Nứt mắt muốn làm người lớn

ANTĐ - Một buổi sáng chủ nhật, cậu cháu trai đang học lớp 3 bỗng gọi điện thoại cho tôi với giọng đầy tâm sự.
Nứt mắt muốn làm người lớn ảnh 1
“Con rất thích bạn Mai Phương nhưng không hiểu sao dạo này bạn ấy “lạnh nhạt” với con. Tối qua con gọi điện đến nhà bạn ấy nhưng bố mẹ bạn ấy nói không có nhà. Không hiểu do Mai Phương tránh mặt con hay bạn ấy đã có tình cảm với người khác?...”. Nghe đến đây, tôi thoáng giật mình vì dường như cậu bé đang mắc “chứng” yêu sớm…Buồn vì “tình yêu” không được đáp lại Dường như những “cụ non” phát triển tâm lý sớm như cháu trai tôi ngày càng phổ biến. Tuy trẻ con nhưng những ý nghĩ, hành động của các em lại rất người lớn. Các em đang ở giai đoạn tiền dậy thì, do vậy hiện tượng “già trước tuổi” có thể khiến các em phát triển lệch lạc về nhân cách, nếu không được người lớn uốn nắn kịp thời. Chị Hoàng Trà My, ở phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy lo lắng: “Tôi có con gái năm nay 6 tuổi. Sau khi nhà trường thông báo nghỉ hè, cháu nằng nặc xin bố mẹ cho đi học lớp năng khiếu ở Cung văn hoá Thiếu nhi. Sau vài lần đưa đón, tôi phát hiện ra cháu thường nói chuyện với một cậu bạn bằng tuổi. Hỏi ra, tôi mới biết, cậu bạn này học cùng trường mầm non với cháu, do bố mẹ cậu bé đăng ký học vẽ ở Cung Thiếu nhi nên con gái tôi cũng muốn đăng ký học chung, vì như vậy cháu có thể gặp cậu bé được thường xuyên”. Tương tự trường hợp con của chị Trà My, anh Nguyễn Văn Phú đã phát hoảng khi tìm thấy trong cặp cậu con trai đang học lớp 2 bức thư tỏ tình với cô bạn cùng lớp. Trong thư, cậu bé đã viết lên cảm xúc của mình khi không được cô bé cùng lớp đáp trả: “Hoàng Anh thân mến. Lúc nào mình cũng nghĩ đến bạn. Mình rất buồn nếu không nhìn thấy bạn ở lớp. Hình như bạn không quan tâm đến mình. Thứ hai vừa rồi mình nhìn thấy bạn nói chuyện với một cậu bạn lớp B. Mình chỉ muốn hét vào mặt 2 người. Mình yêu bạn rất nhiều, nhưng nếu bạn không yêu mình, mình sẽ chia rẽ hai người…”. Anh Phú thở dài: “Quả thực, khi đọc được bức thư đó tôi không biết phải xử trí như thế nào. Tôi đã nói chuyện và hỏi cháu: “Tại sao con lại viết bức thư như vậy khi chưa đủ tuổi hiểu thế nào là tình yêu?”. Cháu đã trả lời tôi rất đĩnh đạc: “Tình yêu là phải biết đấu tranh đến cùng ngay cả người ấy không yêu mình!”. Nghe cậu con quý tử của mình nói vậy, tôi rụng rời cả chân tay…”. Có lẽ, rất nhiều những bậc phụ huynh có cùng tâm sự như vậy. Họ thực sự hoang mang khi con cái phát triển quá sớm về tâm, sinh lý trong khi khoảng cách với bố mẹ chưa được lấp đầy.Không nên có phản ứng tiêu cực với trẻ Theo Tiến sỹ, bác sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng, những đứa trẻ “già trước tuổi” ngày càng trở lên phổ biến nhưng không phải là dấu hiệu bệnh lý. Đó là việc trẻ có những cử chỉ, lời nói, việc làm giống người lớn xuất hiện ở tuổi nhi đồng một cách hồn nhiên theo bản năng. Đây là sự phát triển tính cách một cách bình thường. Bên cạnh đó, sự phát triển giới tính ở trẻ vốn được thể hiện từ rất sớm (3-4 tuổi) nhưng lúc đó trẻ chưa biết cách thể hiện ra ngoài. Nếu trẻ thường xuyên tiếp xúc với sách báo, tranh ảnh, băng hình về những chuyện của người lớn, được nghe cha mẹ nói những chuyện không phải dành riêng cho trẻ con, trẻ sẽ có xu hướng bắt chước làm theo dù không hiểu bản chất của những câu chuyện đó. Trẻ sẽ có những hành vi nhớ nhung một bạn khác giới cùng lớp, tương tư, tập tành viết thư tình, bỏ ăn… bắt chước theo người lớn. Trẻ có biểu hiện “già trước tuổi” có chiều hướng phát triển theo hai hướng: Nếu những hành vi “già trước tuổi” của trẻ là nhận thức tốt và đem lại nhiều niềm vui cho người thân và lợi ích xã hội (như việc nhắc nhở cha mẹ nên giữ đúng lời hứa và về đúng giờ..) thì phụ huynh nên khuyến khích, ủng hộ trẻ. Còn những khuynh hướng tâm lý lệch lạc (như nhớ thương bạn khác giới, viết thư tình sớm, quá để ý đến dáng vẻ bề ngoài…) mà cha mẹ vô tình ủng hộ hoặc khen ngợi sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển nhân cách của trẻ. Cũng theo bác sỹ Tuấn, đối với những đứa trẻ ở giai đoạn chuẩn bị dậy thì, hiện tượng “già trước tuổi” lại được thể hiện ở một cấp độ khác. Ở giai đoạn này, trẻ hay tò mò, chú ý, muốn khám phá thế giới xung quanh và bắt đầu có khả năng hiện thực hóa những điều mình nghĩ. Khi phát hiện thấy những biểu hiện này, các bậc cha mẹ nên khéo léo uốn nắn trẻ một cách nhẹ nhàng, hãy để trẻ phát triển thật tự nhiên, không nên lo lắng quá mức hay có những lời nói, hành động tiêu cực với trẻ như: quát mắng, tra hỏi, thậm chí là đánh đập, ngăn cấm hay tìm cách chuyển trường, bởi những tác động quá thô bạo vào tiến trình phát triển của trẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý trẻ, nảy sinh những phản ứng trái chiều. Bên cạnh đó, cha mẹ nên tạo cho trẻ một không gian tâm lý thật thoải mái trong gia đình, khiến trẻ có tâm lý hứng thú, vui vẻ khi trở về nhà và luôn sẵn sàng, thoải mái bộc lộ những suy nghĩ về tâm tư tình cảm của bản thân đối với người thân, từ đó có định hướng cho con em mình một cách kịp thời và phù hợp. Đồng thời, nên tạo điều kiện cho con trẻ hình thành những thói quen, tính cách mới mang tính tích cực, hướng trẻ đến những hoạt động cộng đồng lành mạnh, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc…