- Thương lái Trung Quốc tận thu lá trầu không ở Bình Định và những chất vấn của đại biểu Quốc hội…
- Nông sản Trung Quốc tập kết ở Bắc Ninh: Thua trên sân nhà
- Nông sản Trung Quốc vẫn ung dung lọt lưới

Chủ động “đón” nông sản vùng miền
Liên tiếp từ tháng 3 đến hết tháng 8-2014, các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa đã được Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương các địa phương tổ chức. Theo đó, đại diện Hiệp hội Nho Ninh Thuận ký biên bản ghi nhớ với đại diện một số siêu thị lớn tại Hà Nội như: siêu thị Intimex, Fivimart, Hapro về khai thác mặt hàng Nho - nông sản thế mạnh của địa phương này. Ngoài ra, các doanh nghiệp tỉnh An Giang như: Công ty Du lịch Thái Hân; Cơ sở sản xuất đường thốt nốt Lan Nhi; Doanh nghiệp tư nhân xôi phồng Kim Hương… cũng đạt được thỏa thuận hợp tác về du lịch, thương mại với một số doanh nghiệp cùng ngành của Hà Nội.
Tháng 7-2014, tại cuộc làm việc giữa Sở Công Thương Hà Nội và Sở Công Thương Sơn La cũng đã bàn phương án, kế hoạch hỗ trợ, liên kết tìm kiếm, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của Sơn La. Kết quả của buổi làm việc là một bản ghi nhận doanh nghiệp miền Tây Bắc có thể cung cấp nguyên liệu gồm: dong riềng, sắn… cho các cơ sở sản xuất ở Thủ đô.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, rất nhiều địa phương có sản phẩm tốt muốn cung ứng cho Hà Nội nhưng do khâu quảng bá, tiêu thụ còn hạn chế nên hàng chưa tới được với người dân Thủ đô. Mới đây, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức gặp mặt giữa người trồng nho, táo Ninh Thuận với tiểu thương chợ Long Biên để đưa hàng về Hà Nội. “Hàng đã ra tới chợ đầu mối thì tất yếu mở rộng mạng lưới tiêu thụ trong dân. Ví dụ như mặt hàng thanh long, trung bình một ngày, một hộ kinh doanh ở chợ đầu mối Long Biên tiêu thụ 20-40 tấn, bằng lượng hàng bán được của một siêu thị trong một tháng”- Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nói.

Hàng Việt ngày càng hút khách
Đại diện truyền thông hệ thống siêu thị BigC cho biết, siêu thị đang nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng tỉ lệ hàng địa phương trong chủng loại hàng hóa kinh doanh tại siêu thị, góp phần ủng hộ chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hiện tại, có khoảng 145 doanh nghiệp ở các tỉnh đã liên kết cung ứng hàng cho hệ thống siêu thị BigC, phục vụ người tiêu dùng cả nước.
Theo đại diện một siêu thị lớn tại Hà Nội tham gia kết nối với địa phương, những thông tin về hoa quả, nông sản Trung Quốc để cả tháng không hỏng, không đảm bảo chất lượng khiến người tiêu dùng nghi ngại khi chọn mua. Trong khi đó, hàng Việt Nam ngày càng dành được sự quan tâm của nhiều người. Do vậy, siêu thị cũng phải nhập hàng theo ý khách để vừa đảm bảo uy tín, vừa bán được hàng.
Cho rằng hoạt động giao thương tích cực trên rất cần thiết để đẩy lùi nông sản, hàng hóa kém chất lượng (chủ yếu xuất xứ Trung Quốc) tại thị trường Hà Nội, góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước nhưng ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đặt vấn đề, liên kết là một trong những điểm yếu nhất của doanh nghiệp Việt Nam cũng như chuỗi phân phối từ sản xuất tới tiêu dùng. Lâu nay, Hà Nội đã thực hiện liên kết với các địa phương, vừa theo hình thức tự phát, vừa có tổ chức, nhưng lại không thấy đánh giá, rút kinh nghiệm, công bố hiệu quả. Bản thân người tiêu dùng Thủ đô cũng chưa nhận thấy được kết quả của liên kết. Do đó, “các thỏa thuận liên kết cần ràng buộc rõ ràng, cả bên sản xuất và bên phân phối phải thua cùng chịu, lãi cùng hưởng. Có như vậy người dân Hà Nội mới được tiêu thụ nhiều hàng Việt Nam hơn” - ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.