Ô nhiễm… tổn thọ

ANTĐ - Bức tranh nào mà chẳng có màu sáng, màu tối, đậm nhạt. Riêng bức tranh “2.790 làng nghề với 1,5 triệu hộ, bao gồm khoảng 11 triệu lao động, kinh doanh 60 ngành nghề thủ công, dường như không tìm thấy gam màu sáng nào về môi trường. Không phủ nhận những sản phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu, cũng như lưu trữ giá trị văn hóa truyền thống, song các đại biểu Quốc hội tỏ ra hết sức bức xúc về việc thực hiện chính sách pháp luật về môi trường trong các làng nghề, đặc biệt là tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Sự bức xúc của các đại biểu không chỉ bắt nguồn từ thực trạng làng nghề ô nhiễm mà chính là từ báo cáo giám sát của Quốc hội. Trong phiên thảo luận kéo dài không kém phần gay gắt, nhiều ý kiến đại biểu “chê” bản báo cáo đưa ra nhận định khá mờ nhạt. Đơn cử, báo cáo cho rằng phải nhìn nhận một cách khách quan, không phải làng nghề nào, nghề nào cũng gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, báo cáo lại khẳng định một thách thức lớn đang đặt ra với không ít làng nghề là vấn đề ô nhiễm môi trường. Một đại biểu phát biểu thẳng, từ năm 2005 đến nay, Luật Môi trường ra đời kèm theo rất nhiều văn bản, quy định nhưng ô nhiễm vẫn rất nặng nề và ngày càng nghiêm trọng hơn. Hàng loạt làng nghề ở Hà Tây (cũ), Bắc Ninh nước thải tù đọng đến mức keo đặc. Theo báo cáo của Chính phủ, các địa phương cũng chưa thể thống kê được số người mắc bệnh, các loại bệnh cũng như chưa có đánh giá thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của hàng nghìn làng nghề trên khắp cả nước.

Theo báo cáo môi trường Quốc gia, cách đây đã 3 năm thì ở các làng nghề có mức độ ô nhiễm “kỷ lục” tuổi thọ của người dân giảm thấp hơn đến 10 năm so với tuổi thọ trung bình trên toàn quốc và thấp hơn 5 đến 10 năm so với các làng không có nghề. Cũng theo báo cáo này, tại các làng nghề sản xuất tái chế kim loại, giấy, da trâu bò, tỷ lệ dân mắc các bệnh liên quan đến hô hấp, thần kinh, điếc, ung thư, ngoài ra chiếm tới 60% dân số.

Thật đáng lo ngại chính những làng nghề ăn lên làm ra, nhà cửa khang trang, tiện nghi không thiếu thứ gì, thậm chí được mệnh danh là làng nhiều triệu phú, tỷ phú, lại là những làng xóm có tỷ lệ người mắc bệnh cao vọt do ô nhiễm môi trường. Sống trên “đống” tiền, “đống” của nhưng bệnh tật đầy người, tuổi thọ ngắn ngủi, hỏi còn ý nghĩa gì? Một con số được Ngân hàng Thế giới công bố, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và cấp báo đối với Việt Nam: “Tổn thất môi trường lên đến 5,5% GDP”. Trong khi đó, một đại biểu Quốc hội nhận xét, trong báo cáo của Chính phủ và Quốc hội đều chưa chỉ ra cụ thể làng nghề nào, tổ chức nào, doanh nghiệp, công ty nào vi phạm môi trường trầm trọng để xử lý theo Luật Môi trường.

Đánh giá vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực bảo vệ môi trường làng nghề cử tri cho rằng, việc giám sát của Quốc hội cần tiến hành rộng hơn và quyết liệt hơn nữa. Bởi hiện nay làng nghề đã “tràn” vào tận xã ẩn sau vẻ làm ăn tấp nập là mối đe dọa rất lớn tới môi trường. Hệ thống văn bản pháp luật không thiếu, có khi còn… dư thừa, mà chỉ thiếu trách nhiệm quản lý. Ý kiến của nhiều đại biểu nhấn mạnh, cứ tiếp tục cung cách quản lý như hiện nay, có đổ ra bao nhiêu tiền của để bảo vệ môi trường cũng chẳng đi đến kết quả gì.

Phải chăng, thực trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay đến mức báo động là do nhận thức về cái giá phải trả chưa thấm sâu trong các cấp chính quyền? Họ cũng chưa “thấm thía” hiểm họa ô nhiễm môi trường. Đầu tư hàng tỷ đồng vào làng nghề để cho sông chết, cá chết, cây cối chết, con người thì mang bệnh, tổn thọ, hỏi có ích lợi gì?