Phải giảm tải mạnh tay

ANTĐ - Cả nước lại chộn rộn, mệt mỏi bước vào mùa thi, không chỉ hàng triệu học sinh, sinh viên mà kéo theo hàng triệu gia đình cùng một bộ phận xã hội không nhỏ. Trong khi đó, ngành giáo dục vẫn đang loay hoay thử nghiệm chương trình đổi mới sách giáo khoa, chương trình giảng dạy ở các cấp học, giảm tải áp lực cho học sinh, giáo viên. Có thể coi như một cuộc đổi mới giáo dục sau cuộc đổi mới hơn 20 năm trước, gần như làm lại từ đầu.

Thực ra, quy định giảm tải đã được ban hành từ cuối năm 2011, nhưng tới thời điểm này việc giảm tải chỉ mang tính hình thức. Cắt giảm chương trình một cách cơ học, không theo hệ thống khiến giáo viên vất vả hơn vì phải lấp những lỗ hổng kiến thức cho học sinh. Mục đích giảm tải của Bộ GD-ĐT là tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu kiến thức, kỹ năng trong chương trình thuận lợi hơn. Giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới kết thúc chuyến khảo sát ở các địa phương trên cả nước và ghi nhận những bức xúc của đội ngũ hiệu trưởng và giáo viên. Hiệu trưởng một trường THPT có tiếng ở Hà Nội bày tỏ: điệp khúc quá tải vẫn luôn là nỗi ám ảnh. 

Ngay khi thực hiện sách giáo khoa mới đã thấy sự quá tải vẫn rất nặng, khiến cho việc học tập của học sinh nặng nề, vất vả. Bộ GD-ĐT đã thấy rõ điều đó nhưng không có biện pháp giảm tải sách giáo khoa một cách dứt khoát và hiệu nghiệm. Một chuyên gia giáo dục nghiên cứu rất kỹ chương trình giảm tải đã khẳng định rằng, các nội dung giảm tải về mặt cơ học có vẻ nhiều nhưng trên thực tế sự giảm tải là do trùng lặp. Điều đó không có nghĩa là kiến thức sẽ bị cắt bỏ hoàn toàn và không xuất hiện trong đề thi.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, việc giảm tải nội dung chương trình học chưa khoa học. Thực chất việc giảm tải chỉ là hình thức theo kiểu giảm ở phần này nhưng lại tăng ở phần khác. Việc giảm tải vội vàng, thiếu sự đồng bộ dẫn đến một thực tế, chương trình quá tải vẫn hoàn quá tải. Được biết, Bộ GD-ĐT đã có kế hoạch thử nghiệm đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội nhận xét, nhu cầu giảm tải là rất cấp bách, song chỉ làm những gì đã chuẩn bị kỹ, tránh nóng vội. Đối với chương trình giảng dạy, sách giáo khoa mà đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất không đạt chuẩn tương xứng thì việc đổi mới chắc chắn lại thất bại.

Bao chục năm nay, áp lực học tập do chương trình quá tải đã làm khổ bao thế hệ học sinh mọi lứa tuổi. Học quá tải tất yếu dẫn đến thi cử quá tải. Nhiều ý kiến nhất trí rằng, muốn giảm tải phải có một “nhạc trưởng”. Phải giảm tải mạnh tay, làm sao cho chương trình giáo dục sáng và thoáng để tạo hứng thú trong dạy và học ở mọi cấp.