Nông dân lo ngại tốc độ đô thị hóa nhanh, đất nông nghiệp bị thu hẹp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin: Trong khoảng 16,8 triệu hộ gia đình đang sử dụng đất có 10,2 triệu hộ là nông dân. Trong 33 triệu ha đất, có 27 triệu ha là đất nông lâm nghiệp, chiếm 84% quỹ đất tự nhiên.

Sẽ mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp?

Tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ VII diễn ra vào sáng nay, 12/9, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT và Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức, nhiều nông dân băn khoăn về tiếp cận vốn và giữ đất nông nghiệp.

Nông dân Trần Thị Thanh Thoan, thôn Đô Quan, xã Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam với mô hình chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa đặt vấn đề hiện tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến quỹ đất dành cho nông nghiệp đang bị thu hẹp, gây khó khăn cho sản xuất.

Trả lời về vấn đề này, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin: Trong khoảng 16,8 triệu hộ gia đình đang sử dụng đất có 10,2 triệu hộ là nông dân.

Ông Mai Văn Phấn, Bộ TN-MT

Ông Mai Văn Phấn, Bộ TN-MT

Trong 33 triệu ha đất, có 27 triệu ha là đất nông lâm nghiệp, chiếm 84% quỹ đất tự nhiên. Qua 2 con số trên có thể thấy, tỷ lệ đất lớn là dành cho nông lâm nghiệp.

Trong quá trình biên soạn, sửa đổi Luật đất đai, Bộ Tài TN-MT luôn chú trọng làm thế nào để giữ lại nhiều nhất đất cho sản xuất nông lâm nghiệp.

“Liên quan trực tiếp đến chính sách bồi thường nếu thu hồi đất của nông dân, hiện chúng tôi đang chỉnh sửa quy định theo hướng cụ thể hơn nữa: thứ nhất là đa dạng hóa trình tự, thủ tục; Thứ hai là phương án bồi thường, tái định cư phải đi trước, trước khi có ý định thu hồi đất của người dân phải có phương án tái định cư ổn định; Thứ ba là lập quỹ hỗ trợ cho những người mất tư liệu sản xuất”- ông Phấn cho hay.

Thêm vào đó, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đưa ra mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp không quá 15 lần so với hiện tại là 10 lần. Đồng thời, bổ sung cơ chế về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Nhiều nông dân lo ngại tốc độ đô thị hóa nhanh gây khó khăn cho việc tập trung đất nông nghiệp để sản xuất

Nhiều nông dân lo ngại tốc độ đô thị hóa nhanh gây khó khăn cho việc tập trung đất nông nghiệp để sản xuất

Bên cạnh đó, mở rộng các đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (Luật Đất đai hiện hành quy định các đối tượng này không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa).

Tuy vậy, ông Phấn cũng cho rằng, đây là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định này vì nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội.

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 1,4%

Một vấn đề muôn thuở trong sản xuất nông nghiệp là doanh nghiệp và nông dân khó tiếp cận vốn. Tại diễn đàn sáng 12/9, nhiều nông dân tiếp tục đặt vấn đề làm sao để khơi thông vốn, nông dân tiếp cận vốn đơn giản hơn.

Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và có nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực này.

Đặc biệt trong 2 năm (2022-2023), Ngân hàng Nhà nước đang triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay vốn, niêm yết công khai tại Chi nhánh, Phòng giao dịch; nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm.

Đến cuối tháng 7/2022, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,83 triệu tỷ đồng, chiếm 1,4% dư nợ đối với toàn bộ nền kinh tế.

“Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cho vay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cho vay vốn lưu động, phục vụ sản xuất – kinh doanh của HTX”, ông Bắc cho hay.