Phải hài hòa lợi ích

ANTĐ - Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn về huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Tính toán của Bộ GTVT cho thấy, nhu cầu đầu tư công giai đoạn 2015-2020 trong lĩnh vực GTVT cần những khoản tiền khổng lồ. 

Cụ thể, năm 2015, nhu cầu vốn đầu tư công cần khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ chiếm hơn 65.000 tỷ đồng. Thế nên, xã hội hóa là lối đi tất yếu để có nguồn vốn trang trải cho các dự án hạ tầng. Tuy nhiên, làm thế nào để xã hội hóa phát huy được những mặt tích cực, không làm gia tăng gánh nặng thuế, phí là bài toán không đơn giản.

Có thể nói, Bộ GT-VT đã đi tiên phong trong công tác xã hội hóa các dự án công trình giao thông.

Song, bên cạnh những mặt tích cực, các dự án xã hội hóa cũng gây ra nhiều điều tiếng. Chẳng hạn, tổng số tiền đầu tư của các nhà thầu dự án BOT trên quốc lộ 1A đã được một đại biểu Quốc hội “mổ xẻ” thấu đáo: Tư nhân chỉ đầu tư 35.000 tỷ đồng để làm dự án BOT, một số tiền không lớn so với cả tuyến quốc lộ. Vậy mà quốc lộ 1A bị “chặt” thành nhiều đoạn để thu phí là quá vô lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, đi đâu cũng thấy người dân kêu về gánh nặng phí từ các dự án BOT. Dân nói phí chồng phí là có cơ sở. Đó là chưa kể nhiều công trình BOT vừa mới khánh thành đã có vấn đề về chất lượng, phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến.

Từ thực tế một số dự án BOT hiện nay đang gây bức xúc dư luận, giới doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, xã hội hóa, tư nhân hóa dự án giao thông không chỉ là lối ra duy nhất. Chúng ta phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, chớ nên quá sa đà. Đặc biệt là việc bán sân bay, bến cảng cho các nhà đầu tư tư nhân dưới danh nghĩa nhượng quyền. Xã hội hóa, tư nhân hóa các dự án BOT về giao thông, cơ sở hạ tầng vẫn được Nhà nước khuyến khích, ưu đãi.

Song, điều đó không có nghĩa Nhà nước và người dân phải chịu thiệt trong khi nhà đầu tư chỉ chăm chăm thu lợi. Vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông dù từ ngân sách Nhà nước hay xã hội hóa thì cũng là đóng góp của nhân dân. Bộ GTVT cần kiểm soát chặt các nguồn vốn, đảm bảo việc sử dụng đồng vốn hiệu quả, tránh lãng phí. Dù là chính sách gì cũng phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân sử dụng, nộp phí.