Nước nhiễm asen - không thể xem thường

ANTĐ - Kết quả nghiên cứu của Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường vừa được công bố cuối tháng 6-2011 cho thấy, 3/4 số hộ dân được điều tra ở 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng có nguồn nước giếng khoan nhiễm asen cao hơn nhiều so với mức cho phép.
 

Khoảng 20% dân số (17-18 triệu người) ở nông thôn sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt 

Hà Nam là địa phương có nguồn nước bị nhiễm asen nghiêm trọng nhất với 62% xét nghiệm nước giếng khoan ở địa phương này có nồng độ asen trên 0,05mg/lít. Trong khi, theo tiêu chuẩn chất lượng nước sinh hoạt của Việt Nam hiện nay, mức asen đối với nước ăn uống là 0,01mg/lít. Nước bị nhiễm asen vô cơ, đe dọa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng, nhất là đối tượng phụ nữ có thai.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, hiện vẫn còn khoảng 20% dân số (17-18 triệu người) ở khu vực nông thôn sử dụng nước giếng khoan trong sinh hoạt, song đa số người dân không hề hay biết những tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe khi tích tụ chất độc asen trong cơ thể.  Sau lọc, hàm lượng asen vượt mức cho phép (>10 mcrg/l) được dùng cho ăn uống vẫn chiếm đến 2/3 số hộ được nghiên cứu. Đặc biệt, có đến 14,7% số hộ dân sử dụng nước uống có hàm lượng asen cao hơn mức 50 mcrg/l, gặp nhiều nhất ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Nam Định. GS.TS Nguyễn Khắc Hải, nguyên Viện trưởng Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường cho biết, với nguồn nước nhiễm asen ở mức >250 mcrg/l thì người dùng chỉ sau 6 tháng là phát bệnh.

Qua kiểm tra tình hình sức khỏe của 3.700 người dân sử dụng nguồn nước ngầm có ô nhiễm asen trên 0,05 mg/l để ăn uống và sinh hoạt tại 8 tỉnh đồng bằng sông Hồng cho thấy, một số biểu hiện bệnh lý liên quan đến asen như bị suy nhược thần kinh chiếm 64,7%; bệnh lý về thai sản chiếm 32,7%; rụng tóc (25,6%), rối loạn cảm giác (19%), 4% xuất hiện khối u tại những gia đình có sử dụng nước uống nhiễm độc asen từ 3 năm trở lên... Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị các bệnh do asen gây ra nên các giải pháp khắc phục chủ yếu vẫn dựa trên các biện pháp dự phòng.

Điểm đáng lưu ý là dù Hà Nam có nguồn nước bị ô nhiễm khá nặng nhưng do thực hiện tốt việc lọc nước nên tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn mức trung bình. Trong khi đó, Hà Nội có hàm lượng asen trong nước ngầm thấp hơn nhưng do chưa chú ý đến việc lọc nước nên tỷ lệ nhiễm bệnh do asen lại nặng nề nhất. Để giúp người dân giải quyết được lo lắng này, Bộ Y tế đã xuất bản tài liệu hướng dẫn xây dựng bể lọc lý tưởng nhằm loại bỏ asen với bề dày tối thiểu của lớp cát là 80cm kết hợp với bộ lọc chuyên biệt, giá khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Khắc Hải, biện pháp lâu dài vẫn phải xây dựng những trạm cấp nước tập trung theo khu vực với sự kiểm soát của y tế dự phòng.