Nụ cười trong mắt

ANTĐ - Chị xuất hiện ở khu phố tôi chừng một năm nay. Đôi quang gánh trên vai chị quảy tầng tầng táo xanh, nhãn nâu, cam đỏ, thị vàng… theo bốn mùa xuân hạ thu đông.

Mỗi khi ngắm chị, không hiểu sao tôi hay nhớ tới câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh: “Đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà…”. 

Sáng nào chị cũng hạ gánh chỗ quán trà vỉa hè chào mời các bà các mợ trong khu chung cư. Và sáng nay, gánh hồng của chị chín rực trong cái lạnh se se cuối thu.

- Hồng bán mấy?

- Mười lăm ngàn bác ạ!

- Mười hai!

- Ối, thế thì em lỗ vốn.

- Lỗ thì đi chỗ khác bán!

- Dạ… Bác trả cho em thêm một tiếng! 

- Đúng mười hai!

- Bác cho em xin thêm, mười hai rưỡi!

Kiểu đối thoại mặc cả mua bán này là âm thanh cuộc sống ngõ hẹp. Cũng một cân hồng, nhưng ở quầy hoa quả đầu phố chỉ cách chỗ chúng tôi ngồi mấy bước chân đã có giá 20 ngàn. Vậy mà ở đây người mua được quyền ép giá, người bán phải xuống nước kì nèo. 

Bà chủ quán trà là người phúc hậu, thấy cảnh ấy liền nói với bà khách mua hàng:

- Mười hai rưỡi là rẻ lắm rồi, mua giúp nó đi!

Bà khách tuổi khoảng 50 phốp pháp với những ngấn mỡ nổi ngầu trên cổ nghe thế có vẻ ngượng, liền quay lưng quăng lại một câu gọn lỏn:

- Một cân, mang lên tầng 5, phòng 508 lấy tiền!

- Vâng, để em mang lên cho bác.

Chị gửi gánh hàng cho bà chủ quán trà rồi te tái xách túi hồng theo chân bà khách lên chung cư. 

Những vị khách uống trà nhìn cảnh ấy mà lộn ruột. Một cân hồng nào nặng nhọc gì, sao bà ta không trả tiền rồi cầm về luôn mà lại nỡ hành hạ người yếm thế. 

Bà chủ quán nhìn theo buông một câu cám cảnh:

- Bà ấy ngày xưa theo chồng ra đây, có mỗi cái quần sa- tanh xoắn lò xo, sáng nào cũng đi bòn thịt bạc nhạc về kho đậu phụ. Ngày ấy sao mà nó ngoan thế. Giờ mới giàu một tí đã lên giọng.

- Bà ấy làm nghề gì thế ạ? - tôi hỏi.

Bà chủ quán quết nước trầu thủng thẳng:

- Dân quê chỉ biết làm ruộng, lên đây không nghề ngỗng gì. May khi cấp đất làm nhà, các ông tướng tá chọn khu trong ở cho yên tĩnh, còn lái xe, cần vụ thì phải lấy lô mặt đường. Thời thế đổi thay, giờ cái nhà ở mặt phố nó dành cho thuê một tháng 20 triệu đồng, còn thuê lại tầng 5 chung cư giá 3 triệu để ở…

Vừa lúc đó chị bán hàng rong đã tất tả chạy xuống với cặp mắt đỏ hoe. Chị giơ tay áo lau vội hai giọt nước vừa văng ra. Bà chủ quán trà hỏi vội:

- Làm sao mà mày khóc?

Chị hàng rong cất giọng tức tưởi:

- Dạ… cháu… Cháu mang lên tận nhà cho bà ấy là để lấy với giá mười - hai - lăm… Nhưng bà ấy chỉ giả mười hai… Cháu không chịu, thế là bà ấy bảo không bán thì mang xuống… 

Cả mấy vị khách cùng bà chủ quán nước trà đều thở dài. Hóa ra bà khách kia “gài” chị hàng rong vào thế bí để quyết ép giá. Đắt rẻ hơn thì cũng chỉ 500 đồng. Dù không phải chuyện của mình nhưng tất thảy những người chứng kiến đều tỏ ra bức xúc. Nhưng lạ là chị hàng rong, nạn nhân của trò hiếp đáp nơi phố phường lại bỏ qua rất nhanh. Mặt chị thoắt sáng bừng trở lại. Chị tươi cười nhấc gánh và chào mọi người để đi bán tiếp.

Chị đi khuất rồi nhưng tôi vẫn bị ám ảnh bởi những tia sáng ánh lên trong mắt chị. Tại sao lại thế được nhỉ?

Bà chủ quán trà cất giọng thương cảm:

- Nó quê lên đây thuê nhà ở ngoài đê sông Hồng bán hàng để nuôi con. Hai mẹ con ở với nhau. Con trai đỗ Đại học Bách khoa. Sáng nào nó cũng dậy từ 3 giờ, chạy lên chợ hoa quả gầm cầu Long Biên chọn hàng rồi gánh đi…