Phải chú trọng chất lượng

ANTĐ - Trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 4, những ý kiến phân tích, góp ý của các đại biểu, đặc biệt trong các buổi thảo luận ở tổ đều thống nhất những yếu kém của nền kinh tế như tăng trưởng mạnh, nhưng tín dụng tăng cao và lạm phát cũng cao, quy hoạch bị phá vỡ… được xem là bắt nguồn từ việc thực hiện chính sách vĩ mô thiếu hiệu quả. Chính vì vậy, việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành là giải pháp hàng đầu trên lộ trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Đúng vào lúc Quốc hội đang họp, Hội nghị đổi mới công tác kế hoạch và đầu tư công đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong hơn 10 năm qua, việc đổi mới công tác kế hoạch ở cấp Trung ương và địa phương đã có những chuyển biến. Chúng ta đã chuyển dần việc điều hành kế hoạch từ can thiệp vi mô sang duy trì cân đối vĩ mô, sử dụng những công cụ gián tiếp. Mặc dù công tác kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều ngành, nhiều cấp đã được cải thiện, nhưng quá trình đổi mới công tác này chưa thực sự hiệu quả. Hiện vẫn còn tồn tại tình trạng quy hoạch liên tục bị thay đổi, phá vỡ, chưa đảm bảo sự thống nhất.

Theo ý kiến của giới chuyên gia, để giải quyết triệt để vấn đề này phải đặt lợi ích chung lên trên tư duy nhiệm kỳ. Một Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận xét, công tác kế hoạch đang “có vấn đề”. Các bộ chỉ tiêu trong các bản kế hoạch đặt ra mới chỉ chú trọng số lượng mà quên đi chất lượng. Nói cụ thể hơn, các chỉ tiêu kế hoạch mới chỉ quan tâm tới hình thức, chưa quan tâm tới nội dung, chỉ tập trung chiều rộng, chưa quan tâm chiều sâu. Bằng chứng hiển nhiên đang tồn tại ở hầu hết các địa phương về tình trạng quy hoạch thay đổi xoành xoạch, bị phá vỡ là các dự án đầu tư sân golf, sân bay, cảng nước sâu, khu kinh tế, khu công nghiệp.

Trưởng ban Thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định sự thiếu phối hợp trong hoạch định xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế dẫn đến lãng phí trong đầu tư, thậm chí có những dự án gây tác động tiêu cực lẫn nhau ở hai địa phương liền kề. Kiểu tư duy cắt khúc về quy hoạch “mạnh tỉnh nào tỉnh nấy làm”, đổi mới “vụn vặt” chẳng những không thành công mà còn kéo nhau cùng thụt lùi. Đáng lo ngại hơn, tình trạng này còn diễn ra ngay trong các bộ, ngành. Sự vướng mắc, trở ngại nằm trong khoảng “giao thoa” giữa bộ nọ, ngành kia. Khi một sự việc, một vụ đổ vỡ xảy ra, bộ, ngành này liền đổ lỗi, đẩy “quả bóng” trách nhiệm sang bộ, ngành kia. Đơn cử, trong khi Bộ Công Thương cho rằng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ nặng tới hơn 5.000 tỷ đồng và Quỹ bình ổn xăng dầu đang “âm” hơn 2.300 tỷ đồng, thì Bộ Tài chính lại cho rằng Quỹ không âm nhiều đến như vậy. Hoặc như Ngân hàng Nhà nước có nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá, trong khi Bộ Tài chính lại có Cục Quản lý giá, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Khi Bộ Tài chính tăng giá xăng dầu vô hình trung làm lạm phát tăng, vậy là Bộ này không có trách nhiệm kiềm chế lạm phát sao?

Một số chuyên gia kinh tế khẳng định, việc phối hợp điều hành vĩ mô giữa các bộ, ngành địa phương thiếu nhịp nhàng, chồng chéo là do trách nhiệm giữa các bộ, ngành còn mập mờ. Khi kết quả không đạt, kế hoạch không thành, không quy được trách nhiệm điều hành. Đây chính là khoảng trống trách nhiệm cần phải nhanh chóng lấp cho đầy.