Bảo trì đường bộ:

Ô tô sẽ chịu 3 lần phí?

ANTĐ - Tổng cục đường bộ Việt Nam vừa kiến nghị phương án thu phí quỹ bảo trì, duy tu đường bộ. Tuy nhiên, phương án này đang khiến nhiều người băn khoăn bởi nếu áp dụng, sẽ gây mất cân  bằng cho 1 bộ phận nhỏ người dân.
 

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam (TCĐB - Bộ GTVT) cho biết:

Hàng năm, ngân sách Trung ương phải cấp kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hơn 17.000 đường quốc lộ. Năm cấp cao nhất được 2.300 tỷ đồng, trong khi nhu cầu mỗi năm cần 6.500 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu thực tế. Do thiếu kinh phí để duy tu, bảo trì nên chất lượng đường bộ của chúng ta xuống cấp rất nhanh, gây thiệt hại rất lớn cho các ngành kinh tế. Nếu chúng ta chỉ chú trọng đầu tư, xây dựng mới mà không quan tâm đến bảo trì duy tu thì mức thiệt hại là vô cùng lớn. Các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cũng dè dặt hơn khi đầu tư vào nước ta khi đường bộ chưa có quỹ để bảo trì.

- PV: Phương án cụ thể mà TCĐB kiến nghị là như thế nào?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Thu trên đầu phương tiện ô tô và từ ngân sách Nhà nước. Trong đó, ngân sách Nhà nước có 2 phần: Một là đề xuất Nhà nước trích từ thuế nhập khẩu xăng dầu với mức 1.000 đồng/lít xăng và 330 đồng/lít dầu, chuyển sang quỹ bảo trì đường bộ. Số thiếu còn lại sẽ cấp thẳng từ ngân sách sang.

Mức thu trên đầu phương tiện ô tô sẽ chia theo nhóm phương tiện: xe con, xe tải dưới 2 tấn và xe du lịch dưới 12 ghế là 180.000 đồng/tháng; 2-4 tấn, xe khách   12-30 ghế là 270.000 đồng/tháng; 4-10 tấn, xe khách 31 ghế trở lên, xe container 20 feet 296.000 đồng/tháng… mức cao nhất dành cho xe tải từ 18 tấn trở lên và xe container từ 40 feet là 1,440 triệu đồng/tháng.

Thu phí trên đầu phương tiện, cơ quan thuế sẽ phát hành hóa đơn, các trung tâm đăng kiểm cơ giới địa phương thực hiện thu phí, chủ hoặc lái xe mua theo tháng hoặc quý… , đến kỳ kiểm định sẽ kiểm tra thực hiện.

Mỗi năm cần 6.500 tỷ đồng để duy tu, bảo dưỡng đường bộ

- PV: Như vậy ô tô sẽ chịu 3 lần phí?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc thu qua đầu phương tiện sẽ đảm bảo được sự minh bạch, không thất thoát. Nếu chỉ thực hiện thu phí qua phương tiện thì phải thu cả mô tô, xe máy. Song, hiện nước ta có đến 32 triệu xe máy. Mức thất thoát sẽ rất lớn, và việc thu không dễ thực hiện. Còn nếu chỉ thu trên xăng dầu thì mức phí phải tăng lên, như vậy gây áp lực lớn lên các đối tượng không sử dụng xăng dầu, mất cân bằng. Việc áp dụng 2 hình thức thu phí để cho quỹ bảo trì đường bộ là hợp lý, tương đối công bằng. Thêm vào đó, khoảng năm 2012, Chính phủ sẽ bỏ việc thu phí xăng dầu đang thực hiện. Ngoài ra, nếu thực hiện phương án thu phí bảo trì này, sẽ xóa bỏ hết 19 trạm thu phí do Nhà nước thu hiện nay. Vậy, ô tô sẽ chịu 3 lần phí.

- PV:  Thu trên xăng dầu sẽ gây áp lực cho một số đối tượng khó khăn như ngư dân, nông dân… và làm tăng cước vận tải?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Khó có phương án nào có thể đảm bảo công bằng lợi ích cho tất cả mọi người, tất cả các đối tượng. Nhưng mỗi người tham gia giao thông, đóng góp một chút để hạ tầng giao thông được tốt lên. Tôi đảm bảo, nếu quỹ được thành lập, sau 2-3 năm, chất lượng đường sá sẽ có chuyển biến rõ rệt.

Với giá thành hiện tại, mức chi phí này chỉ chiếm 1,5% giá dầu và xấp xỉ 5% giá xăng. Do đó, cước vận tải cũng không tăng lên đáng kể. Trong khi, nếu đường thông, hè thoáng, xe cộ lưu thông tốt hơn, sẽ giúp giảm chi phí đến 2-3 lần. Người sử dụng xe máy thì 1 năm cũng chỉ mất từ 70.000-200.000 đồng tiền phí. Đường bộ tốt thì các ngành kinh tế khác đều tốt hơn.

- PV: Trước đây, TCĐB đã có phương án chuyển 1.000 đồng/lít xăng và 500 đồng/lít xầu sang quỹ bảo trì đường bộ, nhưng có hoàn lại cho đối tượng không sử dụng đường bộ. Vậy tại sao phương án lần này không áp dụng?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Năm 2004, chúng ta đã áp dụng việc này, song không thể làm được. Bởi, khó khăn trong việc xác định những đối tượng không sử dụng đường bộ, theo đó, không thể thực hiện chi trả. Và vậy, đã phải chuyển sang phương án thu phí qua trạm.