ cháy xe dồn dập xảy ra chỉ trong 13 ngày đầu tháng 12, trong đó có hai vụ xảy ra 2 ngày liên tiếp tại Hà Nội. Trong khi còn chưa có kết quả điều tra nguyên nhân cụ thể từ cơ quan chức năng thì liên tiếp có thêm những xe Honda đang lưu thông trên đường bùng cháy dữ dội không rõ nguyên nhân. Sau cả loạt xe Honda từ Air Blade đến SH bốc cháy thì thêm cả một chiếc xe Attila của SYM bốc cháy ngùn ngụt trên cầu Chương Dương vào chiều ngày hôm kia 13-12-2011.

Những vụ cháy xe liên tiếp xảy ra khiến người dân giờ đây không khỏi có chút gợn lo âu. Còn mãi đó nỗi đau xót của người cha tội nghiệp đã mất cả vợ, cả con chỉ sau một tích tắc chiếc xe máy phát nổ.

Dư luận đang lo ngại và nghi ngờ về thủ phạm gây cháy. Nghi vấn về sự phá hoại có thể bị loại trừ... Vậy do đâu? Theo các chuyên gia ô tô và xe máy thì ngoài nguyên nhân tác động vào xe không đúng quy chuẩn, việc dùng xăng có tạp chất, hay dung môi đặc biệt nào đó gây hại với các chi tiết khi xe vận hành tăng cao, dẫn tới rò rỉ, chập cháy. Tuy nhiên, nếu do xe cháy do chất lượng xăng thì hiện tượng cháy phải xảy ra hàng loạt chứ không chỉ một số chiếc như vậy. Người tiêu dùng thì vẫn cứ hoang mang, câu hỏi ai sẽ bảo vệ họ vẫn cứ không có lời đáp giống như câu hỏi nguyên nhân vì sao gây cháy. Thiệt hại hiện hữu nhưng chưa thấy có cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm và đứng ra đền bù.

Cục Đăng kiểm Việt Nam là cơ quan giám sát, kiểm định chất lượng của các doanh nghiệp lắp ráp xe máy tại Việt Nam, nhưng cũng chỉ là giám sát việc lắp ráp 500 chiếc xe đầu tiên đúng với kiểu dáng và thiết kế kĩ thuật như đăng ký. Chất lượng sản phẩm xe sau đó, với cả vạn chiếc xuất xưởng, Cục Đăng kiểm không thể kiểm soát, giám định hết. Chất lượng phụ thuộc vào nhà sản xuất.

Phía nhà sản xuất, Honda Việt Nam đã có văn bản khẳng định: “Chưa tìm thấy bất cứ sản phẩm nào có lỗi gây cháy xe” và tích cực hợp tác với cơ quan chức năng để tìm ra nguyên nhân. Nhưng cũng cần nhắc đến sự việc cách đây khoảng một năm, Honda Việt Nam đã phải triệu hồi một số lượng lớn xe Lead do phát hiện lỗi bu lông bình xăng. Mới đây, hãng Honda đã vừa thu hồi 126.000 chiếc xe Gold Wing tại thị trường Mỹ do mắc lỗi gây cháy.

Còn “Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam”? Cho đến giờ, chưa thấy có một ý kiến chính thức nào từ phía Hội này về việc các sản phẩm xe máy liên tục bốc cháy, không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, làm thiệt hại tài sản của họ hoặc thậm chí là cả cướp đi mạng sống của người xấu số.

Vậy ai sẽ bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng? Người dân có quyền yêu cầu làm rõ nguyên nhân thực sự của những sự cố vừa qua từ phía các cơ quan chức năng và các nhà sản xuất xe máy. Cả nước có gần 30 triệu xe nên việc làm rõ nguyên nhân các vụ cháy nổ để trấn an người sử dụng phương tiện này là rất cần thiết,  chứ không thể im lặng, bởi việc này liên quan tới an toàn, sức khỏe của hàng chục triệu người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy.