“Nữ thợ săn” sừng tê giác

ANTĐ - “Buôn lậu sừng tê giác là tội phạm có tổ chức tinh vi nhất mà tôi từng thấy trong thời gian công tác tại CITES”, ông John Sellar, Giám đốc Thực thi Công ước quốc tế về buôn bán các động vật nguy cấp (CITES) có trụ sở tại Geneva nói. Thay vì súng bắn phi tiêu và trực thăng, những kẻ buôn lậu người Đông Nam Á giờ sử dụng gái làng chơi người Thái làm “vũ khí” trong đường dây săn sừng tê giác ở Nam Phi.

Chumlong Lemthongthai - trùm buôn lậu sừng tê giác người Thái Lan

Kẽ hở của luật pháp

Theo Cục thuế Nam Phi (SARS), ông trùm buôn lậu lớn nhất cho đến nay được phát hiện là Chumlong Lemthongthai, 43 tuổi, quốc tịch Thái Lan, bị bắt vào giữa tháng 7-2011 tại một ngôi nhà thuê ở Edenvale, Johannesburg. Phiên tòa xét xử tay trùm này dự kiến sẽ mở vào ngày 8-11 nhưng những cáo buộc đến nay, bao gồm các hành vi vi phạm Luật Hải quan và Thuế Nam Phi có nhiều điều đáng nói. Với 32 phi vụ, Chumlong Lemthongthai đã tuyển dụng gái mại dâm và gái bar ở Thái Lan sang Nam Phi dưới hình thức thợ săn lấy sừng tê giác một cách hợp pháp rồi đưa chiến lợi phẩm về nước. Theo luật về động vật hoang dã Nam Phi và điều khoản cấp giấy phép của CITES, mỗi thợ săn được phép săn một con tê giác mỗi năm dưới sự giám sát của cán bộ khu bảo tồn sau khi nộp hộ chiếu và lấy dấu vân tay của cảnh sát.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Carte Blanche của Nam Phi, một “nữ thợ săn” người Thái tự xưng là Lee nói cô được hứa sẽ có một kỳ nghỉ ở Nam Phi mà không biết sẽ có cuộc đi săn. Cô này nói chỉ là ngồi xuống, đợi, ăn uống, sau đó chụp ảnh với những con tê giác. Số tiền được nhận là 5.000 rand (khoảng 18.800 baht) từ người đàn ông Thái có tên Chumlong. Chương trình cho thấy cô gái đứng cười bên cạnh con tê giác đã chết, nhưng Lee khẳng định hầu hết chúng đã bị bắn chết từ trước.

Các bên đối tác là ai?

Trong tài liệu nộp lên tòa án Kempton Park đề ngày 30-8, Chumlong nói rằng ông ta chỉ đơn giản sắp xếp các cuộc đi săn cho khách hàng mà Công ty thương mại Xaysavang có trụ sở tại Lào giới thiệu. Chumlong, người Pathum Thani, nói ông ta được thuê làm quản lý cho công ty với mức lương 25.000 rand/tháng. Với việc săn sừng tê giác, Chumlong thanh minh cho đối tác cung cấp thiết bị (đi săn) đã xin giấy phép của cơ quan bảo tồn thiên nhiên Nam Phi cấp cho các thợ săn. Mọi thủ tục cần thiết như thuế, hải quan… đều do các đối tác khác thực hiện, Chumlong khẳng định ông ta không dính líu.

Adrian Lackay, người phát ngôn của SARS cho hay, mặc dù quy định cho phép “săn chiến lợi phẩm”, trường hợp của Chumlong có dấu hiệu thương mại rõ ràng. Tài liệu công tố viên đưa ra trước tòa có đưa ra một đơn đặt hàng từ Công ty thương mại Xaysavang với đối tác Nam Phi Marnus Steyl đề ngày 23-4. Tại đó, Giám đốc Chumlong ký nhận đơn đặt hàng yêu cầu 50 bộ sừng tê giác trắng (65.000 rand/kg), 300 bộ xương sư tử (cỡ 1000 rand/1kg), có giấy phép nhập khẩu về Thái Lan và Lào. Thời hạn đặt hàng từ ngày 15-5 đến 20-8, trong đó chỉ rõ sẽ phải bắn 15 con tê giác mỗi tháng.

