Ngoài rau quả, nấm ăn Trung Quốc xuất hiện rất nhiều ở thị trường Việt Nam
Người tiêu dùng không biết sợ...
Đã gần 1 tháng kể từ khi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiquad) có công văn gửi Cục An toàn thực phẩm xuất nhập khẩu (Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc) đề nghị trả lời việc gần 300 tấn rau quả nhiễm thuốc BVTV vượt ngưỡng phát hiện tại Việt Nam, tuy nhiên, đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa trả lời.
Theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Nafiquad, từ năm 2013 đến nay, Cục BVTV đã phát hiện 17 lô hàng gồm: Nho tươi, chanh tươi, hồng quả, cà rốt, táo, cam tươi, quýt tươi và củ cải trắng khoảng 300 tấn nhập khẩu vào Việt Nam không đảm bảo ATTP. Đáng nói, toàn bộ số hàng này đã được tiêu thụ hết trên thị trường Việt Nam. Trong đó, mặt hàng quýt tươi có nhiều lô hàng bị nhiễm dư lượng thuốc BVTV nhất (8 lô), cà rốt có 1 lô hàng bị phát hiện nhiễm dư lượng của 3 loại hóa chất BVTV, 1 lô hàng cam nhiễm dư lượng của 2 loại hóa chất BVTV.
Đây không phải lần đầu tiên, cơ quan chức năng của Việt Nam phát hiện rau quả xuất xứ Trung Quốc tồn dư hóa chất vượt mức cho phép trên thị trường Việt Nam. Trước đó, nhiều loại rau quả cũng đã được phát hiện như khoai tây, cà chua, lê, táo… Thông tin về rau quả Trung Quốc nhiễm dư lượng thuốc vượt ngưỡng cho phép năm nào cũng được công bố, song đáng nói, các mặt hàng nông sản Trung Quốc vẫn tràn ngập thị trường Việt Nam, thậm chí “đè bẹp” nông sản trong nước.
Ghi nhận cho thấy, sau khi thông tin gần 300 tấn rau quả Trung Quốc nhiễm “độc” bị phát hiện trên thị trường Việt Nam thì các loại rau quả của Trung Quốc vẫn ùn ùn dội chợ như chanh, cà rốt, nho, quýt, tỏi, dưa vàng… Tại chợ đầu mối Long Biên, chợ nông sản lớn nhất miền Bắc, hàng đêm, rau quả từ cửa khẩu vẫn đổ về đây với nhiều chủng loại như cải bắp, cà chua, cà rốt, khoai tây, hành tây, nho, táo, quýt…. Từ đây, các loại rau quả này lại được xé lẻ đưa đi tiêu thụ khắp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Bên cạnh đó, chợ đầu mối nông sản Hòa Đình, TP Bắc Ninh cũng nhộn nhịp xe ra vào mua bán với các loại nông sản như hành tây, khoai tây Trung Quốc. Bà Bế Thu Hiền, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII Lạng Sơn cho hay, trung bình mỗi ngày vẫn có khoảng mấy chục tấn rau quả nhập qua Tân Thanh.
Gần đây, khoai tây Trung Quốc lại đang ồ ạt đổ về Đà Lạt. Không ít tiểu thương nhập khoai tây, sau đó đưa về Đà Lạt trộn đất đỏ, giả làm khoai tây Đà Lạt rồi bán đi các thị trường như TP.HCM với giá cao… Tại chợ nông sản Đà Lạt, lượng khoai tây Trung Quốc đổ về ngày một nhiều, cao điểm lên đến 5-12 tấn/ngày. Nhiều địa phương, diện tích trồng khoai tây đã và đang suy giảm. Trước thực trạng này, Chi cục BVTV Lâm Đồng phải công bố các tiêu chí phân biệt khoai tây Đà Lạt và khoai tây Trung Quốc.
Hay lỗi của lực lượng chức năng?
Từ lâu, thực hiện thông thương giữa 2 nước Việt Nam- Trung Quốc, rau quả là mặt hàng đánh thuế suất bằng 0%, vì vậy, hầu hết rau quả Trung Quốc vào Việt Nam đều là hàng chính ngạch. Song, người tiêu dùng không khỏi băn khoăn, vì sao nhập khẩu chính ngạch vẫn có hàng trăm tấn hoa quả nhiễm “độc” lọt lưới, sự kiểm soát của cơ quan chức năng có vấn đề?
Theo quy định mới đây nhất của Bộ NN&PTNT về chế độ kiểm soát chất lượng nông sản nhập khẩu, với những mặt hàng nông sản có nguy cơ cao về mất ATTP, lực lượng kiểm dịch sẽ lấy xác suất mẫu kiểm tra, khoảng 10%. Nếu phát hiện sẽ tăng tần suất lấy mẫu lên tỷ lệ 30%. Hiện, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 đã được trang bị 50 bộ Kit nhanh để kiểm tra tại chỗ chất lượng rau củ quả nhập khẩu qua đây. Tuy vậy, bộ Kit này cũng chỉ kiểm tra được khoảng 30% các hoạt chất thuốc BVTV trong danh mục. Muốn kiểm tra sâu, chắc chắn, Chi cục phải gửi mẫu về các Trung tâm kiểm nghiệm tại Hà Nội, công đoạn này cũng mất từ 7-10 ngày, đến lúc có kết quả thì lô hàng cũng đã được thông quan, lưu thông khắp nơi.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, lô hàng được thông quan khi chưa biết kết quả kiểm tra là chính sách thông thoáng trong thông quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hàng hóa không bị ùn ứ tại cửa khẩu. Tuy nhiên, chính sách thông thoáng này đã tạo điều kiện cho nông sản kém chất lượng, mất ATTP lọt lưới vào trong nước tiêu thụ, đầu độc người tiêu dùng. Theo đại diện Chi cục BVTV Lâm Đồng, hầu hết các mẫu khoai tây Trung Quốc khi được lấy kiểm tra đều có dư lượng thuốc BVTV ở mức cao hoặc xấp xỉ mức vượt ngưỡng. Nếu kiểm dịch thực vật cửa khẩu làm chặt chẽ thì lượng khoai tây Trung Quốc về nước chắc chắn sẽ ít hơn vì không đủ tiêu chuẩn.