Nút thắt vốn khó cởi

ANTĐ - Trong khi các ngân hàng dư thừa vốn loay hoay tìm đầu ra thì không ít doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận. Dường như vẫn chưa có lời giải thỏa đáng cho bài toán này. 

Phải vay vốn lãi suất cao khiến sản phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh về giá

(Ảnh minh họa)

Ngân hàng sợ nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng đến ngày 19-2 là âm 0,16% so với cuối năm 2012. Con số này khiến các ngân hàng không khỏi lo lắng bởi với mục tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống là 12% thì bước khởi đầu này được xem là không mấy thuận lợi. Đánh giá từ phía NHNN cho rằng, mục tiêu này có đạt được hay không phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế và “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, mức tăng trưởng tín dụng năm 2013 là bao nhiêu vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời. Về phía ngân hàng, mong muốn đẩy mạnh cho vay để tìm kiếm lợi nhuận là điều tất yếu, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi những khó khăn về thị trường do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm mạnh. Những doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn thì lại không đáp ứng được các điều kiện từ phía ngân hàng. 

Trước tình hình đó, một số ngân hàng thương mại đã đưa ra các gói hỗ trợ về lãi suất dành cho các doanh nghiệp. Đại diện Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết, từ nay đến hết ngày 30-6-2013, ngân hàng này sẽ triển khai chương trình “Tài trợ nhập khẩu lãi suất ưu đãi” dành cho các doanh nghiệp nhập khẩu (bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân) có nhu cầu vay bổ sung vốn lưu động phục vụ cho việc nhập khẩu hàng hóa. Quy mô chương trình lên đến 2.000 tỷ đồng với mức lãi suất vay VND ưu đãi giảm 30% so với mức lãi suất vay VND thông thường. 

Tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cho biết: “Mục tiêu tăng trưởng huy động vốn của ngân hàng năm nay là 20 - 30%, dư nợ tín dụng tăng   15 - 20%. Vì thế, ngay những tháng đầu năm, ACB đã có các chính sách cho vay lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong năm nay không dễ”.

Không chỉ ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp sản xuất, các ngân hàng còn đẩy mạnh cho vay trong các lĩnh vực như cho vay mua nhà, mua xe… nhưng đầu ra vẫn không mấy khả quan. Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cho biết, cuối năm 2012, ngân hàng triển khai chương trình cho vay mua nhà để ở với gói tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ 12%/năm và cố định trong 2 năm, nhưng từ đó đến nay mới giải ngân được vài trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo phân tích của giám đốc một ngân hàng thương mại cỡ nhỏ cho thấy, một phần việc khó đẩy mạnh cho vay là do tình hình nợ xấu vẫn có nguy cơ gia tăng, nếu ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay thì mức trích lập dự phòng rủi ro cũng theo đó mà tăng lên. 

Lãi suất vẫn cao so với khả năng sinh lời

TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ khẳng định: “Hiện nay doanh nghiệp đang vay ở nhiều mức lãi suất khác nhau, số ít được vay với lãi suất 11-13%, thậm chí có doanh nghiệp vẫn phải chịu mức lãi suất lên tới   15-16%. Có thể nói đây là mức thấp hơn so với mọi năm, nhưng vẫn cao nếu so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp”.

Ông Nguyễn Mạnh Chiến – Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hòa An (Hà Nội) cho biết: “Công ty chủ yếu sản xuất các mặt hàng gốm sứ xuất khẩu sang các nước châu Âu, nhưng do nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này giảm mạnh và sự cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp nước ngoài nên gặp phải không ít khó khăn. Để có thể tiếp tục duy trì hoạt động thì doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp. Tuy nhiên, qua tiếp xúc và tư vấn vay vốn tại một số ngân hàng thì mức lãi suất mà họ đưa ra vẫn trên 14%/năm. Nếu vay ở mức lãi suất đó thì dường như không thể cạnh tranh về giá so với các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, về điều kiện vay vốn cũng không mấy dễ dàng”. 

Một số doanh nghiệp cho rằng, mặc dù mức lãi suất cho vay đã được NHNN điều chỉnh giảm, tuy nhiên mức lãi suất đó hiện vẫn còn cao nên không kích thích được việc đầu tư sản xuất mới. Trong khi đầu ra của sản phẩm còn chưa mở ra thì lãi suất cao sẽ khiến doanh nghiệp “thủ thế”. Để giải quyết vấn đề này thì tự thân các doanh nghiệp phải đẩy mạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm nhưng về phía ngân hàng cũng cần tìm giải pháp giúp đỡ doanh nghiệp như cùng lập phương án sản xuất, kinh doanh, tư vấn tài chính. Đồng thời chấp nhận chia sẻ lợi ích như giảm lãi suất, tăng khuyến mãi, giảm thủ tục... để góp phần cùng doanh nghiệp kích thích tín dụng hồi phục và tăng trưởng.

Còn theo các chuyên gia, nút thắt của nền kinh tế (tồn kho, nợ xấu, bất động sản) chỉ có thể được tháo gỡ khi lãi suất được điều chỉnh giảm. Việc giảm lãi suất cần được thực hiện ngay với cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Lãi suất huy động trước mắt có thể giảm thêm 1%/năm và tiếp tục xem xét để giảm dần vào những tháng cuối năm, dựa trên diễn biến của thị trường và tình hình lạm phát.