- Khu đô thị mới tăng gia trồng rau, nuôi gà
- Dự án nuôi gà an toàn sinh học
- Nuôi gà đón Tết: Nơi hồ hởi, chốn đìu hiu
Gà Đông Tảo (hay còn gọi là gà Đông Cảo) là giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Chưa có giải thích tuyệt đối nào cho tên gọi của giống gà này nhưng có lẽ chúng được gọi theo tên vùng quê của thủy tổ loài gà này, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tương truyền, giống gà quý này vốn được sử dụng để cúng tế lễ làng, đình đám và đặc biệt nó còn là một sản vật tiến vua.
Một trong những chú gà đẹp mã nhất của Giang Tuấn Trưởng
Cử nhân nuôi gà
Gà Đông Tảo có hình dáng rất đặc biệt. Trọng lượng con gà trống trưởng thành có thể lên đến 5-6kg, da đỏ au. Đặc biệt nhất là đôi chân to xù xì với nhiều vảy xếp lớp (có hai loại là vảy rồng và vảy thịt). Thịt gà đỏ thâm như thịt trâu, ăn rất giòn, ngọt nên ngày nay cũng được coi là đặc sản với giá bán tại các nhà hàng lên đến hàng triệu đồng mỗi kg. Những con gà giá tầm 10-15 triệu đồng rất phổ biến ở Đông Tảo. Riêng những con đẹp xuất sắc, giá có thể lên tới 50-60 triệu đồng nhưng không phải hộ nào cũng nuôi được.
Chính vì giá trị kinh tế cao như vậy nên hầu như gia đình nào ở Đông Tảo cũng ít nhiều nuôi loại gà này. Nhà ít thì dăm bảy con, nhà nhiều lên đến cả nghìn con. Cả xã có khoảng 2.800 hộ thì đến 2.000 hộ nuôi loại gà quý này và nghề nuôi gà đã làm giàu cho rất nhiều hộ dân ở Đông Tảo.
Gia đình anh Giang Tuấn Trưởng (28 tuổi) là một ví dụ, mỗi năm, anh thu khoảng 200-300 triệu đồng từ nghề nuôi gà. Anh kể, tốt nghiệp một trường chuyên ngành xây dựng, ra trường đi làm 5 năm cũng chỉ đủ trả nợ vay mượn hồi đi học. Những năm thị trường bất động sản “đóng băng”, các hoạt động xây dựng ngưng trệ, anh bỏ việc về quê. Mới đầu, anh lên mạng rao bán gà, khách mua bao nhiêu thì sang hàng xóm bắt để bán, tiền gốc thì trả hàng xóm, lãi giữ lại. Cứ thế, tích cóp xây được 1 gian chuồng, mua vài con gà về nuôi. Dần dà, qua hơn 4 năm, đàn gà của Trưởng có lúc lên đến hàng nghìn con.
Nghề lắm công phu
Để nuôi được những con gà bạc triệu này, người nuôi cũng phải bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức. Theo anh Giang Lê Hân, một người có kinh nghiệm 10 năm nuôi gà ở xã Đông Tảo thì khó khăn bắt đầu ngay từ khâu nhân giống. Đầu tiên phải chọn được bố và gà mẹ thuần chủng để có những con gà con chất lượng nhất.
Gà trống Đông Tảo thuần chủng đạp cồ vô cùng khổ sở do đôi chân quá to, trọng lượng cơ thể lại quá nặng nề, tỉ lệ đậu cũng rất ít. Một con gà mái thuần chủng đẻ chậm và ít, thường chỉ đẻ 7-10 quả mỗi lứa. Không những vậy, gà mái Đông Tảo vụng ấp trứng nên tỉ lệ nở chỉ được khoảng 30-50%, do đó người nuôi thường phải nhờ gà ri hoặc dùng máy ấp trứng.
Gà con khi nở thường rất dễ bị bệnh nên việc chăm sóc phải vô cùng cẩn thận, có người ví von việc nuôi gà Đông Tảo giống như chăm… vua. Quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc chính là phải tuân thủ lịch trình tiêm vaccine. Đặc biệt, những lúc thời tiết trở lạnh, mưa phùn gió bấc gà rất dễ mắc bệnh. Ngoài che chắn cẩn thận, cho ăn uống hợp vệ sinh, chủ nhân của những chú gà còn áp dụng các bài thuốc dân gian. Nếu gà nhiễm bệnh phải uống kháng sinh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển khung gọng và màu sắc lông.