Về đối tác Nam Phi, điều tra viên Paul O’Sullivan là người theo dõi vụ Chumlong cùng 2 thành viên trong tổ hợp buôn lậu này cũng là người Thái bị bắt hồi tháng 6 cho biết, Marnus Steyl là người thiết lập các vụ săn tê giác ở tỉnh Tây Bắc nơi cho phép săn bắn. Mỗi khi dồn được 5-6 động vật quý hiếm, bên đối tác liên lạc với người đặt hàng. Tập đoàn này sẽ tuyển dụng những cô gái Thái Lan hành nghề mại dâm và các vũ nữ thoát y sang Nam Phi để nhanh chóng có giấy phép săn bắn.

“Khi các cô gái đến trang trại, cái gọi là cuộc đi săn diễn ra, do Marnus Steyl và thợ săn chuyên nghiệp Harry Claassens giám sát”, ông O’Sullivan cáo buộc. “Rõ ràng là tê giác không phải do các phụ nữ này bắn mà do thợ săn chuyên nghiệp. Bởi hầu hết phụ nữ thậm chí không vác nổi khẩu súng vì súng còn to hơn cả người họ”. Các miếng sừng tê giác sau đó được gắn trên những mảng gỗ giá rẻ gửi đến nhà của các vũ nữ thoát y. “Nếu chúng ta đến Bangkok, tôi nghĩ lục tất cả các nhà trong khu phố nghèo cũng không tìm thấy những chiến lợi phẩm này”, ông O’Sullivan khẳng định. Tại phiên thẩm vấn ông Chumlong ngày 15-9, các công tố viên cho biết có thể có thêm một số nghi phạm bị bắt và các cáo buộc mới.

Tại vườn quốc gia Kragga Kamma ở Elizabeth, Nam Phi, tê giác được cưa sừng trước để ngăn chặn

 bị bắn chết và lấy trộm sừng


Cuộc chiến gian nan

“Buôn lậu sừng tê giác là tội phạm có tổ chức tinh vi nhất mà tôi từng thấy trong thời gian công tác tại CITES”, John Sellar - người từng làm sỹ quan cảnh sát Scotland 24 năm và 14 năm thâm niên tại CITES nói. “Nó liên quan đến các quan chức tham nhũng, quyền miễn trừ ngoại giao, bạo lực và mối đe dọa đối với cơ quan thực thi pháp luật”.

Cuộc chiến này theo ông John Sellar còn gặp khó khăn do thiếu dữ liệu tập trung, không có cơ chế thông báo truy nã của Interpol và tội buôn lậu không bị phạt nặng như buôn người hay buôn lậu ma túy. Như trường hợp của Chumlong, theo Luật Hải quan, bị cáo có thể nộp phạt 32,6 triệu rand tương đương 5 năm tù, nặng hơn là tội buôn lậu với mức xử 12 năm tù. Việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia cũng cần phải củng cố thêm. Sau việc 2 người Việt Nam đã kết án tù vì mang theo sừng tê giác trong hành lý tại sân bay Johannesburg năm ngoái, Việt Nam đã cử một phái đoàn sang Nam Phi để làm việc với nước này nhằm phát triển một cơ chế đối phó với tội phạm tham gia vào việc săn trộm tê giác bất hợp pháp. Bộ trưởng Nước và môi trường Nam Phi, bà Edna Molewa mới đây cho biết đang xem xét đình hoãn việc săn tê giác để bảo vệ loài vật này nhưng quá trình đó phải mất ít nhất 2 năm do cần sự đồng ý của tất cả 9 tỉnh.

 Nhiều nước đã nói không với việc sử dụng sừng tê giác để trị bệnh nhưng một số cộng đồng vẫn coi đó là “thần dược” bất chấp giá cắt cổ. Theo thống kê của WWF, năm 2010, chỉ riêng Nam Phi đã có 165 vụ bắt giữ liên quan đến 287 con tê giác bị săn bắn bất hợp pháp. Đến năm 2007, toàn châu Phi còn 22.000 con tê giác nhưng đến hiện tại chưa có số thống kê chính xác.