Nông sản Việt “chinh phục” thế giới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những trái bưởi da xanh lần đầu tiên chính thức xuất khẩu sang nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới, khoai lang và tổ yến nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới… Đó là những tin vui với nông sản Việt Nam ngay sau khi vừa lập kỷ lục xuất khẩu nhiều trong một năm cho dù vừa bước sang tháng cuối cùng của năm 2022.

Nông sản Việt liên tiếp “chinh phục” thị trường lớn, khó tính

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tỉnh Bến Tre cuối tháng 11 vừa qua đã tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô bưởi đầu tiên của Việt Nam sang Mỹ. Lô hàng 2 tấn bưởi tươi đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ này thể hiện uy tín, chất lượng và tính chuyên nghiệp của người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu và cơ quan quản lý của Việt Nam trong việc đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của Mỹ.

Như vậy, sau thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm và vú sữa, trái bưởi da xanh của Bến Tre là thương hiệu bưởi đầu tiên được nhà phân phối lựa chọn đưa vào thị trường Mỹ qua đường hàng không. Thời gian đầu, những trái bưởi tươi sẽ được phân phối trên hệ thống siêu thị của các bang Washington D.C, Maryland, Virginia và một phần thành phố Philadelphia thuộc bang New Jersy.

Lô hàng 2 tấn bưởi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Lô hàng 2 tấn bưởi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ

Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - là một thị trường lớn đầy tiềm năng đối với các loại hoa quả tươi xuất khẩu của Việt Nam. Mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ các loại trái cây tại Mỹ lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của nước này hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu.

Trong khi đó, Việt Nam hiện có 105.000 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn, với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000 ha với sản lượng khoảng 369.000 tấn mỗi năm. Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho các loại trái cây Việt Nam nói chung và bưởi tươi nói riêng tiếp cận thị trường Mỹ.

Thế nhưng, để vào được thị trường Mỹ không đơn giản với trái cây Việt Nam cũng như bưởi nói riêng. Phải mất hơn 5 năm đàm phán, ngày 17-10-2022, Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) mới ký kết Chương trình xuất khẩu bưởi từ Việt Nam sang Mỹ, đánh dấu loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường thuộc diện “khó tính” nhất thế giới này. Theo quy định của Mỹ, vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải được đăng ký với APHIS và phải được kiểm tra giám sát định kỳ trong suốt vụ bưởi. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại mà phía Mỹ quan tâm như ruồi đục quả (Bactrocera dorsalis, Zeugodacus cucurbitae), sâu đục quả (Prays endocarpa) và các loại nấm (Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana)... Bên cạnh đó, các lô hàng bưởi tươi xuất khẩu sang Mỹ phải được xử lý chiếu xạ với liều tối thiểu là 150 Gy, kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Trước đó, một tin vui với nông sản Việt Nam là thêm 2 sản phẩm của Việt Nam là khoai lang và tổ yến cũng đã được Trung Quốc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch vào thị trường có hơn 1,4 tỷ dân này. Nhu cầu nhập khẩu tổ yến của thị trường Trung Quốc rất lớn, trong khi tiềm năng xuất khẩu tổ yến (yến sào) của Việt Nam rất dồi dào, chất lượng tổ yến Việt Nam đã được khẳng định.

Ngành yến của nước ta đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao, có sản lượng trên dưới 120 tấn mỗi năm, giá trị tương đương 450 triệu USD. Hiện sản lượng yến của Việt Nam có thể xuất khẩu chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của các đối tác ở Trung Quốc vì vậy khi Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc được ký kết, cơ hội cho ngành hàng triệu đô này ngày càng rộng mở.

Xuất khẩu: Kỷ lục nối tiếp kỷ lục

Việc bưởi sang Mỹ, yến và thanh long xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là những tin vui góp vào niềm vui lớn xuất khẩu nông sản Việt Nam vượt kỷ lục dù chưa hết năm 2022. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu nông sản của nước ta qua 11 tháng đầu năm 2022 đã chạm mốc 49 tỷ USD, vượt con số kỷ lục của cả năm 2021.

Theo đó, tháng 11-2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt trên 4,27 tỷ USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Dù tháng 11 xuất khẩu giảm nhẹ nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản 11 tháng của năm 2022 đã chạm mốc 49 tỷ USD, vượt con số kỷ lục của cả năm 2021 là 48,6 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, con số ấn tượng trên đây có sự góp phần không nhỏ của ngành thủy sản, khi lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản của nước ta chạm mốc 10,14 tỷ USD, tăng 27% với với năm trước. Trong 11 tháng qua, 8 mặt hàng/nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD và giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: cà phê đạt 3,5 tỷ USD (tăng 31,5%), cao su đạt 2,9 tỷ USD (tăng 3,2%), gạo đạt 3,2 tỷ USD (tăng 6,9%), cá tra đạt 2,2 tỷ USD (tăng 61%), tôm đạt 4,1 tỷ USD (tăng 14,6%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,6 tỷ USD (tăng 9%)…

Về thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam, châu Á vẫn đứng số một với 44,7% thị phần, tiếp đến là châu Mỹ 27, 4%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,7% và châu Phi 1,7%. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam khi đạt 12,3 tỷ USD, chiếm 25% thị phần. Đứng thứ hai là Trung Quốc với khoảng 9,3 tỷ USD, chiếm 18,9% thị phần; thứ ba là Nhật Bản với giá trị đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 7,9% thị phần...

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều khó khăn như Trung Quốc thực hiện chính sách chống dịch “Zero Covid”. Cùng với đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như đồng Baht của Thái Lan mất giá hơn so với đồng Việt Nam và đồng USD, nên Trung Quốc đang có xu hướng nhập khẩu nhiều các sản phẩm của Thái Lan hơn… Dù vậy, với nỗ lực cao của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người nông dân, xuất khẩu nông sản vẫn vượt qua, gặt gái được một “vụ mùa bội thu”. Năm 2022, Chính phủ giao chỉ tiêu xuất khẩu nông sản đạt 50 tỷ USD, trong khi đó, theo tính toán, nếu duy trì được đà xuất khẩu trong tháng cuối cùng của năm nay thì khả năng xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm 2022 ước đạt 53 tỷ USD.

Nông sản đã góp phần tích cực vào thành tích chung kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Bộ Công Thương cho biết, 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa nước ta ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt kết quả năm 2021 là 668,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,21 tỷ USD tăng 13,4%; nhập khẩu ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1%.

Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).