Nước mắt hoa ly

ANTĐ - Thời tiết Hà Nội xưa nay vốn đỏng đảnh, khiến cho những người nông dân với thói quen trông vào tiết trời mà sống thi thoảng lao đao. Năm nay, thời tiết chẳng đỏng đảnh, ngúng nguẩy nữa mà… độc, giữa đông mà chang chang nắng, lại còn cả mưa rào, hệt như mùa hè. Đã từng có nhiều năm, người Hà Nội khóc cùng nông dân trồng đào, nhưng năm nay, nỗi buồn đó mang tên hoa ly.

Nước mắt hoa ly ảnh 1

Nông dân Tây Tựu cắt hoa ly bán sớm với giá rẻ - Ảnh: PHÚ KHÁNH

Chuyện thắng - thua của người trồng hoa ở Hà Nội nói không ngoa thì chẳng khác nào… đánh bạc. Cứ vào đầu tháng Chạp, nhìn trời, nhìn cây thì đã chắc được đến 90% năm nay nhà mình Tết vui hay buồn. Có năm đào nở sớm, chưa đến rằm mà hoa nở đỏ vườn, có năm đào nở muộn, 29 Tết rồi mà cành lá vẫn khẳng khiu, nông dân chua xót bảo nhau hay là cắt  mà làm chổi quét mạng nhện. Mà không chỉ hoa đào, người trồng hoa khác nhiều phen cũng sống dở chết dở. Thế mới thấy, sau bao nhiêu năm hiện đại hóa, cơ giới hóa nền nông nghiệp thì người nông dân vẫn cứ phải “trông trời, trông đất, trông mây và trông… nhiều bề”.

Hai hôm nay, trên mạng xã hội facebook, rất nhiều người đã cùng nhau chia sẻ câu chuyện về hoa ly thì cười mà người Tây Tựu thì khóc. Cả năm dồn tiền, dồn công sức cho vụ hoa Tết, còn 20 ngày nữa mới “đến hẹn” thì hoa đã nở đỏ cả cánh đồng. Người trồng hoa lao đao vì “của đau con xót”. Hoa cắt từ ruộng về, bán rẻ như cho, 8.000-10.000 đồng/ cành trong khi ngày thường, hoa ly loại 1 chẳng bao giờ có giá dưới 20.000- 35.000 nghìn đồng/cành. Nhiều gia đình ở Tây Tựu gạt nước mắt cắt hoa bỏ đi, vì không có người mua.

Trong khi các cơ quan chức năng của ngành nông nghiệp chưa ai lên tiếng, các quỹ hỗ trợ nông dân cũng chưa có phản ứng tích cực nào thì mạng xã hội đã một lần nữa sôi sục. Công cuộc “giải cứu” hoa ly trên cánh đồng Tây Tựu đã bắt đầu được nhiều người dùng facebook lên tiếng kêu gọi bằng hình thức thiết thực nhất - mua hoa ly. Cũng từ ý tưởng này, nhiều điểm bán hoa ly, hỗ trợ người dân Tây Tựu được hình thành theo hình thức “nhanh, gọn, dã chiến, hiệu quả”. Cũng giống như những đợt “giải cứu” từng được phát động qua mạng xã hội gần đây như dưa hấu Quảng Nam hay hành, tỏi Lý Sơn… hành động chung tay giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm và đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng đã bắt đầu phát huy hiệu quả.  

Nước mắt hoa ly ảnh 2

Những bông hoa phải bọc lại để tránh nở sớm

Hôm qua, trên facebook, Phạm Thắm, người nông dân Lý Sơn đơn độc đưa tỏi và hành ra Hà Nội bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng, tránh cho người dân đảo khỏi bị tư thương ép giá đã chào những người bạn Hà Nội, những người chỉ quen qua facebook đã giúp anh hoàn thành “nhiệm vụ bất khả thi” để về quê ăn Tết. Hẳn với Phạm Thắm và những người nông dân trồng hành, tỏi ngoài đảo gió Lý Sơn, Tết này đầm ấm vì tình đồng bào, vì nghĩa sẻ chia.

 Vậy còn những người nông dân Tây Tựu - làng hoa mới của Hà Nội đang lao đao vì hoa ly? Vài nghìn cành hoa vừa được báo chí đưa là đã tiêu thụ hết chẳng thấm tháp gì so với cả cánh đồng hoa bạt ngàn. Ba tuần nữa mới đến Tết, hoa thì nở từng giờ. Trong khi chờ để người nông dân có được sự hỗ trợ an toàn, hiệu quả, chủ động từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước thì trước mắt, những cuộc “giải cứu” như vậy vẫn phải phụ thuộc vào cộng đồng mạng, sự chung tay hỗ trợ của mỗi người Hà Nội.