Ổ nhóm tội phạm đòi nợ bằng "trò bẩn" hầu toà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một nhóm tội phạm cắt ghép hình ảnh của những người chưa trả nợ và vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của họ rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội để đòi nợ...

Thủ đoạn "né" cơ quan pháp luật

Ngày 21-7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét sơ thẩm đối với Trần Hồng Tiến (sinh năm 1974), Nguyễn Đức Khoa (sinh năm 1991) và Võ Thị Cẩm Vân (sinh năm 1984) đều ở TP. HCM, cùng 42 đồng phạm về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Phiên tòa sự kiến diễn ra trong nhiều ngày...

Nhóm Trần Hồng Tiến bị cáo buộc mua lại các khoản nợ trị giá hơn 3.555 tỷ đồng từ Công ty Tài chính TNHH MTV Mirae Asset Việt Nam, rồi ép hàng nghìn người phải trả tiền bằng thủ đoạn tàn độc.

Trần Hồng Tiến - đối tượng cầm đầu ổ nhóm tội phạm cưỡng đoạt tài sản

Trần Hồng Tiến - đối tượng cầm đầu ổ nhóm tội phạm cưỡng đoạt tài sản

Cáo trạng thể hiện, Công ty Mirae Asset (ở TP. HCM) hoạt động trong lĩnh vực tài chính, cho vay tiền dưới hình thức tín chấp. Trong đó, người vay phải cung cấp bản sao chứng minh thư, sổ hộ khẩu; số điện thoại của mình và của người thân, bạn bè…

Hàng tháng, khách trả tiền gốc và lãi qua tài khoản của Công ty Mirae Asset hoặc đến nộp tiền trực tiếp tại trụ sở công ty. Các khoản vay khách hàng là cá nhân chậm trả hoặc không thực hiện việc trả tiền gốc và lãi vay gọi là nợ xấu.

Khi gặp nợ xấu, Công ty Mirae Asset ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng khoản phải thu, bán lại các khoản nợ cho các công ty khác đòi tiền.

Năm 2017, Lê Quốc Thống (sinh năm 1978; ở TP. HCM, hiện bỏ trốn) và bị cáo Trần Hồng Tiến cùng nhau thành lập hàng loạt công ty để mua lại các khoản nợ xấu của Mirae Asset, rồi tổ chức thu hồi nợ.

Lý do hai đối tượng này thường xuyên thành lập các công ty mới, có cùng hoạt động như nhau là nhằm che giấu và trốn tránh, không để các cơ quan chức năng phát hiện ra hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật. Các công ty này gồm Công ty cổ phần đầu tư Omnia; Công ty Luật TNHH Kiến Cường; Công ty TNHH Mua Bán Nợ DSP; Công ty Dịch vụ tài chính Thời Đại…

Các công ty trong nhóm trên được đăng ký kinh doanh với nhiều trụ sở khác nhau, nhưng thực tế chỉ làm việc tại một địa chỉ ở đường Lữ Gia (TP. HCM). Chúng đều do Thống và Tiến làm chủ và có tổ chức nhân sự, phương thức hoạt động như nhau.

Tội phạm có tổ chức chặt chẽ

Thống và Tiến chỉ đạo nhóm công ty của mình mua các khoản nợ xấu mà khách đã vay của Công ty Mirae Asset nhưng không có khả năng trả với giá bằng 12 - 15% giá trị của tổng số tiền khách nợ.

Ổ nhóm tội phạm này quy tụ hàng chục đối tượng và nhiều bị cáo là nữ giới

Ổ nhóm tội phạm này quy tụ hàng chục đối tượng và nhiều bị cáo là nữ giới

Cơ quan tố tụng xác định, trong thời gian từ tháng 7-2018 đến tháng 8-2022, ổ nhóm tội phạm do Thống và Tiến cầm đầu đã ký thỏa thuận mua lại 238.160 hợp đồng vay tiền là các khách hàng cá nhân của Công ty Mirae Asset với tổng giá trị hơn 3.555 tỷ đồng. Các bị cáo đã đòi được hơn 571 tỷ đồng trong đó...

Nhóm này hoạt động theo phương thức, sau khi có các thông tin khách hàng và các thông tin khoản nợ từ Mirae Asset, Bộ phận vận hành (Accout) sẽ cập nhật các thông tin khoản vay của khách hàng vào hệ thống riêng của công ty, rồi phân chia vào từng tài khoản của nhân viên Bộ phận thu hồi.

Nhân viên Bộ phận thu hồi nợ sẽ gọi điện thoại yêu cầu khách hàng trả tiền hoặc người thân của họ phải trả tiền - dù không liên quan.

Gặp trường hợp khó đòi, các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại gọi điện cho người thân, đồng nghiệp của khách hàng để gây sức ép. Chúng gọi liên tục trong thời gian dài, nhắn tin chửi bới, đe dọa người thân, đồng nghiệp của khách hàng, mặc dù họ không liên quan gì. Ổ nhóm này còn cắt ghép hình ảnh "con nợ" cùng người thân với mục đích bôi nhọ, tạo áp lực.

Kết quả điều tra xác định, một người đàn ông vay tiền của Mirae Asset chưa trả bị nhóm đòi nợ chửi bới. Vợ của ông này sau đó bị ghép ảnh, đăng tải lên trang “Tình một đêm” và phần bình luận của Facebook cá nhân người trong gia đình…

Trường hợp khác, một phụ nữ tên D do chưa trả tiền nhưng cả gia đình gồm con gái, cháu gái, con rể… bị cắt ghép hình ảnh thể hiện họ loạn luân, lừa đảo, bị ung thư…

Cơ quan tố tụng xác định, thủ đoạn cắt ghép hình ảnh như trên được các bị cáo áp dụng với hàng loạt trường hợp, gồm cả người làm trong cơ quan Nhà nước. Những hình ảnh cắt ghép, bôi nhọ còn bị nhiều nick Facebook, Zalo “ảo” đăng tải, bình luận lên mạng xã hội.

Hàng tháng, nhóm Thống và Tiến sẽ cấp cho mỗi nhân viên thu hồi nợ từ 400 đến 500 hợp đồng vay để đòi nợ và khoán doanh số theo từng thời điểm đưa ra. Nếu hai tháng liên tiếp nhân viên không đạt doanh số, sẽ bị đuổi việc, nên các đối tượng là trưởng nhóm phải luôn đốc thúc nhân viên tích cực làm việc. Ngoài ra, công ty còn có thưởng % theo khoản nợ đòi được nhằm khuyến khích nhân viên.

Để quản lý và đốc thúc nhân viên thu hồi nợ, hàng tháng Thống và Tiến đều tổ chức cuộc họp gồm lãnh đạo công ty và trưởng các bộ phận. Tại cuộc họp, lãnh đạo công ty yêu cầu báo cáo số liệu trong tháng, phổ biến cách thức đòi nợ doanh số.

Trong trường hợp khách đồng ý trả tiền, có thể trả trực tiếp hoặc chuyển khoản. Khi đó, công ty sẽ ký Thông báo kết thúc khoản nợ gửi cho khách hàng; xóa toàn bộ các hình ảnh cắt ghép và dữ liệu liên quan.