Nỗi niềm về tết quê
(ANTĐ) - Tết đến, xuân về lòng người náo nức, những người con xa xứ lại càng mong ngày được đoàn tụ với gia đình bên mâm cơm tất niên. Nhưng mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh không phải ai cũng thỏa được ước nguyện của mình.
Nỗi lòng kẻ đi người ở
Ai cũng muốn được về ăn tết bên gia đình |
Dù ai cũng muốn ăn tết bên gia đình, người thân nhưng không phải ai cũng có thể về đúng ngày, có những người đã chọn ăn tết xa quê vì điều kiện không cho phép. Khác với những năm trước, năm nay Vui, cô gái 19 tuổi quê Vĩnh Phúc quyết định sẽ ở lại Hà Nội làm trong những ngày tết để kiếm thêm tiền dành dụm cho đứa em sắp thi đại học. Ở nhà chỉ còn mẹ và em trai đang học lớp 12, cô tâm sự: "Em ở lại làm 1 tuần tết được cô chú trả công bằng một tháng lương, lại được mừng tuổi nên em sẽ có thêm tiền phụ mẹ cho em trai em học thi".
Với chị Phượng, quê Thanh Hóa thì đây sẽ là cái tết cuối chị xa nhà. Bởi lẽ qua tết chồng chị sẽ về hẳn sau 4 năm đi xuất khẩu lao động ở Nga, chị cố đi làm đến qua tết để thêm được đồng nào hay đồng ấy mua quần áo, sách vở cho 3 đứa con. "Hai vợ chồng tôi đi làm thuê bao năm, 4 năm trời vợ chồng chưa được gặp nhau, giờ cũng dành dụm đủ để mở một quán ăn ở làng để không phải xa nhau, xa con", chị Phượng trải lòng.
Người về lo, người ở lại có lẽ còn lo hơn vì không còn ai đỡ đần công việc hàng ngày. Chị Hồng, ở Cầu Giấy thuyết phục người làm ở lại ăn tết với mình bằng cách sắm sửa kẹo bánh tươm tất cho người giúp việc về quê tết trước 1 tuần, hẹn đến đúng 29 tết thì ra ở đến mùng 4 tết lại về, giao hẹn nếu ra đúng ngày sẽ được thưởng thêm 1 triệu đồng. "Chị quyết định sẽ thuê người làm theo giờ để bù vào khoảng thời gian cô giúp việc về nghỉ trước tết. Dù không được như mọi ngày nhưng mỗi người trong nhà cố một chút, để đến tết có khách khứa đến nhà mình cũng được đỡ một chân một tay".
Còn chị Thu, ở phố Bà Triệu lại coi tết là dịp tốt để cả gia đình cùng giúp nhau làm việc nhà, các con chị mỗi khi tết đến đều được bố mẹ dặn dò kỹ nên rất ngoan. "Các cháu biết cô giúp việc về, bố mẹ lại rất bận trước tết nên rất ý thức tự dọn dẹp và cũng ngăn nắp hơn ngày thường. Chồng mình cũng xắn tay làm việc nhà với vợ nên mình chẳng lo lắng gì", chị Thu tự hào nói.
Tết quê đậm đà hương vị
Chỉ còn một tuần nữa là đến tết, khi người ở thành phố tất bật sắm sửa, dọn dẹp thì người đi làm xa quê cũng bận bịu chuẩn bị đón tết theo cách riêng của mình. Người thì sắm sẵn quần áo mới, mua bánh kẹo, đồ chơi về cho con cháu, người lại lo dành dụm tiền về biếu bố mẹ, hoặc gửi tiền về sửa sang nhà cửa. Tuy tết năm nay Hùng, 20 tuổi, người Hà Tây, không để dành được nhiều, nhưng số tiền lương em xin ứng trước đầu năm để bố mẹ đầu tư hai cặp lợn giống và một đàn vịt đã bắt đầu cho những thành quả đáng mừng. Hùng tâm sự: "Từ năm sau em sẽ không còn phải lo gửi tiền về nữa, bố em từ ngày bận nuôi lợn cũng đỡ uống rượu nhiều như trước".
Không chỉ người ở quê mới muốn về quê, năm nay, nhà chị Phương, ở quận Hoàn Kiếm sẽ đón tết theo một cách thật đặc biệt và ý nghĩa. Nhà chị có cô Lan, người Hưng Yên, làm ở nhà chị từ ngày chị còn chưa lấy chồng nên mọi người luôn coi cô như người nhà. Hai đứa con chị, bé gái lớn 10 tuổi, bé trai mới lên 7 khi nghe cô Lan kể chuyện tết ở quê cô cả nhà sum vầy gói bánh chưng thì thích lắm, nhất định đòi bố mẹ về quê ăn tết với cô Lan. Không chỉ sẽ được tự tay gói bánh, chúng còn rất hào hứng vì đến đêm thì tất cả trẻ con sẽ được cùng thức canh bánh, lại còn được nướng mía, lùi khoai ngay dưới nồi bánh chưng. "Vợ chồng mình quyết định ngày 22 tết sẽ đưa hai đứa về quê cô Lan 2 ngày để chúng có được cái không khí tết của mình ngày xưa", chị Phương tâm sự.
Tết Nguyên đán là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam bởi đó không chỉ là ngày của sum họp, của đoàn viên mà còn là ngày để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên. Người lớn và đặc biệt là trẻ nhỏ cũng đều háo hức mong chờ ngày tết với quần áo mới, với tiền lì xì và được bố mẹ cho đi chơi, thăm họ hàng. Lòng luôn hướng về quê cha, đất tổ mỗi dịp tết đến, xuân về dù đang ở bất cứ nơi đâu chính là một nét đẹp truyền thống của người Việt.
Tùng Yến