Thức ăn cho gà Đông Tảo cũng không giống các giống gà thông thường. Đối với gà dưới 3 tháng tuổi thì có thể vẫn cho ăn cám công nghiệp nhưng phải theo chế độ nghiêm ngặt, vì để gà béo quá thì lớn lên dáng sẽ bị “phá”. Từ 3 tháng trở lên, gà được cho ăn thóc ngâm nảy mầm non, sâu, ếch nhái và đôi khi phải bổ sung cả thịt lợn, thịt bò.
Nuôi những chú gà Đông Tảo thường đã khó, để chăm sóc được những chú gà đẹp mã còn công phu hơn. Chính vì vậy, mỗi chú gà đẹp mã được coi là một tài sản quý đối với người nuôi gà Đông Tảo. Có người bán được con gà hàng chục triệu đồng nhưng cũng có những người giữ nó như vật báu ở trong nhà. Ví như trường hợp ông Lê Xuân Vết (82 tuổi), ông có những con gà khách trả 40-50 triệu nhưng không dám bán vì chưa gây được con gà thuần chủng như vậy. Đến khi con gà quý già quá, không thể đi lại được, ông Vết đã cẩn thận mổ gà nhưng không ăn thịt mà để... ngâm rượu ngắm.
Hiện anh Giang Tuấn Trưởng cũng được nhiều người biết đến với việc sở hữu đôi chân gà “khủng” nhất. Năm ngoái, chú gà Đông Tảo mà Trưởng nuôi được gần 4 năm đến lúc già yếu, Trưởng quyết định giết thịt. Con gà nặng 6,5 kg, nhưng riêng cặp chân này khi cân thử, nặng đúng 1kg mỗi chiếc, Trưởng đem ngâm rượu để lưu giữ “chiến tích” của mình.
Cuộc thi sắc đẹp của... gà
3 năm trở lại đây, năm nào ở Đông Tảo cũng tổ chức hội thi bình tuyển gà Đông Tảo. Tiêu chí dự thi là gà phải trưởng thành trên 8 tháng, còn khả năng sinh sản. Trọng lượng phải đạt trên 4 kg đối với gà trống và trên 3kg đối với gà mái. Về hình thức, “thí sinh” phải hội tụ đủ những nét đẹp của con gà Đông Tảo thuần chủng là: dáng to, oai vệ; mỏ ngắn, đầu to, mào cân không đổ, 2 tích ở dưới phải đều, cân nhau; 2 dái tai dài, rộng màu đỏ tươi cân đối chảy xệ xuống dưới mỏ; cổ dài, có yếm dưới ức; lông đen mã lĩnh hoặc mã mận, không được điểm cánh trắng. Vai phải vuông, khoảng cách giữa 2 cánh càng rộng càng tốt. Chân vảy thịt đỏ, tròn đều và phải thẳng, không chạm nhau, bàn chân tù dày, ngón to, ngắn...
Giải thưởng chỉ dăm bảy trăm nghìn cho chú gà đoạt giải Nhất nhưng không chỉ người dân Đông Tảo mà rất nhiều người nuôi gà các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng cất công mang gà đến đây dự thi. Ngoài để giao lưu thì với họ, con gà đoạt giải còn mang lại niềm hãnh diện cho chủ nhân.
Theo những người nuôi gà thì để có được những con gà xuất sắc đi thi, người nuôi gà phải chuẩn bị cả năm trước, đầu tiên là phải tuyển được con gà đẹp từ lúc còn nhỏ. Bởi thông thường, một lứa gà mới nở hàng trăm con may lắm cũng chỉ chọn được một vài con đẹp hoàn hảo.
Ông Nguyễn Trọng Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Tảo cho biết, việc bình tuyển gà Đông Tảo đã trở thành một nét đẹp văn hóa của địa phương và sẽ được duy trì định kỳ hàng năm để bà con chăn nuôi giới thiệu sản phẩm cho các du khách thập phương được chiêm ngưỡng giống gà quý hiếm này. Sau đợt bình tuyển, những hộ chăn nuôi giống gà Đông Tảo đạt chuẩn sẽ lưu giữ nguồn gen thuần chủng để bảo tồn và nhân rộng nguồn gene quý.